Ngân hàng UOB dự báo tỉ giá USD sẽ ổn định ở mức 23.000 đồng/USD đến cuối năm nay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo UOB, mặc dù đạt những thành công ban đầu trong việc khống chế đại dịch, sự bùng phát gần đây của dịch COVID-19 tại Việt Nam và việc phát hiện các biến thể virus mới sẽ có thể mang đến những rủi ro đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế trong quý 3 vì tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam còn thấp.
Dẫn các số liệu thống kê, UOB cho biết trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, dữ liệu trong tháng 4 và 5 cho thấy kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà phục hồi trên mức tăng trưởng GDP 4,5% trong quý 1-2021 so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu đến tháng 5 cho thấy xuất khẩu tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 54,1% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp trong tháng 5 phản ánh mạnh mẽ hoạt động thương mại, với mức tăng 12,6% so với cùng kỳ, cùng mức tăng trong tháng 4.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tích cực. Tổng vốn đăng ký FDI tính đến tháng 5 tăng 14 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư được phản ánh trong cả các hạng mục đầu tư hiện hữu và cấp mới…
Tuy nhiên, một làn sóng COVID-19 mới bùng phát ở nhiều địa phương đã dẫn đến hạn chế di chuyển và làm gián đoạn một loạt hoạt động kinh doanh và sản xuất.
Dù chịu tác động đáng kể từ đợt bùng phát dịch thứ 4, nhưng UOB vẫn dự báo GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% so với dự báo chính thức ở mức 6-6,5%.
"Với triển vọng không chắc chắn từ sự tái bùng phát COVID-19 trong nước, khả năng cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên các chính sách hiện hữu.
Với khả năng kiểm soát đại dịch tốt như trong năm 2020 và cùng với việc đẩy mạnh triển khai tiêm chủng, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giữ vững lập trường chính sách của mình", UOB nhận định.
Nhưng UOB lưu ý yếu tố cần theo dõi là mức lạm phát của Việt Nam đã tăng lên 2,9% vào tháng 5 so với 2,7% vào tháng 4. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9-2020 và được thúc đẩy chủ yếu bởi vận tải (tỉ trọng 9,7%) và nhà ở (tỉ trọng 18,8%), nhưng bù lại từ sự giảm giá lương thực, thực phẩm (tỉ trọng 33,6%).
Về tỉ giá, UOB cho hay sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối để ổn định giá trị VND từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2.
"Với các chính sách can thiệp thị trường từ Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ trong thời gian tới, các diễn biến cho thấy áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể đi cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ. Cập nhật của chúng tôi dự báo tỉ giá có thể đứng ở mức 23.000 đồng/USD trong quý 3 và quý 4. Quý 1-2022 tỉ giá sẽ ở mức 23.100 đồng/USD và đạt mức 23.200 đồng/USD trong quý 2-2022", UOB dự báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận