Chúng tôi bị ép sống thiếu trung thựcThêm clip giải bài tập thể ở Bắc GiangĐổi mới thi cử để chống tiêu cực
Phóng to |
Với cách tổ chức thi như hiện nay, đến sát kỳ thi thầy trò vẫn phải vắt chân lên cổ ôn luyện. Trong ảnh: buổi dò bài ôn thi môn địa lý của học sinh Trường Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM trước ngày thi - Ảnh tư liệu |
TTO xin trích đăng:
Chương trình học "nhớ thay vì hiểu"
Chuyện học sinh sử dụng "phao" gần như trường nào cũng có, nó được "xã hội hóa" đến mức một số ít giáo viên đã "thả" cho học sinh dùng "phao" ngay trong các kỳ kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thậm chí cả kỳ thi học kỳ.
Ban đầu em rất giận các thầy cô, ghét bạn bè, nghĩ làm vậy là thiếu trung thực. Nhưng sau đó em lại thông cảm vì ngẫm lại phải chăng chương trình học "lấy cái nhớ thay cái hiểu", phương thức kiểm tra vẫn buộc học sinh phải làu làu câu chữ, định nghĩa... đã tạo một áp lực vô hình quá lớn lên các bạn học sinh.
Và phải chăng để giảm đi áp lực đó cho học trò, các thầy cô phải lách luật, gác kiểm tra, thi cử thoáng hơn quy định ở một chừng mực nào đó? Trung thực là quý hay chỉ là sự cố chấp, sĩ diện vô ích khi chương trình học quá nặng nề?
Em thật không biết đồng tình hay phản đối, thật khó để chọn sao cho vẹn cả lý lẫn tình. Nhưng lỗi không phải ở thầy cô, càng không phải ở các bạn học sinh sử dụng "phao", mà lỗi là ở chương trình sách giáo khoa, định hướng ra đề kiểm tra thi cử và căn bệnh thành tích ngày càng nghiêm trọng và biến tướng đến khó lường.
Những mái trường trung thực sẽ đào tạo ra những học sinh trung thực. Nhưng thử nhìn lại xem, gần như sự không trung thực, bệnh thành tích nơi nào, tỉnh nào cũng có.
Em xin kể đơn cử như trường hợp ở địa phương em thôi, những năm THCS chúng em bị bắt buộc phải viết thư UPU để ... lấy điểm kiểm tra 15 phút, trong khi chủ trương của cuộc thi là tự nguyện.
Chúng em không hiểu vì sao lại bị bắt buộc cho đến buổi sinh hoạt đầu tuần, nhà trường công bố thành tích "trường có nhiều thí sinh dự thi UPU nhất tỉnh" em mới vỡ lẽ thì ra chúng em bị lừa dối và thầy cô đã không trung thực.
Thậm chí đến những phong trào như "Kế hoạch nhỏ" cũng trở thành bắt buộc, trở thành cuộc đua thành tích. Em còn nhớ năm lớp 9 bạn bè đã vất vả thế nào khi bỏ tiền túi mua những xấp báo cũ để tham gia kế hoạch nhỏ. Cả ý nghĩa của phong trào cũng bị bệnh thành tích, sự thiếu trung thực làm méo mó.
Chúng em có đáng trách hay không khi sử dụng "phao", các thầy cô giám thị có đáng trách hay không khi ném phao, gác thi lỏng lẻo, hãy để dư luận trả lời.
Em chỉ biết đơn giản một điều: nếu chương trình học chúng em bớt đi những nội dung cồng kềnh, xa lạ: nếu định hướng ra đề kiểm tra thiên về đánh giá cái HIỂU hơn là cái NHỚ; nếu không có cuộc đua thành tích rầm rộ trường kì, thì hôm nay, chúng ta không phải đau đớn ngồi lại để hỏi nhau VÌ SAO NGƯỜI TRẺ QUAY LƯNG VỚI SỰ TRUNG THỰC?
Học hiểu mới phát triển tư duy con người
Em đang theo học ở một trường ĐH của Úc. Ở đây giáo viên một số môn cho phép sinh viên mang 1 hoặc 2 tờ giấy (khổ A4) ghi chú (được in hoặc viết tay) vào phòng thi để hổ trợ cho việc làm bài, ghi chú bất cứ gì cũng được ạ, công thức, sơ đồ, biểu đồ...
Theo em, em ủng hộ cách làm này vì bộ nhớ của của con người không giống bộ nhớ của máy vi tính ạ. Nếu ví bộ nhớ não người như bộ nhớ máy tính thì dung lượng cũng bị hạn chế một mức nào đó, và chúng ta phải xóa một số thư mục để có chỗ trống lưu trữ những thứ khác vào.
"Học hiểu" là cách để phát triển tư duy con người, chứ không phải "học như con vẹt".
Sau này khi ra làm việc, công việc đòi hỏi người ta phải có khả năng tư duy, phân tích, đánh giá thông tin đúng hay sai, tương đối hay tuyệt đối, chứ đâu ai đòi hỏi "em hãy nêu định nghĩa về thuyết nào đó của ông này bà nọ đúng và không sai một chữ" và có lẽ không ai có khả năng siêu phàm trả lời đúng từng chữ, đúng nguyên văn trong sách GK.
Em rất bất mãn về chuyện đạo văn trong ĐH ở Việt Nam, đó cũng là nguyên nhân em bỏ trường ĐH ở VN và theo trường nước ngoài học.
Lúc trước ở ĐH Việt Nam em muốn biết cách ghi chép thế nào để không phải gọi là "ăn cắp" và cách thức để ghi tên của tác giả đó vào bài, nhưng không biết hỏi ai, và thầy cô biết cũng biết "sơ sơ".
Có bạn sao chép y hệt (100%) từ một bài trên Internet vào bài báo cáo, vậy mà vẫn được điểm tốt. Không hiểu giáo viên có xem qua không hay nhìn tên chấm điểm.
Giảng dạy môn học "Tránh các lỗi đạo văn" không khó khi ĐH nước ta liên kết, giao lưu với các ĐH nước ngoài như hiện nay. Chỉ là một môn học thôi, bao gồm đầy đủ cách thức, điều luật của đạo văn. Nhưng nếu có giảng dạy, thì làm ơn giảng dạy cho tới, cho đúng.
* Bạn suy nghĩ sao về câu chuyện "Chúng tôi bị ép sống thiếu trung thực"? Hãy chia sẻ ý kiến và trải nghiệm của bạn về tòa soạn trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận