Sau một năm Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực và chủ trương hướng nền điện ảnh đi theo xu thế phát triển công nghiệp văn hóa thì hàng loạt vấn đề, cả thời cơ và thách thức, cả vui lẫn buồn, xen lẫn với nhau mà nếu chúng ta tìm được giải pháp thỏa đáng thì đây sẽ là cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam thực sự tương xứng với tiềm năng.
Bùng nổ trở lại sau hai năm đại dịch Covid-19, nhiều bộ phim đa dạng và phong phú về nội dung và loại hình cho thấy thực lực của đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và tiềm năng của thị trường điện ảnh nước nhà.
Thói quen người Việt ưu tiên xem phim Việt đã dần được hình thành. Lần đầu tiên thị phần phim nội địa ước tính chiếm hơn 42% toàn thị trường, với doanh thu hơn 1.130 tỉ đồng.
Có nhiều phim đạt chất lượng, nhiều phim có doanh thu trên 100 tỉ đồng. Đây là những điểm sáng để chúng ta hy vọng sẽ có thêm những bộ phim có chất lượng hơn, ăn khách hơn trong thời gian tới.
Dù vậy, chúng ta vẫn còn nhiều nỗi lo cho một nền điện ảnh với số lượng phim còn ít, đặc biệt là số lượng phim chất lượng và có tiếng vang, so với một đất nước 100 triệu dân.
Nếu nhìn ở tầm rộng lớn này, và cả so với nền điện ảnh trước đây mà chúng ta đã từng có, những gì của hôm nay là chưa đủ sáng.
Nỗi lo đầu tiên đến từ việc bảo đảm tính chuyên nghiệp cho ngành công nghiệp điện ảnh. Nghệ sĩ phải lắng nghe được nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm nghệ thuật phải tìm được công chúng. Sản xuất phải gắn với quảng bá và phát hành.
Những cơ chế hiện có với phim Nhà nước đặt hàng chưa đủ thu hút các tài năng vào đó, làm như những phim đặt hàng "cho có", không có kinh phí dành cho quảng bá phim khiến các bộ phim được làm xong lại chuyển trả cho Nhà nước, không đến khán giả một cách thuận lợi.
Hoặc hiện nay, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cũng không có được một cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực điện ảnh khiến lĩnh vực đầu tư đầy mạo hiểm này ít nhận được sự quan tâm của xã hội, hoặc nếu có lại chỉ tập trung vào những dòng phim có khả năng có doanh thu cao, chứ chưa hẳn là những dòng phim mà Nhà nước mong muốn.
Chúng ta mong muốn điện ảnh nước nhà phát triển để từ đó chuyển tải những thông điệp tích cực cho người Việt Nam và đến khán giả thế giới.
Chúng ta chỉ có thể bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa nếu chúng ta có những phương tiện chuyển tải những giá trị đó, và điện ảnh là một trong số những phương tiện như vậy.
Ngày nay, chúng ta rất băn khoăn đến tương lai văn hóa nước nhà cũng như vận mệnh dân tộc khi công chúng bị bao vây bởi đủ loại văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh nước ngoài.
Tôi cho rằng muốn "chống đỡ" sự xâm lăng văn hóa thì văn hóa nước nhà phải phát triển, trong đó có điện ảnh.
Công nghiệp điện ảnh cần phải chú trọng vào bốn yếu tố: tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh điện ảnh.
Con người, cụ thể ở đây là tài năng của nghệ sĩ, bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất. Nếu chúng ta có được những nhà làm phim tài năng tầm cỡ, nền điện ảnh của chúng ta chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.
Nhưng để có thể có những tài năng, chúng ta cần rất nhiều điều, cả về môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ.
Học hỏi ở các quốc gia khác thông qua hợp tác làm phim, cử người tham gia các khóa đào tạo, tổ chức nhiều hơn nữa các liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam, tham gia các liên hoan phim quốc tế, có thêm các chính sách để khuyến khích đầu tư sáng tạo điện ảnh, bớt đi những cái nhìn khắt khe và cũ với điện ảnh... chính là cách chúng ta xây dựng nguồn lực quan trọng nhất cho điện ảnh.
Tôi hy vọng bước sang năm mới 2024, bước tiếp từ những điểm sáng của 2023, điện ảnh nước nhà sẽ có nhiều tín hiệu phát triển hơn so với một năm có nhiều phim đạt chất lượng, đạt giải thưởng, đạt doanh thu cao nhưng cũng lắm phim ầm ĩ này nọ trong dư luận.
Muốn được như vậy thì không phải chỉ các nhà làm phim đi một mình mà còn cần cả sự hỗ trợ của Nhà nước cả về chính sách cũng như tài trợ cùng đi, để cùng phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận