Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2021 - Ảnh: T.M.
Cụ thể, tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021, với chủ đề định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu sáng 29-7, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Theo đó, với kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3-2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2-2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%.
Với kịch bản cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ giảm từ 1-1,5% so với dự báo được VEPR đưa ra vào quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt từ 6-6,3%.
Còn với kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8, việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý 1-2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 5,4-6,1%.
Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường trong quý 4-2021, quá trình tiêm chủng vắc xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế, khi đó tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt từ từ 3,5-4,0%.
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể khá cao chủ yếu nhờ xuất phát từ một nền tảng rất thấp của năm 2020.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước. Hai động lực cho tăng trưởng chính theo PGS.TS Phạm Thế Anh sẽ vẫn đến từ xuất khẩu và đầu tư công.
Báo cáo của VEPR cũng nhận định việc dòng vốn đầu tư FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu những mặt hàng truyền thống.
Cũng theo PGS.TS Phạm Thế Anh, quá trình phục hồi kinh tế trong ngắn hạn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin; hiệu quả và phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Từ dự báo về bức tranh kinh tế 2021, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, viện trưởng VEPR, khuyến nghị trong ngắn hạn cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch COVID-19, phát triển vắc xin trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vắc xin, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vắc xin nhanh và hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận