15/10/2013 06:23 GMT+7

Cốt yếu vẫn là đổi mới chương trình

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - “Chuyển từ quá trình giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức sang quá trình phát triển năng lực, phẩm chất của người học” là mục tiêu PGS Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015, cho rằng mang tính cốt yếu.

iahfFD7v.jpgPhóng to
Ông Đỗ Ngọc Thống - Ảnh: V.Hà

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Việc chuyển từ quá trình chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học chi phối tất cả các khâu từ biên soạn nội dung chương trình tới tổ chức dạy học, áp dụng phương pháp dạy học mới, đổi mới kiểm tra, đánh giá, cách thức ra đề thi, cách thức tổ chức các kỳ thi lớn...

"Cách đây 17 năm, kết luận của Hội nghị trung ương 2, khóa 8 đã chỉ đạo lương giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương nhưng hiện nay lương giáo viên vẫn đứng thứ 14"

* Từ mục tiêu của đề án là “chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất”, tới đây những công việc tiếp theo để hiện thực hóa mục tiêu này sẽ thế nào?

- Với hướng chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, nội dung chương trình - sách giáo khoa (SGK) sẽ không thể hàn lâm, cao siêu, xa rời thực tế đời sống. Nói như thế không có nghĩa chương trình - SGK sau năm 2015 sẽ dễ hơn, dẫn tới việc “hạ cấp trình độ phổ thông” so với hiện nay mà nội dung chương trình - SGK sẽ chỉ chọn lọc những kiến thức cơ bản nhất, tinh túy, gần gũi nhất với người học, với những gì diễn ra trong đời sống. Nhưng những kiến thức cơ bản, gần gũi đó phải đóng vai trò hình thành năng lực cho người học như năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực giao tiếp, giải quyết vấn đề... Sẽ hạn chế tối đa việc đưa vào chương trình - SGK những kiến thức chưa cần thiết đối với người học ở bậc phổ thông.

Thay đổi kế tiếp là phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học. Trước đây, giáo viên phổ biến việc dạy theo kiểu truyền giảng, đọc - chép, nhưng với chương trình mới giáo viên buộc phải thay đổi cách dạy học. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở để học sinh tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề để có được kiến thức... Quá trình đó sẽ hình thành năng lực cho người học như khả năng tư duy, khả năng tìm hiểu, thu thập tài liệu, khả năng phân tích, tổng hợp dữ liệu đã có, cách làm việc nhóm, cách trình bày hiểu biết của mình... Quá trình tự học, suy nghĩ, thảo luận, bày tỏ chính kiến cũng giúp học sinh có được những hiểu biết, tình cảm nhân văn, nhất là ở những bài học thuộc lĩnh vực xã hội. Bộ Giáo dục - đào tạo cũng đã nghiên cứu, triển khai thử nghiệm nhiều cách thức dạy học và sẽ áp dụng một cách linh hoạt, đa dạng ở chương trình mới.

Đề thi, cách thức kiểm tra, thi cử cũng sẽ thay đổi. Việc đánh giá học sinh sẽ diễn ra trong cả quá trình, tới thi hết môn, thi cuối cấp. Căn cứ đánh giá sẽ không chỉ là kết quả điểm thi, kiểm tra mà qua thái độ, ứng xử của học sinh trong quá trình học, làm việc nhóm, làm bài kiểm tra theo chuyên đề, làm thí nghiệm, thực hành trong hoạt động của tập thể. Thay đổi đánh giá, thi cử cũng thể hiện ở nội dung đề thi, đề kiểm tra không còn những câu học thuộc lòng thuần túy. Đề thi, kiểm tra sẽ không đòi hỏi học sinh nhớ được gì mà vận dụng được gì, làm được gì với những kiến thức đã có.

Bất cập trong chính sách về nhà giáo

Dù đổi mới theo hướng nào thì vấn đề con người, ở đây là đội ngũ nhà giáo, là vấn đề đã được tách riêng để nghiên cứu. Nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục - đào tạo những năm qua, sự trì trệ, thiếu sáng tạo của nhiều nhà giáo, hàng loạt sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đều có nguyên nhân từ sự bất cập trong chính sách về nhà giáo, trong đó có chính sách đãi ngộ, chính sách tuyển dụng và sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

* Trong phần mục tiêu của đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có đưa ra mục tiêu “thực học, thực nghiệp”, việc đẩy mạnh dạy học phân hóa ở bậc THPT có phải nhằm vào mục tiêu này không, thưa ông?

- Theo dự thảo thì lớp 11, 12 sẽ chỉ còn ba môn bắt buộc và ba môn tự chọn bắt buộc. Có nghĩa ngoài ba môn được quy định cứng, học sinh sẽ bắt buộc phải chọn ba môn trong số các môn học khác. Ngoài sáu môn học này, tùy theo nhu cầu, học sinh có thể chọn học thêm những chủ đề nâng cao khác nhau. Những chủ đề này học sinh có thể chọn học, có thể không chọn, có thể chọn nhiều chủ đề, có thể chỉ chọn một chủ đề. Những chủ đề nâng cao này được xây dựng trên cơ sở tham khảo yêu cầu đào tạo của các ngành, nghề hiện nay.

Ban soạn thảo đã đề nghị một số cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các trường ĐH-CĐ gửi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với các ngành nghề đào tạo của họ để chúng tôi xây dựng chuyên đề nâng cao. Đây chính là cụ thể hóa mục tiêu “thực học, thực nghiệp”. Người học ngoài kiến thức, kỹ năng cơ bản, sẽ chủ động chọn cho mình những chủ đề cần cho định hướng nghề nghiệp tương lai. Các trường ĐH-CĐ, dạy nghề sau này có thể tùy theo yêu cầu đặc thù của mình để đưa ra yêu cầu xét tuyển. Ví dụ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét hồ sơ của học sinh ở bậc THPT (trong đó có kết quả đánh giá quá trình) hoặc có thể xét thêm kết quả học tập các chuyên đề nâng cao. Việc học các chuyên đề nâng cao cũng giúp học sinh có đủ năng lực để dự thi thêm kỳ tuyển sinh riêng của mỗi trường tự tổ chức sau này. Với hướng này, học sinh THPT sẽ không phải học quá chuyên sâu những kiến thức không cần cho nghề nghiệp của mình.

* Hiện nay theo phản ảnh của giáo giới, có quá nhiều quy định lạc hậu, cứng nhắc đang kìm hãm tính sáng tạo, chủ động và tâm huyết của nhà giáo. Cụ thể có nơi đưa ra tới 24 loại sổ sách nhà giáo phải chấp hành. Theo ông, để mục tiêu của đề án được đội ngũ nhà giáo thực hiện triệt để, cần phải làm gì để tháo gỡ cản trở nói trên?

- Đúng là hiện nay có những quy định lạc hậu, cứng nhắc, trong đó có cả những quy định của ngành và quy định do các địa phương tự đặt ra. Vì thế tới đây sẽ phải rà soát toàn bộ những quy định đã có, bỏ đi những gì lạc hậu, mang tính cản trở đổi mới. Tuy nhiên, nói tới việc này cũng phải nói thêm là trong giáo giới có một bộ phận thụ động, ngại đổi mới, thích “cầm tay chỉ việc” nên khi được áp dụng cơ chế tự do, sáng tạo hơn thì lúng túng, không biết làm thế nào. Vì thế thay đổi bất cập trên không chỉ từ các cấp quản lý mà còn cần từ chính giáo viên.

Không đợi đề án thông qua, ngay trong năm học này Bộ Giáo dục - đào tạo đã có những chỉ đạo nhằm khuyến khích sự sáng tạo, chủ động của thầy, cô giáo. Ví dụ cho phép các nhà trường tự xây dựng kế hoạch dạy học, cho phép thầy, cô giáo chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và kết hợp các phương pháp dạy học của mình.

____________

Tin bài liên quan:

Bắt đầu từ những cái gần gũi nhất Đổi mới giáo dục từ “yêu gia đình”Đổi mới thi ngay những năm tớiTừ “nơi dạy của thầy” sang “nơi học của trò”

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên