Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 16-5, một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM phản ánh việc giáo viên cho 6 học sinh đánh bạn ngay trong lớp.
"Con tôi về kể chuyện xảy ra với bạn P.K., học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM. Trong buổi học ngày 13-5, P.K. đã đi học muộn. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 là cô D. yêu cầu các học sinh trong lớp đánh K. bằng ống nhựa", vị phụ huynh này kể.
Sau khi vụ việc được phản ánh, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 17-5, ông Dương Văn Thư, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác cô D. từ ngày 17-5 để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Không thể tin được
Theo một số bạn đọc, chuyện thầy cô giáo đánh học sinh thời gian qua dư luận cũng hay phản ánh, nhưng bất ngờ là vụ việc lại xảy ra ngay tại trung tâm TP.HCM, nhất là với học sinh lớp 12, các em chuẩn bị thi cuối cấp.
"Có giáo viên không có năng lực sư phạm như thế này sao? Thiếu gì biện pháp sư phạm, thiện cảm, nhân văn để giáo dục, nhắc nhở học sinh. Sao lại dùng cách làm phản giáo dục, phản sư phạm như vậy?", bạn đọc Lê Đức Đồng viết.
Bổ sung, bạn đọc Khai Phong nêu ý kiến: "Không thể chấp nhận một giáo viên cấp 3, tức phải tốt nghiệp bậc đại học của ngành sư phạm, mà lại "sáng tạo" ra phương pháp không có trong lịch sử giáo dục như thế này. Bộ Giáo dục - Đào tạo chấn chỉnh giúp!".
"Dù kỷ luật dưới bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là phần ngọn, không giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Bây giờ việc cần làm là ban giám hiệu nhà trường có giải pháp ổn định tâm lý các em học sinh, chuẩn bị tốt cho các kỳ thi quan trọng sắp tới", bạn đọc Anh Vũ nói thêm.
Theo bạn đọc Toàn Nguyễn, không rõ sự việc như thế nào, nhưng nếu đây là 100% sự thật thì kiểm điểm hay rút kinh nghiệm, cảnh cáo gì cũng không đủ. Nghề giáo là phải giáo dục.
Và đây cũng là ý kiến được đa số bạn đọc Tuổi Trẻ Online đồng tình, thông qua số lượt tương tác nhiều nhất trong các bình luận.
Cũng đứng về phía số đông này, bạn đọc Mai bức xúc: "Giáo dục, giáo viên như vậy thì xin hỏi sẽ đào tạo ra được nhân tài nào nữa?".
Chuyện lỡ xảy ra rồi, quan trọng là không lặp lại
Chia sẻ với câu chuyện, một bạn đọc có tài khoản 12345, tự nhận là một học sinh của cô giáo D., trần tình: "Không phải như mọi người nghĩ đâu ạ. Con là học sinh của cô giáo ấy và sự thật không chỉ có như vậy".
Bạn đọc này kể: "Mặc dù hành vi ấy là sai trên mặt lý thuyết nhưng đối với con cô rất nhiệt huyết, dạy bảo tụi con rất tốt. Sự việc trên là do hôm đó tụi con phải có mặt đầy đủ để kiểm dò lại thông tin đăng ký thi tốt nghiệp, nếu có sai sót thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Cô đã dặn dò rất kỹ và nhắc đi nhắc lại nhiều lần".
Cũng theo bạn đọc này: Nếu mọi người tìm hiểu sẽ thấy lớp rất đoàn kết và yêu thương nhau nên không có chuyện "cô lập", ghét bỏ hay "hội đồng".
Đồng tình với ý kiến bạn đọc trên, tài khoản Trần Quang Dinh đề xuất: Chuyện đã lỡ xảy ra rồi. Giáo viên và nhà trường cũng đã có động thái xin lỗi gia đình em K.. Cô giáo đã bị kỷ luật.
Vấn đề bây giờ là cần ổn định tinh thần để các cháu tập trung, dồn sức ôn thi tốt nghiệp.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc như thế xảy ra, theo nhiều bạn đọc, môi trường giáo dục phải có hình thức thưởng, phạt phân minh.
Theo bạn đọc Mai Kiều, bên cạnh việc tăng lương cho giáo viên ở thang cao nhất, phải đi kèm các tiêu chuẩn chặt chẽ về đạo đức, tư cách nhà giáo để họ là người truyền kiến thức và cảm hứng, mang ảnh hưởng tốt đẹp và là tấm gương cho học sinh.
"Kiên quyết loại bỏ các cá nhân không đạt chuẩn đạo đức khỏi tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước, bất kể là công lập hay tư thục, xây dựng các chính sách phù hợp để quản lý", bạn đọc này đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận