11/04/2017 14:39 GMT+7

Đánh Syria, ông Trump lấy được 7 điểm lợi

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Thực sự đến giờ các chuyên gia lẫn không ít chính trị gia luôn dằn vặt với câu hỏi: ông Trump muốn gì khi bất ngờ phát lệnh bắn một lúc 59 tên lửa Tomahawk vào Syria.

Một cư dân Syria ở Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, chỉ lại nơi từng được cho là trúng vũ khí hóa học của chính quyền vào năm 2013 - Ảnh: Reuters
Một cư dân Syria ở Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, chỉ lại nơi từng được cho là trúng vũ khí hóa học của chính quyền vào năm 2013 - Ảnh: Reuters

Báo The Huffington Post cho rằng với quyết định táo bạo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump - một người “không ai đoán trước được” - đã bắn ra một mũi tên trúng nhiều đích, tính trên bình diện đối ngoại lẫn đối nội.

1. Ông Trump chứng tỏ vị thế của mình

Ông Trump muốn khẳng định với người dân Mỹ và cả thế giới rằng ông đã hoàn toàn thoát ra khỏi cái bóng di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, thậm chí đã hạ được “thương hiệu” Obama trên trường quốc tế.

Còn nhớ vào năm 2012, Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là một “lằn ranh đỏ” không được vượt qua.

Chính tuyên bố đó đã “phản” lại ông sau đợt thảm sát bằng vũ khí hóa học tại Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus năm 2013: Obama chần chừ, không can thiệp quân sự rồi sau đó thỏa hiệp với Nga về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

“Lằn ranh đỏ” của ông Obama bị chế giễu nặng nề. Còn lần này thì ông Trump hành động thật và đây là một “cú đấm truyền thông” hiệu quả.

2. Dằn mặt Trung Quốc, Triều Tiên và Iran

Có ngẫu nhiên không khi Tomahawk được khai hỏa ngay trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình? Hay đó là một thao tác đã được hẹn giờ chuẩn xác?

Đây hẳn là một thông điệp mạnh mẽ mà ông Trump muốn gửi đến châu Á, và đến ông Tập, khi trả lời trên báo Financial Times: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ làm”.

Về phía Iran - một đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn rất căng thẳng với chính quyền Trump, Tổng thống Mỹ đã từng phát biểu hồi tháng 2: “Iran đang đùa với lửa. Họ không biết hưởng lợi khi được ông Obama đối xử quá bao dung và tử tế. Còn tôi thì không thế đâu!”.

Thông điệp lần này của ông Trump quá rõ ràng: không chỉ là hù dọa mà là hành động.

3. Giữ khoảng cách với nước Nga

Bước vào Nhà Trắng, ông Trump ngay lập tức tuyên bố thúc đẩy mối quan hệ hữu hảo với Nga và bị bà Hillary Clinton cáo buộc là “con rối” của Tổng thống Vladimir Putin. Với hành động quân sự này, Tổng thống Mỹ muốn xóa tan hình ảnh đó.

Nhưng có thể cũng có hệ lụy khi hành động quân sự của ông Trump đã “giáng một cú mạnh vào mối quan hệ Nga - Mỹ hiện đang trong tồi tệ”, đó là khẳng định từ người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, sau đợt tấn công.

4. Các nước đồng minh ư? Không cần!

Ông Trump luôn chỉ trích khối NATO là “lỗi thời” và chẳng biết làm gì ttrước nguy cơ khủng bố toàn cầu. Thế nên, lần này ông tự cho phép nước Mỹ đơn phương hành động để “làm gương” cho cộng đồng quốc tế.

Từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida, ông Trump tuyên bố: “Tối nay, tôi nhắc lại điều đó với tất cả các quốc gia văn minh, rằng họ cần phải hợp tác với chúng tôi để diệt tận gốc nạn khủng bố và tắm máu tại Syria và bất kỳ hình thức khủng bố nào đang tồn tại”.

Về phần mình, NATO chẳng mừng cũng chẳng than. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối này ủng hộ “tất cả những nỗ lực quốc tế nhằm mang lại hòa bình và một giải pháp chính trị tại Syria”.

Cuộc sống nhanh chóng trở lại nhịp bình thường ở tỉnh Homs sau khi tên lửa Mỹ dội xuống căn cứ không quân Shayrat thuộc tỉnh này - Ảnh: Reuters
Cuộc sống nhanh chóng trở lại nhịp bình thường ở tỉnh Homs sau khi tên lửa Mỹ dội xuống căn cứ không quân Shayrat thuộc tỉnh này - Ảnh: Reuters

5. Làm mát lòng ngành sản xuất vũ khí của Mỹ: các bạn cứ yên tâm!

Mỹ đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 33% thị phần toàn cầu, trên cả Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm dưới thời Tổng thống Obama, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã xịu mặt.

Nay tổng thống Donald Trump đặt an ninh nước Mỹ lên hàng đầu và hứa xem xét lại ngân sách quốc phòng, nâng lên 603 tỉ USD vào năm 2018. Các công ty vũ khí Mỹ mừng rơn.

59 quả tên lửa Tomahawk tấn công Syria, mỗi quả trị giá khoảng 832.000 USD, đã ít nhiều gửi đi một thông điệp lạc quan đến ngành sản xuất vũ khí Mỹ.

6. Làm lành với đảng Cộng hoà

Quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa gặp nhiều rối rắm. Song đến lúc này, nhiều nghị sĩ chủ chốt trong đảng Cộng hòa nhìn ra một thời điểm để hòa giải.

Cựu ứng viên tổng thống năm 2008 - Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ Lyndsey Graham hoan nghênh cách hành xử nhanh chóng của Nhà Trắng: “Khác với chính quyền (Mỹ) tiền nhiệm, lần này trước một thời điểm quyết định, Tổng thống Trump đã hành động, và xứng đáng được người dân Mỹ ủng hộ”.

7. Chuyển hướng dư luận

Chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng, ông Trump ngay lập tức vấp phải nhiều trở ngại trong chính sách đối nội, nào là cuộc tuần hành đòi quyền phụ nữ, nào là sắc lệnh về hạn chế nhập cư cho đến thất bại trong việc bãi bỏ đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare, thì nay để mọi người phần nào quên đi những khoảnh khắc não nề đó, có gì tốt hơn bằng việc chuyển luồng dư luận xã hội hướng sang một chủ đề khác mang tính đối ngoại?

Và cuối cùng, hành động tấn công Syria của tổng thống Donald Trump đang dấy lên hàng loạt câu hỏi về địa - chính trị.

Phép thử cho ông Trump đã bắt đầu: sắp tới đây sẽ là chuyến thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Rex Tillerson vào ngày 12-4.

Bước ngoặc mới trong quan hệ Nga- Mỹ sẽ ra sao? Mọi người đang trông chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra…

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên