15/12/2016 18:47 GMT+7

Dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất

HẢI VÂN
HẢI VÂN

TTO - Việc dạy trẻ tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu người lớn không đưa vào khuôn phép ngay từ đầu sẽ thành thói quen xấu sau này. Câu chuyện dưới đây của bạn đọc Hải Vân là một ví dụ điển hình.

Ông bà xưa có câu “Dạy con dạy thuở còn thơ". Thật vậy trẻ thơ như tờ giấy trắng, mỗi nét chấm phá phù hợp, đúng vị trí, đúng màu sắc sẽ tạo nên bức tranh hoàn mỹ .

Chủ nhật tuần rồi, tôi đi dự đám cưới cô bạn tại một nhà hàng. Ngồi chung bàn có một cô gái khoảng 30 tuổi dẫn theo một cháu gái khoảng 6 tuổi. Cả hai mẹ con đều ăn diện rất đẹp. Sau khi làm quen thì được biết cô gái đó đang công tác tại sở du lịch của tỉnh, còn bé gái đang học lớp 1.

Trong lúc mọi người tập trung nhìn lên sân khấu xem lễ cưới đang tiến hành thì bé gái cứ vòi vĩnh mẹ đòi ăn hết món này đến chỉ món khác. Cô gái cầm đũa loay hoay gắp món này xong rồi để xuống lại gắp món nọ, miệng hỏi liên tục.

- Con ăn cái này nghe?

Bé trả lời: Không ăn.

- Vậy con ăn món nào?

Bé lấy tay chỉ: Món kia kìa.

Thế là những đĩa thức ăn được bày trí đẹp mắt bây giờ trở thành lộn xộn. Qua cảnh tượng đó, ký ức tuổi thơ của tôi lại hiện về.

Tôi nhớ hồi xưa nhà tôi nghèo lắm, ba má tôi làm ruộng. Tuy ít học nhưng cả hai đều rất quan tâm đến việc học và giáo dục con cái. Nhà có 3 chị em, tôi học lớp 7, em trai kế tôi đang học lớp 4. Mỗi tối sau khi cơm nước xong, ba má tôi thường dành 15- 20 phút họp chị em tôi lại. Ba tôi ngày nào cũng hỏi:

- Hôm nay đi học có vui không? Làm bài kiểm tra có tốt không? Vào lớp có bị thầy cô nhắc nhở gì không? Bài học hôm nay con nhớ nhất cái gì?

Tất cả được chị em tôi lần lượt trả lời. Mỗi câu trả lời phải có từ “dạ” trước tiên.

Nếu đứa nào trả lời “trống không” thì bị nhắc nhở, nếu nhắc nhở nhiều lần thì bị phạt bằng cách đứng khoanh tay và lặp đi lặp lại câu trả lời thiếu lúc nãy 30-50 lần tùy theo.

Còn má tôi hay đem những câu nói của ông bà ngày xưa ra phân tích nhằm khuyên dạy chị em tôi. Chẳng hạn thế nào là “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là sao? Hiểu sao câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”...

Tôi nhớ hôm đó tôi đang chuẩn bị đi học, do sắp trễ giờ nên tôi luýnh quýnh. Má tôi hỏi:

- Chiều nay con học tới mấy giờ?

- 5 giờ.

Má tôi không nói gì. Tối đến, như thường ngày trước khi học bài, chị em tôi cũng ngồi lại. Hôm nay ba tôi không hỏi những câu quen thuộc mà yêu cầu tôi quỳ gối, khoanh tay rồi nói:

- Con biết tại sao ba má bắt con quỳ không?

- Dạ không.

- Con hãy cố nhớ từ sáng đến giờ con có sai trật gì không? - ba tôi hỏi.

Tôi cố suy nghĩ nhưng không biết mình đã làm sai điều gì.

Vài giây lát sau, má tôi nói: "Ba má muốn tập cho các con cách nói chuyện lễ phép với người lớn. Tiếng “dạ” mặc dù đơn giản nhưng có giá trị rất lớn, đồng thời cũng khó nói nếu ai không quen. Rồi ba tôi hỏi tiếp: "Vậy con có hiểu câu: Tiên học lễ, hậu học văn là gì không?".

Sau đó, ba giải thích tường tận câu dạy đó của người xưa...

Bây giờ chị em tôi đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, có cơ hội đi đây đi đó. Tiếp cận nhiều tình huống thực tế, tôi thấy phần nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ biết nuôi con chứ chưa biết cách dạy con. Nếu dạy thì họ dạy theo kiểu “Mỹ” như thay vì: “Thưa bác con về” thì biểu con: "Bái bai đi con" hoặc "Mi gió đi con...".

Gặp người lớn hỏi cũng chỉ biết trả lời “có” hay “không", chứ ít khi có tiếng "dạ" đi kèm.

Đó là đối với trẻ nhỏ, còn với tầng lớp thanh thiếu niên, hình như thời gian qua đã bỏ quên việc trau dồi phong cách, lời ăn tiếng nói.

Chẳng hạn vào bệnh viện thăm bệnh thì lại đem toàn những chuyện ngoài lề ra bàn luận sôi nổi . Sau khi ngồi bàn ăn xong thì đứng dậy rồi bỏ đi, không buồn kéo ghế xếp vào chân bàn. Ngang nhiên đi qua trước mặt người lớn thoải mái không một chút e ngại. Đến những nơi linh thiêng thì ăn mặc hở hang, cười giỡn như đang ở ngoài công viên.

Đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng, còn bao nhiêu vấn đề lớn khác liên quan đến đạo đức, nhân cách của tuổi trẻ cần được gia đình và xã hội quan tâm, giáo dục nhiều hơn.

Thật sự mà nói, nhìn những hình ảnh mắt thấy tai nghe tôi có cảm giác câu “Tiên học lễ, hậu học văn" mà các trường phổ thông viết lên nhằm để trang trí ngôi trường, chứ không nhằm mục đích nhắc nhở hay giáo dục học sinh.

Càng bức xúc hơn khi có dịp tìm hiểu một số học sinh cấp trung học cơ sở, có cả học sinh trung học phổ thông thì các em nói: thấy đọc thì biết vậy chứ không hiểu nghĩa là gì và cũng không được thầy cô giáo giảng cho biết.           

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Nhằm góp thêm nhiều góc nhìn trong cách nuôi dạy, giáo dục nhân cách trẻ nhỏ, chuyên mục bạn đọc tâm sự chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

HẢI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên