Trong cuộc phỏng vấn, Phạm Thiên Ân khẳng định anh sẽ chỉ làm phim về Việt Nam. Đối với anh, Việt Nam không thể thiếu trong sự nghiệp sáng tác.
Mọi tâm huyết tôi đều dành cho điện ảnh
* Cảm giác hiện giờ của anh thế nào?
- Thật sự mọi thứ đến quá nhanh và tôi còn chưa kịp định hình. Lúc được xướng tên, tôi có chút ngỡ ngàng. Và sau đó là cảm giác bồi hồi, xúc động, tự hào.
* Nhìn lại toàn bộ hành trình của mình, từ những khó khăn vất vả để theo đuổi đam mê cho đến khi có tác phẩm đoạt giải tại Cannes, anh có cảm nghĩ gì?
- Tôi cảm thấy mình khá là liều. Mọi tâm huyết tôi đều dành cho điện ảnh, và tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn và có phúc khi đi đúng đường cũng như tìm được cho mình những cộng sự ăn ý, tâm huyết.
Tôi không quan trọng mình là người thứ nhất hay thứ hai nhận được giải thưởng này, quan trọng là tôi đã thành công trong việc thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của bản thân và đưa phim Việt Nam lẫn văn hóa Việt Nam đi xa đến thế giới. Giải thưởng này càng thêm củng cố niềm tin của tôi về con đường mình đã chọn.
* Anh thích nhất điểm nào ở bộ phim của mình? Anh chịu ảnh hưởng từ những nhà làm phim nổi tiếng nào?
- Tôi là người làm phim nên tôi yêu thích tất cả mọi thứ trong bộ phim của mình, không có cái nào là nhất cả. Tôi lấy cảm hứng nhiều từ những nhà làm phim tên tuổi như Béla Tarr, Theo Angelopoulos, Kenji Mizoguchi, Tsai Ming-liang...
* Có thông tin anh đang sống tại Mỹ với người thân. Vậy quốc tịch của anh hiện giờ là gì?
- Tôi xin phép không chia sẻ chi tiết về vấn đề quốc tịch. Nhưng tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam và hiện giờ tôi đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ.
Tôi muốn khám phá và tiếp cận Việt Nam sâu hơn nữa
* Nhiều người đặt câu hỏi về "căn tính Việt Nam" của anh trong sáng tạo, khi anh có cuộc sống tại nước ngoài. Vậy Việt Nam quan trọng như thế nào với cuộc sống và với nghệ thuật điện ảnh của anh?
- Tôi nghĩ mình sẽ chỉ làm phim về Việt Nam vì tôi sinh ra, lớn lên và làm việc tại Việt Nam, bạn bè và người thân của tôi đang ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam rất quan trọng đối với tôi và là điều không thể thiếu trong các sáng tác của tôi.
Hiện tại, tôi mới chỉ làm phim về những gì mình thấy quen thuộc, mình đã trải qua. Tôi muốn khám phá và tiếp cận Việt Nam sâu hơn nữa ở những nơi mình chưa tới để tìm cảm hứng cho bộ phim tiếp theo.
* Anh đã gặp đạo diễn Trần Anh Hùng sau khi nhận giải tại Cannes. Bức ảnh do chủ tịch ban giám khảo Camera d'Or chụp, ghi lại cuộc hội ngộ của hai người Việt đoạt Camera d'Or cách nhau 30 năm. Cảm xúc của anh trong khoảnh khắc đó?
- Đó là lần đầu tiên tôi gặp thầy Trần Anh Hùng. Tôi cảm thấy rất vui vì cơ duyên này, đặc biệt là lần gặp đầu của tôi và thầy lại là sau khi nhận giải thưởng.
Tôi thấy thầy Hùng rất nhẹ nhàng và từ tốn. Cả hai chúng tôi đều vui mừng chúc mừng thành công của nhau.
* Có sự khác biệt giữa một đạo diễn Phạm Thiên Ân trên phim trường và một Phạm Thiên Ân đời thường không?
- Trên phim trường, tôi tự thấy mình nghiêm túc và có thể là khó tính. Còn ngoài đời thì không như vậy. Tôi luôn trân trọng khoảng thời gian làm việc của mình. Nó để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
* Dự án phim tiếp theo của anh là gì?
- Hiện tôi mới có ý tưởng về bộ phim thứ hai nên chưa tiết lộ được nhiều. Nhưng chắc chắn đó sẽ tiếp tục là một bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc sống của tôi tại Việt Nam. Vì như tôi đã nói, Việt Nam luôn có ý nghĩa quan trọng trong các sáng tác của tôi.
Phạm Thiên Ân sinh năm 1989. Anh là nhà làm phim trẻ tài năng và có duyên với các giải thưởng. Anh từng giành giải nhì cuộc thi Làm phim ngắn 48 giờ vào năm 2014.
Năm 2018, phim ngắn Câm lặng (The Mute) của anh ra mắt tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế.
Năm 2019, Phạm Thiên Ân lần đầu đến Liên hoan phim Cannes với phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Stay Awake, Be Ready) và thắng giải Illy thuộc chương trình Tuần lễ đạo diễn.
Cách đây vài năm, vợ chồng anh sang sống tại Houston (Mỹ) nhưng vẫn đi lại giữa Việt Nam và Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận