16/01/2019 09:58 GMT+7

'Dây rút ngược', được không?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Cách đây hai tuần, giám đốc một công ty có vốn nước ngoài ở Hà Nội đã sang Singapore phẫu thuật khối u tuyến giáp. Tổng chi phí ca mổ (thời gian mổ và nằm viện 3 ngày) là 27.000 đôla Singapore.

Dây rút ngược, được không? - Ảnh 1.

Số tiền này tương đương khoảng 450 triệu đồng, chưa tính tiền khám ban đầu là 800 đôla Singapore và chi phí máy bay khứ hồi từ Hà Nội.

Câu chuyện này diễn ra trong bối cảnh Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện một dự án có tên nôm na là "dây rút ngược", nhằm thu hút người bệnh nước ngoài đến Việt Nam và giữ chân người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước. 

Cho dù năm 2018 có 300.000 người bệnh là Việt kiều và người nước ngoài, trong đó có cả người Nhật chọn chữa trị bệnh tại Việt Nam thì hệ thống y tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện dự án này.

Tại hội nghị tổng kết công tác 2018 ngày 15-1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra lạc quan về cơ hội thu hút bệnh nhân quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt ở các ngành nha khoa, điều trị hiếm muộn, thẩm mỹ... 

Theo bà Tiến, trước đây mỗi năm người bệnh Việt Nam chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh, nay hệ thống y tế cần "bứt phá" để có thể giữ lại 2 tỉ USD này, cùng với chăm sóc y tế cho nửa triệu người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (chưa kể người thân của họ) và bệnh nhân từ các nước xung quanh.

"Có 30% bệnh nhân ở tuyến T.Ư là bệnh nhẹ, có thể điều trị ở tuyến tỉnh, 30% bệnh nhân tuyến tỉnh có thể điều trị tại tuyến huyện. Nhưng bất cập là việc phân bổ ngân sách y tế có mô hình tam giác ngược, tuyến tỉnh và T.Ư điều trị cho chưa đầy 30% người bệnh nhưng sử dụng 70% kinh phí, tuyến huyện, xã chăm sóc 70% lại chỉ nhận 30% kinh phí. Cần phải nâng chất lượng y tế ở tuyến này, tuyến T.Ư tập trung dịch vụ chất lượng cao, thu hút và giữ chân người bệnh" - bà Tiến nói về giải pháp.

Nhưng làm sao giữ chân khi vẫn có nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh? Trong thời điểm lo lắng nhất về sức khỏe, rất nhiều người bệnh đã không nhận được sự tư vấn nhằm hóa giải nỗi lo đó. 

Bác sĩ VN lại quá nhiều bệnh nhân nên họ thấy nỗi đau đớn là chuyện bình thường, chưa nhìn thấy nhu cầu điều trị tâm lý cho bệnh nhân trước khi chữa bệnh, chưa đặt người bệnh là trung tâm của dịch vụ y tế. 

Nếu chưa thay đổi được điều này, rất khó có thể giữ chân người bệnh giàu có ở lại điều trị tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã có nhiều thiết bị y tế tốt, thế hệ mới và hiện đại.

Trên số báo Tuổi Trẻ ngày 15-1, chúng tôi đã thông tin câu chuyện Malaysia đặt mục tiêu thu hút 1 triệu bệnh nhân Indonesia đến khám chữa bệnh vào năm 2020. 

Du lịch y tế đang trở thành dịch vụ hái ra tiền, bằng chứng là văn phòng đại diện một tập đoàn y tế tư của Singapore cho biết trong hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, họ luôn tăng trưởng mạnh. Các bệnh viện Nhật Bản, Thái Lan cũng đang tham gia miếng bánh này.

Bộ Y tế đang dần thay đổi về cách nghĩ, bắt đầu nghĩ xa hơn, nhưng muốn đi được xa như mong đợi, trước hết phải thay đổi về căn cốt con người, về trọng điểm đầu tư...

Người bệnh VN chi 2 tỉ USD/năm đi nước ngoài khám chữa bệnh Người bệnh VN chi 2 tỉ USD/năm đi nước ngoài khám chữa bệnh

TTO - Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố con số: mỗi năm người Việt chi 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên