18/05/2024 07:18 GMT+7

Dạy học trò bạo lực ngay trong trường học, không chấp nhận được

Bạo lực, kể cả về thể xác lẫn tinh thần, đều là phản giáo dục, không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục, thể hiện sự bất lực của người lớn khi không thể tìm được một cách nào tốt hơn.

Dạy học trò bạo lực ngay trong trường học, không chấp nhận được- Ảnh 1.

Chuyện giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) cho sáu học sinh lớp 12 đánh một bạn cùng lớp chỉ vì em này đi học trễ tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề bạo lực trong nhà trường.

Không chỉ là những vụ việc do các em phát sinh mâu thuẫn và giải quyết xích mích bằng tay chân mà lần này có cả những trường hợp do giáo viên chỉ đạo thực hiện.

Sự bất lực

Cách đây một vài năm, chị đồng nghiệp của tôi bức xúc kể lại rằng con gái chị mới học năm cuối tiểu học, trong một lần phạm lỗi đã bị cô sai một bạn khác tát vào mặt trên bục giảng. Vì còn nhỏ nên con không thể phản kháng mà chỉ biết tấm tức về nhà mách mẹ.

Tối hôm đó, vợ chồng anh chị tới nhà và yêu cầu cô giáo giải thích cụ thể sự việc. Cô giáo thừa nhận sai và xin lỗi. Anh chị cũng bỏ qua mà không đưa vụ việc báo cáo lên nhà trường.

Còn nhớ năm 2018, một cô giáo ở Hải Phòng bắt một học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng vì em nói chuyện riêng trong lớp học. Vụ việc này gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.

Cách trừng phạt trẻ bằng bạo lực dù là bạo lực về tinh thần hay thể xác từ trước tới nay vẫn mặc nhiên được âm thầm chấp nhận không những trong nhà trường mà ngay trong cả nhiều gia đình.

Việc đó phổ biến đến nỗi nếu được hỏi, trẻ sẽ kể chuyện một cách hết sức tự nhiên về những lần bị thầy cô bắt chìa hai bàn tay ra để vụt. Các em coi đó là bình thường, là việc làm đúng đắn và các em đáng bị như thế.

Con tôi cũng không phải là ngoại lệ, khi có một lần con về nhà mà rơm rớm nước mắt kể bị cô vụt vào lưng rất rát...

Đó là phương pháp dạy trẻ phản giáo dục, thể hiện sự bất lực của người lớn khi không thể tìm được một cách nào tốt hơn. Cũng có thể gọi đó là một hình thức "bắt nạt" khi người lớn có quyền lực, có sức mạnh để trừng phạt người yếu thế hơn mình.

Cần giải pháp từ cả gia đình, nhà trường

Tôi không ngạc nhiên khi em học sinh lớp 12 nói trên bị sáu bạn khác đánh theo chỉ đạo của cô giáo mà không hề biết phản kháng. Dường như em đã mất phần nào khả năng tự bảo vệ bản thân, khả năng chống lại những bất công đến với mình.

Tôi cũng không bất ngờ khi sáu học sinh đang chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành kia lại "ngoan ngoãn" thực hiện cái mệnh lệnh sai trái, bạo ngược kia của giáo viên mà không em nào từ chối, phản đối.

Đó là hệ quả của cách thức mà chúng ta đang giáo dục con em mình, ở trong gia đình, trên nhà trường và ngoài xã hội.

Môi trường giáo dục là môi trường "thiện" nhất, tốt đẹp nhất. Nhưng chính nơi đây lại có thể gieo mầm ác cho những đứa trẻ vốn như tờ giấy trắng. Hệ lụy là bạo lực xảy ra ở khắp nơi, mà một phần nguyên nhân là chính nhà trường.

Có những đứa trẻ chỉ cần thấy hành động không vừa mắt của bạn khác là sẵn sàng quây vào đánh hội đồng. Những bạn khác thì đứng vòng quanh reo hò, quay clip. Vào bệnh viện mà người nhà chưa được khám chữa kịp thời, bác sĩ bị thân nhân đuổi đánh. Va chạm giao thông chưa biết ai đúng ai sai đã có thể vác dao ra chém...

Đến ngày 17-5, cô giáo trong vụ việc Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã bị đình chỉ công tác. Liệu đây có phải là bài học cảnh tỉnh cho ngành giáo dục, hay chỉ là tiếng rơi "tõm" của viên sỏi nhỏ xuống mặt nước rộng mênh mông?

Phải chăng, ngoài những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mang tính chất răn đe, ngành giáo dục nên nghiên cứu bổ sung thêm kiến thức về luật pháp và kỹ năng sống trong chương trình giảng dạy, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy để những quy định khô khan thành những tình huống cụ thể đi vào đời sống hằng ngày.

Còn chúng ta, những bậc phụ huynh, cũng cần trang bị cho con mình những kiến thức và kỹ năng để con có thể tự bảo vệ được bản thân mình khi ra ngoài xã hội.

Nếu không có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình thì những vụ việc như vậy chắc chắn sẽ xảy ra với mức độ thường xuyên hơn và với tính chất nghiêm trọng hơn.

Con không làm!

Con gái tôi khảng khái nói như vậy khi nghe tôi kể lại câu chuyện và được hỏi "Nếu cô giáo nói con đánh bạn vì bạn phạm lỗi, con có làm không?". Con nói chắc chắn không đánh, thậm chí sẽ nói các bạn khác không làm theo lệnh của cô, "vì như vậy là sai".

Thật mừng khi con dám... cãi lại cô!

TP.HCM: Giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớpTP.HCM: Giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớp

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM đã cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớp vì đi học muộn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên