Phóng to |
Họa sĩ Nguyễn Quân (đứng) tại hội thảo cho rằng cách dạy văn trong trường hiện nay đang giết chết tưởng tượng, khiến giới trẻ ghét đọc sách - Ảnh: T.N.T. |
Sau phần đọc tham luận của các diễn giả, không khí khán phòng chợt trở nên “nóng” hơn khi luật sư Nguyễn Ngọc Bích dành thời gian của mình cho một bạn sinh viên tên Trinh (hiện đang học khoa du lịch Trường đại học Văn Hiến).
Trinh cho biết bản thân từ khi học tiểu học đến trung học đã không ham thích đọc sách, bạn bè trong lớp cũng vậy. Lý do Trinh đưa ra là hầu hết học sinh đều cho rằng chỉ cần đọc và học sách giáo khoa là đủ lấy điểm, không có nhu cầu đọc thêm. Khi lên đại học thấy việc đọc sách mở rộng là hay, bổ ích, nhưng lại gặp khó khăn vì không hình thành thói quen và phương pháp đọc sách từ nhỏ.
Phi Vũ (SV năm 5 Đại học Y dược TP.HCM) nêu những suy tư chất chứa: “Tại sao chúng ta vẫn quá tụt hậu? Tôi thấy hiện nay có rất nhiều sách hay nhưng đọc sách để làm gì? Đọc cho vui, đọc để... chém gió với bạn bè hay đọc để tiếp nhận tri thức, để thay đổi?”.
Không “sôi sục” như Phi Vũ, bạn Nguyễn Đức Tuấn (SV năm 1 Đại học Kinh tế TP.HCM) tỏ ra điềm tĩnh và thiết thực hơn: “Nói đến sách và chấn hưng giáo dục thì tôi nghĩ đến sách và Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục. Nhưng thú thật từ khi lớn lên tôi không có nhu cầu đọc sách của NXB Giáo Dục nữa. Tôi tìm mua sách của NXB Tri Thức, NXB Trẻ... Và tôi thấy các sách tri thức giáo dục giá còn cao quá, mà những người trẻ theo đuổi tri thức thường không nhiều tiền. Tôi mong muốn các NXB nên giảm giá sách, như vậy mới có thể gọi là chấn hưng giáo dục”.
Được mời nhưng nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara lại nhường micrô cho bạn sinh viên Nguyễn Phạm Tuân (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) tâm sự: “Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, chỉ biết học để thoát nghèo, nhưng khi học đến cấp III tôi ngộ ra đọc sách trong nhà không giúp ích gì, phải đọc sách khác để biết được nhiều hơn, để ứng dụng vào cuộc sống. Nhưng rồi lên đến đại học, tôi thấy học kiểu giáo điều, học thuộc lòng vẫn lặp lại. Tôi học ngành vỏ tàu (thiết kế và đóng tàu) nhưng đi thực tập chỉ đứng nhìn, sách thì vẫn học những cuốn được xuất bản từ năm 1965... thì chấn hưng được cái gì?”.
Những diễn giả có mặt tại hội thảo lần này cũng là những gương mặt quen thuộc trên nhiều diễn đàn: nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, GS Nguyễn Đăng Hưng, họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân... Có cả những cựu quan chức ngành giáo dục như TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM), GS Trần Hồng Quân (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo, hiện là chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập)...
Những bất cập trong giáo dục một lần nữa lại được xới lên. TS Nguyễn Xuân Xanh trong tham luận “Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật” đã không giấu thảng thốt: “Những cuốn sách có tính chất khai sáng xuất bản tại VN bây giờ có số lượng 1.000-2.000 bản so với hàng triệu bản của Nhật Bản thời Minh Trị cho thấy tinh thần VN vẫn chưa thức tỉnh”.
TS Hồ Thiệu Hùng khẩn thiết kêu gọi viết lại sách giáo khoa, sau khi nêu ra bốn điểm bất cập của sách giáo khoa hiện nay: 1/ nội dung ôm đồm, 2/ thiếu tích hợp kiến thức, 3/ hình thức không hấp dẫn, 4/ muốn chiếm vị trí độc tôn suốt các bậc học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận