Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi với Tuổi Trẻ cụ thể hơn về đề án.
Phóng to |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết đây chỉ mới là đề xuất của ban soạn thảo, còn phải trao đổi, xin ý kiến rộng rãi trước khi có quyết định cuối cùng. Mục đích của việc đổi mới thi là tránh được việc tổ chức thi cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, gây áp lực, quá tải cho người học.
Chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia
* Với hai phương án được đề xuất, có thể hiểu sẽ không còn tồn tại hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “ba chung” nữa mà chỉ có một kỳ thi được gắn với hai mục đích. Ban soạn thảo căn cứ vào điều gì để đưa ra hai phương án?
- Cơ sở để đề xuất hai phương án trước hết là căn cứ vào ưu nhược điểm của cách thi tốt nghiệp và thi ĐH kiểu “ba chung” như mấy năm qua, mặt khác căn cứ vào kinh nghiệm và xu thế quốc tế. Hầu hết các nước châu Âu sử dụng kỳ thi này với hai mục đích: xác nhận kết quả học tập THPT và làm cơ sở tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ, một số nước không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét vào ĐH-CĐ mà phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, một số nước kết hợp xét kết quả thi tốt nghiệp và kết quả thi tuyển vào ĐH-CĐ theo yêu cầu riêng của mỗi trường.
Theo hướng đề xuất của ban soạn thảo, có thể vẫn có hai kỳ thi nhưng sẽ là dồn trọng tâm vào một kỳ thi quốc gia. Cụ thể theo phương án 1, tổ chức kỳ thi cuối cấp THPT để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và là căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ thì trọng tâm sẽ dồn vào kỳ thi này. Còn theo phương án 2, trọng tâm sẽ dồn vào kỳ thi tuyển sinh, việc công nhận tốt nghiệp sẽ áp dụng phương thức “xét kết quả học tập”, có nghĩa sẽ bỏ kỳ thi quốc gia để công nhận tốt nghiệp THPT. Nhưng lưu ý là để được thi tốt nghiệp THPT (phương án 1) hoặc xét (phương án 2), học sinh đều phải đạt được các yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập, rèn luyện trong quá trình học ở THPT theo các quy định cụ thể của chương trình giáo dục phù hợp với cách thức thi - công nhận tốt nghiệp được áp dụng. Như vậy, thi hay xét chỉ là khâu cuối cùng (chứ không phải tất cả) của việc công nhận tốt nghiệp THPT.
* Trong trường hợp vẫn tổ chức kỳ thi quốc gia như khâu cuối để công nhận tốt nghiệp THPT thì kỳ thi sẽ được tổ chức như hiện nay hay giao cho các địa phương, cho các trường tổ chức?
- Đây là vấn đề đang có các ý kiến khác nhau. Nguyên tắc chung là việc gì mà các địa phương có thể làm tốt thì bộ sẽ không làm. Điều quan trọng là có được một phương án hợp lý, có nhiều ưu điểm, phù hợp nhất với việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục và thực tiễn cuộc sống.
Thay đổi chương trình, đổi mới đề thi
* Phương án sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH-CĐ từng được đặt ra nhưng không thực hiện được, chủ yếu do phía các trường ĐH-CĐ cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể là căn cứ tin cậy cho việc tuyển sinh. Ban soạn thảo có lường tới những phản ứng ở khối giáo dục nghề nghiệp không?
- Không có một phương án thi cử nào có ưu điểm tuyệt đối, chỉ có thể chọn một phương án có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp với yêu cầu mới nhiều hơn. Ở cả hai phương án trên, đều không đặt vấn đề bắt buộc các trường ĐH-CĐ phải “bỏ thi” hoặc bắt buộc phải tổ chức một kỳ thi chung có cùng cách thức, môn thi mà tôn trọng tính tự chủ và yêu cầu đào tạo của các trường. Trong trường hợp lấy kết quả tốt nghiệp THPT là căn cứ chính để xét tuyển ĐH-CĐ thì các trường có thể lựa chọn thêm các hình thức thi hoặc kiểm tra đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo, đặc thù của lĩnh vực đào tạo.
* Nếu sau này thực hiện việc đánh giá học sinh trong quá trình học tập và giao kỳ thi cho địa phương tổ chức thì việc kiểm soát tiêu cực sẽ phải làm thế nào để kết quả thi có thể đủ tin cậy sử dụng cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ, TCCN?
- Việc giao cho các địa phương tăng quyền chủ động phải đi đôi với tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm và năng lực thực hiện. Khi đó nhà trường, các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước trung ương về kết quả giáo dục của đơn vị mình. Mặt khác bộ sẽ phải có khả năng và những giải pháp để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, hiệu lực và hiệu quả.
* Cùng với việc đổi mới cách thức thi, nội dung đánh giá, nội dung đề thi sẽ được đổi mới thế nào để phù hợp với mục tiêu giáo dục năng lực cho người học?
- Đề thi mấy năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực như dư luận xã hội đã tán thành, ủng hộ. Sắp tới, việc thay đổi chương trình sẽ buộc cách ra đề thi đổi mới hơn. Tinh thần chủ đạo là làm thế nào để đánh giá đúng được năng lực của người học. Theo hướng này đề thi sẽ đề cao yêu cầu sáng tạo, hạn chế tái hiện, nhớ máy móc; tăng cường yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức và kỹ năng; hạn chế hỏi lý thuyết thuần túy; tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề, nhất là các hiện tượng, tình huống gần gũi với cuộc sống; các bài tập yêu cầu thực hành cũng được gia tăng...
* Theo thứ trưởng, với thực tiễn giáo dục và những tiêu cực, hạn chế trong nhận thức, tâm lý chung của xã hội về thi cử hiện nay, để thực hiện hướng đổi mới thi ở trên cần khắc phục những khó khăn gì? Khi nào thì việc đổi mới này có thể được áp dụng đại trà?
- Khó khăn cần khắc phục trước hết là về nhận thức, cần tuyên truyền phổ biến để đông đảo các tầng lớp xã hội hiểu thấu đáo các chủ trương đổi mới giáo dục và đổi mới thi cử; các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cần quan tâm và sâu sát hơn, quyết tâm ủng hộ đổi mới thi cử. Đồng thời phải giải quyết nhiều vấn đề trong ngành: năng lực và nhận thức của giáo viên, của cán bộ lãnh đạo các cơ sở giáo dục; cán bộ quản lý các cấp; năng lực của đội ngũ chuyên gia ra đề thi; các biện pháp quản lý hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giám sát...
Đổi mới cần tạo ra những thay đổi căn bản, nhưng cách thức đổi mới có khi chỉ là nhận thức lại và làm cho đúng quy luật. Nhận thức đúng điều đó, Bộ GD-ĐT chủ trương những vấn đề nào đã khẳng định được, thấy đúng và có thể thực hiện hiệu quả thì đưa vào thực tiễn luôn. Vì thế một số định hướng đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá nêu trên sẽ được thực hiện ngay trong những năm tới, không chờ đến chương trình sau năm 2015. Những thay đổi quan trọng liên quan đến các kỳ thi sẽ được Bộ GD-ĐT thông báo kịp thời đến mọi học sinh và các đối tượng liên quan.
2 phương án tổ chức thi Ban soạn thảo đề án đề xuất lớp 11 và 12 học sinh bắt buộc phải học sáu môn, gồm ba môn bắt buộc (đối với mọi học sinh) và ba môn học sinh được tự chọn (gọi là các môn tự chọn bắt buộc) trong số các môn học còn lại. Ngoài ra, để phân hóa cao, các em được tự chọn (không bắt buộc) thêm các chủ đề chuyên sâu gắn với ngành nghề mình lựa chọn sau này. Cùng với việc điều chỉnh về nội dung, chương trình, việc tổ chức thi - công nhận tốt nghiệp dự kiến có hai phương án gắn với kỳ thi ĐH. Phương án 1: Thi tốt nghiệp THPT theo hướng: thi ba môn bắt buộc + ba môn tự chọn bắt buộc mà mỗi học sinh đã chọn hoặc thi hai bài yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp. Bài thứ nhất về các lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên, bài thứ hai về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Theo phương án này, việc tuyển sinh ĐH sẽ dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT là chính, các trường ĐH có thể thi/kiểm tra thêm một hoặc hai môn có các chuyên đề chuyên sâu tùy thuộc vào yêu cầu của chuyên ngành sẽ đào tạo ở ĐH. Phương án 2: Xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả học tập của ba môn bắt buộc + ba môn tự chọn bắt buộc. Theo phương án này, việc tuyển sinh ĐH sẽ có thể là thi ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và thi/kiểm tra thêm 1-2 môn hoặc chuyên đề tự chọn chuyên sâu tùy thuộc vào chuyên ngành cần đào tạo của các ĐH. |
____________
Tin bài liên quan:
"Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ xuống"Tránh đổi mới liên tục nhưng chắp váNghịch lý giữa hai kỳ thiKhông bắt học sinh phải dự thi tốt nghiệp THPTĐổi mới thi cử để chống tiêu cựcVì sao người trẻ quay lưng với sự trung thực?Đừng để con em hi sinh sự trung thực vì người lớnỦng hộ đổi mới thi cử, nhưng băn khoăn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận