Phóng to |
Sinh viên làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: Trần Huỳnh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo sư Phạm Phụ chia sẻ: khi nền giáo dục ĐH đã là đại trà thì không một ngân sách nhà nước nào gánh chịu nổi. Vả lại qua nghiên cứu kinh tế giáo dục ĐH, người ta cho rằng “không có đủ cơ sở triết lý và kinh tế để buộc phải cung cấp tài chính cho giáo dục ĐH bằng ngân sách nhà nước”.
"Tài chính cho giáo dục đại học là một vấn đề rất phức tạp, cần có nhiều giải pháp cụ thể, liên hoàn và phải có những đổi mới tư duy mới chấp nhận được" GS Phạm Phụ |
* Thưa GS, đề án khẳng định nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng đầu tư xã hội cho giáo dục, đồng thời vẫn đa dạng hóa và phát huy hiệu quả các nguồn đầu tư khác cho giáo dục...
- Ngoài sự khẳng định trên, đề án còn nêu ra một số chủ trương khác như: “có cơ chế, chính sách quy định tỉ lệ đóng góp của người học, xã hội và Nhà nước trong chi phí giáo dục. Đối với những ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, mức học phí được quy định trên cơ sở từng bước bù đắp chi phí, tương ứng với chất lượng đào tạo, ngân sách nhà nước không hỗ trợ, trừ đối tượng chính sách”... Điều này có nghĩa không còn chuyện “học phí được xác định trên cơ sở mặt bằng thu nhập của dân chúng” như trước đây nữa. Do vậy có thể nói đây là cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục.
* Đề án cũng đưa ra mục tiêu: mức chi (tất cả các nguồn) cho một sinh viên ĐH/năm tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm. GS có cho rằng mức chi đó đã đủ đảm bảo cho định hướng “đào tạo sẽ chuyển mạnh từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng”?
- Mức chi cho một sinh viên bình quân cho một năm thế giới gọi là “chi phí đơn vị” (unit cost). Mức chi này năm 2004-2005 ở Mỹ đã là 22.000 USD/năm, ở các nước phát triển cao (OECD): 12.000 USD/năm, Đài Loan 7.000 USD/năm. Hiện nay mức chi bình quân này ở nước ta chỉ đạt khoảng 600 USD/ năm, nghĩa là khoảng 0,5 thu nhập quốc dân bình quân/đầu người. Tuy nhiên, không thể so sánh theo con số USD tuyệt đối vì còn phải tính đến trình độ phát triển và theo sức mua của đồng tiền.
Theo ước tính của một số chuyên gia ở Ngân hàng Thế giới, để có điều kiện tài chính tối thiểu nhằm đảm bảo chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh về giáo dục ĐH trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh về nguồn nhân lực được đào tạo..., với các nước phát triển thấp như VN, tỉ lệ này cần đến mức 120-150% (các nước phát triển có tỉ lệ thấp hơn).
Năm 2004, chính Ngân hàng Thế giới đã nhận xét: “Chi tiêu bình quân trên đầu sinh viên công lập (ở VN) đạt 53-57% của GDP/đầu người, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu khoảng 93% GDP/đầu người”. Do đó mục tiêu đặt ra mức chi 120% nói trên trong đề án (khoảng 1.500 USD/năm) có thể xem là con số trung bình cần thiết. Tất nhiên vấn đề luôn phải đặt ra là: hiệu quả trong chi tiêu tài chính, trong cung cấp ngân sách nhà nước, trong tổ chức đào tạo... và không phải là cào bằng với tất cả những ngành nghề và chất lượng chương trình đào tạo khác nhau.
* GS có thể nêu một số giải pháp chính?
- Đây là bài toán mà thế giới gọi là “chia sẻ chi phí” (cost sharing), có nghĩa chi phí đơn vị sẽ được chia sẻ như thế nào giữa ba nguồn: (a) phần được cung cấp từ ngân sách nhà nước, (b) phần người học phải chi trả (học phí), và (c) phần đóng góp của cộng đồng, kể cả đóng góp của chính các cơ sở giáo dục ĐH.
Theo con số thống kê năm 2002, tỉ lệ ba nguồn nói trên ở VN là: (a) 55%, (b) 42% và (c) 3%. Những năm gần đây, tỉ lệ phần (a) có giảm xuống và phần (b) có tăng lên nhưng không nhiều. Nếu giữ nguyên tỉ lệ này thì khi chi phí tăng lên 2,5 lần ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH cũng phải tăng đến trên hai lần. Mà ngân sách nhà nước cho giáo dục đã lên đến con số 20% trong tổng ngân sách nhà nước, lại còn phải ưu tiên cho giáo dục phổ cập. Vì vậy đây là tính toán không thực tế.
Con đường có lẽ hợp lý cho bối cảnh của VN hiện nay là: thứ nhất, đưa tỉ lệ sinh viên tư thục lên đến 35-40% của tổng số sinh viên như đã nêu trong nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH VN giai đoạn 2006-2020, dồn thêm ngân sách nhà nước cho 60-65% sinh viên ở các trường ĐH công lập. Giữ nguyên tỉ lệ chi cho giáo dục ĐH như hiện nay. Khi đó phần (a) ngân sách nhà nước có thể đóng góp vào chi phí đơn vị 25-30% như ở nhiều nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản...). Với thành phần (c), đóng góp của cộng đồng, phấn đấu đạt mức 15% như đã nêu trong nghị quyết 14. Khi đó phần (b), học phí, sẽ chiếm 55-60% (ở Hàn Quốc sinh viên tư thục chiếm đến 75%, nhưng học phí ở ĐH công lập cũng chiếm đến 54% chi phí đơn vị).
Từ đó, giải pháp thứ hai là tăng học phí lên 3-3,5 lần so với hiện nay. Đương nhiên phải có lộ trình. Nhưng chỉ có tăng học phí thì nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo, sẽ phải bỏ học. Do vậy phải có giải pháp thứ ba đi kèm là phát triển các quỹ cho sinh viên vay vốn với lãi suất tương đối thấp, với đối tượng sinh viên rộng rãi hơn và phải có nhiều loại quỹ đa dạng hơn. Đây là một hình thức chuyển sự chi trả cho đầu tư giáo dục ĐH của các gia đình sinh viên từ hiện tại sang tương lai. Thế giới đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Khi đó tăng học phí mà không làm cho công bằng xã hội trong giáo dục ĐH xấu hơn.
Thứ tư, đồng thời phải có chính sách “học phí cao - tài trợ nhiều”. Và giải pháp thứ năm là minh bạch và hiệu quả trong chi tiêu tài chính cũng như chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục ĐH.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Phải chẩn đoán đúng bệnhCốt yếu vẫn là đổi mới chương trìnhTừ “nơi dạy của thầy” sang “nơi học của trò”Bắt đầu từ những cái gần gũi nhấtĐổi mới giáo dục từ “yêu gia đình”Đọc sách cho vui hay để thay đổi?Cần một cuộc chấn hưng giáo dụcĐừng chậm trễ nữa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận