19/11/2018 11:32 GMT+7

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ 3: Chuyện 'Dâu tây' và 'cô đĩ đẹp'

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Nhiều trò Tây khi học tiếng Việt rồi lại mê đắm văn hóa Việt và sành tiếng Việt hơn cả người Việt...

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ 3: Chuyện Dâu tây và cô đĩ đẹp - Ảnh 1.

Joe - “Dâu tây” (bìa trái) từ Singapore về Việt Nam dự đám cưới của thầy - Ảnh: thầy P.T.S. cung cấp

"Tớ là Dâu..."

"Tiếng Việt nói "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa" trong khi tiếng Anh nói "thoát khỏi chảo, rơi vào lửa" (nói về một con cá cứ lẹt đẹt trong cái chảo rồi cuối cùng nhảy ra chỉ để rơi vào đống lửa!). Hoặc là tiếng Việt nói "lắm thầy nhiều ma" trong khi tiếng Anh nói "quá nhiều đầu bếp làm hỏng cả nước dùng".

Tất nhiên, có một số trường hợp mà tiếng Việt và tiếng Anh nói giống nhau: "viết như gà bới" chẳng hạn, nhưng thường thì lại so sánh những cái rất khác nhau một cách rất thú vị...".

Dạy tiếng Việt cho người chưa biết gì dễ hơn nhiều so với người đã biết lõm bõm một chút nhưng không đến đầu đến đũa.

TS BÌNH SLAVICKÁ (ĐH Charles, Cộng hòa Czech)

Joe, một cựu học viên Canada, đã chia sẻ góc nhìn dí dỏm, độc đáo của "Tây" khi sống ở "ta" trong cuốn sách đầu tiên xuất bản từ blog của anh. Đây cũng là cuốn sách ngay trong tuần đầu phát hành đã giành vị trí số 1 tại bảng xếp hạng sách bán chạy nhất.

Ít ai biết rằng chủ nhân hai cuốn sách nổi đình nổi đám Tớ là DâuNgược chiều vun vút ấy không phải đã "đỉnh" ngay khi đến với khoa tiếng Việt. Dù trước khi trở thành học viên của khoa, Joe đã học tiếng Việt ở bên ngoài.

Cũng như Joe tự phiên tên mình ra thành một cái tên thuần Việt, tất cả thầy cô khoa tiếng Việt đều gọi cậu là "Dâu tây".

"Lúc bắt đầu, gần như đó là học viên nói tiếng Việt tệ nhất của lớp" - thầy Phan Thanh Sơn, một người thầy, người bạn của Joe, vui vẻ kể lại.

"Dâu tây vào khoa tiếng Việt khi đã "giắt lưng" được kha khá từ tiếng Việt học được bên ngoài nhưng phát âm chưa chuẩn. Nói như chim hót, nhanh nhưng không có dấu câu, không rõ thanh điệu..." - PGS Nguyễn Thiện Nam, trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, nhớ như in cậu học trò nổi tiếng.

"Dâu tây" rất tự tin, tranh thủ nói tiếng Việt với tất cả, gặp thầy cô nào cũng không tha. Nhưng những ngày đầu ấy tôi chỉnh ngay: "Cậu nói như thế chưa được đâu, vội dùng "à", "ư" cuối câu cho sành điệu mà phát âm không rõ thì ai hiểu..." - thầy Đào Hùng nhắc lại.

Nhưng từ điểm xuất phát bị chê tơi bời, sau này chính các thầy lại phải tấm tắc: "Dâu tây" học nhanh đến mức sành sỏi về tiếng Việt rồi".

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ 3: Chuyện Dâu tây và cô đĩ đẹp - Ảnh 3.

Joe - “Dâu tây” (bìa phải) cùng thầy dạy tiếng Việt về quê dự lễ giỗ tổ - Ảnh: thầy P.T.S. cung cấp

Trong một bài viết "bênh" giáo dục Việt Nam trước những lời chê bai của chính người Việt, Joe kể: "Tôi gặp được thầy Sơn, thầy giáo cùng tuổi với tôi (ngựa), cùng loại xe (Vespa), cùng số phận (ế).

Kể cả thời gian học bên Canada, tôi chưa gặp giáo viên dạy ngôn ngữ nào biết tạo không khí vui vẻ như thầy Sơn. Trong lớp học có cả sinh viên Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Nhờ cách dạy sáng tạo và tương tác của thầy Sơn mà nhiều lần cả lớp cười phá lên, sinh viên quên hết mình là người ở đâu, sinh ra để giận ai; các bác Liên Hiệp Quốc có thể học hỏi thầy Sơn nhiều thứ...".

"Thầy Sơn" mà "Dâu tây" nhắc đến nhiều lần chính là ThS Phan Thanh Sơn - người luôn được các học viên mới sang Việt Nam rỉ tai nhau "nhất định phải học thầy".

Không chỉ có những nguyên tắc tiếng Việt trong sách vở, thầy Sơn còn đem đến cho sinh viên muôn vàn tình huống sử dụng từ, ngữ rất đời thường.

Mấy năm gần đây, không còn thấy Joe xuất hiện ở vai trò MC, diễn viên trên các chương trình truyền hình như trước. Hóa ra hot-blogger ở Việt Nam năm nào đã có công việc mới với cuộc sống mới ở Singapore.

Năm 2017, Joe lại có mặt ở Việt Nam để dự đám cưới một người thầy từng dạy tiếng Việt cho mình.

Phương pháp học tiếng Việt tốt - Video: Dương Liễu

Dạy tiếng Việt cho Tây - kỳ 3: Chuyện Dâu tây và cô đĩ đẹp - Ảnh 5.

Sinh viên nước ngoài trong trang phục mớ ba mớ bảy của Việt Nam - Ảnh: THANH HÀ

"Kiều - cô đĩ đẹp"

Rất bất ngờ khi đây là tên một đề tài tốt nghiệp để nhận bằng cử nhân của một sinh viên nước ngoài những năm 1980.

Cristian, sinh viên người Romania, sau khi nghe bài giảng mê ly về phong cách Truyện Kiều của GS Lê Đình Kỵ đã nung nấu ý định làm khóa luận tốt nghiệp về Truyện Kiều.

Nhưng đề tài là gì? Suy nghĩ mãi, một hôm trong lúc trò chuyện với GS Hoàng Trọng Phiến - chủ nhiệm khoa tiếng Việt, Cristian nói: "Nàng Kiều đẹp quá mà số phận cũng éo le quá, em muốn làm đề tài "Kiều - con đĩ đẹp".

Thấy đây là một đề tài thú vị, GS Phiến sau đó đã đích thân đề nghị GS Lê Đình Kỵ hướng dẫn. Có điều tên đề tài dù hấp dẫn nhưng chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam.

"Chữ "con" trong tiếng Việt hàm ý khinh bỉ. Kiều không đáng khinh, Cristian nên chọn tìm từ khác" - GS Phiến gợi ý. "Kiều - cô đĩ đẹp" chính là lựa chọn cuối cùng của Cristian.

Kết quả, đề tài "Kiều - cô đĩ đẹp" được hoàn tất, bảo vệ thành công và gây ấn tượng mạnh với chính các chuyên gia ngôn ngữ, văn học Việt Nam.

Cũng giống tên đề tài chứa đựng đầy tính chất đối lập, khóa luận được viết trau chuốt đã khẳng định cô Kiều đẹp từ trong ra ngoài nhưng cuộc đời không may mắn, bị đầy ải vào đủ đoạn trường khổ đau.

GS Lê Đình Kỵ dù khó tính cũng đã rất hài lòng với khóa luận của cậu sinh viên nước ngoài.

Đến tận bây giờ đề tài ấy vẫn được các thế hệ thầy trò của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội nhắc đến như một dấu ấn đặc biệt của sinh viên nước ngoài khi du học ở Việt Nam.

Sinh viên Tây về quê dự giỗ tổ

Mỗi năm, vào dịp giỗ tổ ở quê hương xứ Nghệ, thầy Phan Thanh Sơn lại kéo sinh viên nước ngoài về để trải nghiệm, giao lưu văn hóa. Mấy năm trời rồi thành thông lệ, lễ giỗ tổ ở quê lại có thêm phần phát biểu cảm tưởng của sinh viên nước ngoài.

"Mọi người, nhất là người già, thích thú với màn này lắm. Tự nhiên có mấy ông Tây đứng lên nói "Kính thưa các cụ, kính thưa các ông, các bà...", rồi hai tay cũng xoa xoa vào nhau lúc phát biểu như người ở quê lâu năm thấm đẫm văn hóa làng xã, ai mà không thấy thú vị..." - thầy Sơn chia sẻ.

Thầy Sơn còn cho biết ông dạy tiếng Việt cho trò Tây nhưng cũng học được nhiều thói quen đẹp ở họ, như thái độ tôn trọng môi trường, thấy rác là nhặt và triệt tiêu tư tưởng "tắc lưỡi một cái là vượt đèn đỏ".

Kỳ tới: Tiếng Việt của ngài đại sứ Palestine

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên