Thứ 5, ngày 11 tháng 8 năm 2022
Đánh giặc corona và khi các YouTuber, Vlogger hát, bàn về COVID-19
TTO - Ca khúc 'Đánh giặc corona' lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, các vlogger trẻ sản xuất clip hướng dẫn người dân giữ vệ sinh, ăn uống tăng sức đề kháng phòng dịch COVID-19.
Ca khúc Đánh giặc Corona - Hải Lê và Thế Anh - Video: Kênh YouTube tiến sĩ Lê Thống Nhất
Giữa nỗi lo dịch bệnh COVID-19, những video tích cực vẫn được lan truyền trên mạng xã hội mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp người Việt vui cười, bình tĩnh hơn trước dịch bệnh mà còn được tiếp cận các kiến thức về COVID-19 một cách dễ hiểu, giúp phòng dịch hiệu quả hơn.
Những video "viral" này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam bước đầu kiểm soát dịch COVID-19.
Ca khúc Đánh giặc corona! Xung kích là ngành ta
'Đánh giặc corona': nhạc cổ động, truyền lạc quan
Không thể phủ nhận dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và không thể lơ là phòng chống. Nhưng đồng thời, ở Việt Nam, người dân vẫn đang đón nhận các thông tin, kiến thức về dịch bệnh một cách khá bình tĩnh và tích cực.
Từ 10-2, bài hát Đánh giặc corona do tiến sĩ Lê Thống Nhất sáng tác trở nên "viral" qua giọng hát của hai bạn trẻ Hải Lê và Thế Anh.
Đánh giặc corona có ca từ dễ hiểu như "Không đến nơi đông người để dịch bệnh dễ lan ra. Nghi nhiễm cần kịp thời mau đi khám, cách ly xa" hay "Nhớ khẩu trang ta mang vì lợi ích ta an toàn. Nên nhớ khi đi về là cần rửa kỹ đôi tay. Ai cũng vì cộng đồng, không lây nhiễm corona".
Đến nay, video này có trên 250.000 lượt xem và có nhiều bản cover. Nhiều phụ huynh cũng cho biết con cái họ khá yêu thích ca khúc và học thuộc, hát cùng nhau.
Hôm 25-2, tiến sĩ Lê Thống Nhất tiếp tục tung MV Đánh giặc corona do chính ông hát cùng các cán bộ, nhân viên tại phòng khám đa khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.

Nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng lan tỏa Đánh giặc corona vì nhận ra đây là cách tuyên truyền hiệu quả phòng chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: S CHANNEL
Để COVID-19 bớt đáng sợ hơn
Bên cạnh ca khúc Đánh giặc corona, còn nhiều nội dung tích cực được các vlogger tung ra trong thời đại dịch.
Từ 1-2, Oops Banana, YouTuber người Việt có 4,39 triệu người đăng ký, đã tung ra video Đừng xem thường virus corona (nay đạt 1,4 triệu lượt xem) để giải đáp những thắc mắc của người xem về dịch bệnh.
Trong video dài 10 phút, Oops Banana (Phạm Văn Dũ) tổng hợp những thông tin cần biết về dịch bệnh do virus corona từ các tờ báo chính thống của Việt Nam, trong đó có báo Tuổi Trẻ. Anh cũng trích dẫn 7 khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Vlogger Oops Banana tổng hợp thông tin về COVID-19 và truyền tải đến người xem một cách dễ hiểu - Ảnh: OOPS BANANA
Oops Banana cũng thực hiện video Mình ghét virus corona vì... như một phóng sự về cuộc sống người dân trong thời dịch.
Anh phỏng vấn và tổng hợp một số thông tin như người dân phải ở nhà trông con, thu nhập giảm, các mặt hàng nông sản phải kêu gọi giải cứu hay vấn đề kỳ thị người Trung Quốc.
Dù nội dung không mới mẻ so với báo chí hay mạng xã hội nhưng những vlog như thế này giúp tổng hợp thông tin một cách dễ hiểu cho công chúng.

Vlogger Woossi gợi ý 17 thực phẩm nên ăn để tăng sức đề kháng - Ảnh: WOOSSI
Đều coi trọng vấn đề dinh dưỡng trong mùa dịch, kênh YouTube của Woossi (1,53 triệu lượt theo dõi) và kênh Facebook Helen's Recipes (gần 240.000 người theo dõi) đều đăng video về chủ đề này.
Woossi đưa ra 17 món ăn quan trọng để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa dịch cúm. Đó là nhóm trái cây (chuối, khoai lang, táo, hồng, ổi, cam, chanh), nhóm rau (cải bó xôi, củ cải, cà rốt), gia vị (gừng, tỏi), đậu phộng, yến mạch, lúa mạch...

Vlogger Nam Challenge Me (Lê Hoàng Nam) tự giác đi khám sau khi thấy bản thân có triệu chứng sốt - Ảnh: NAM CHALLENGE ME
Với trải nghiệm thực tế nhiều hơn, kênh YouTube Nam Challenge Me (2,11 triệu lượt đăng ký) thực hiện video về việc anh Lê Hoàng Nam (tác giả kênh) đi du lịch ở Đài Loan rồi về Việt Nam kiểm tra y tế.
Hoàng Nam cho biết anh cảm thấy bị sốt và đau họng, nhưng may mắn được bác sĩ kết luận là tình trạng "không quá nghiêm trọng" và không bị cúm.
Sau 5 tiếng đồng hồ đi khám, mất khoảng 1 triệu đồng (trong đó 300.000 do bảo hiểm chi trả), anh Hoàng Nam đã làm rõ vấn đề sức khỏe.
Qua câu chuyện của mình, anh khuyến khích cộng đồng có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác trong thời dịch. Đoạn video này có đến 4,3 triệu lượt xem.
Với tầm ảnh hưởng của mình đến giới trẻ, các vlogger Việt đang góp phần mang kiến thức và quy tắc ứng xử trong thời dịch COVID-19 đến với nhiều công chúng hơn.
-
TTO - Hoàn lưu của bão số 2 (bão Mulan) đã tác động đến hầu khắp khu vực ở vịnh Bắc Bộ, gây mưa rào và dông mạnh. Ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 6 và giật cấp 8.
-
TTO - Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua cả nước ghi nhận thêm 2.010 ca mắc mới, giảm 330 ca so với hôm qua. Ca nặng cũng giảm từ 103 ca xuống còn 78 ca, tuy nhiên Tây Ninh ghi nhận 1 ca tử vong.
-
TTO - Sau khi U16 Thái Lan thất bại 0-2 trước U16 Việt Nam ở bán kết Giải U16 Đông Nam Á 2022, các cổ động viên Thái Lan đã nổi giận tuyên bố: 'Thời kỳ đen tối của bóng đá Thái Lan đã trở lại'.
-
TTO - Việc FBI khám xét dinh thự của ông Trump ở bang Florida hôm 8-8 đang gây sự tranh cãi và bàn luận mang tính đả kích, chỉ trích lẫn nhau giữa các bên ủng hộ Dân chủ và Cộng hòa trước thềm kỳ bầu cử quốc hội giữa kỳ tháng 11 tới.
-
TTO - Ngày 10-8, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc) và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng có tiêu đề "Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc thời đại mới".
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận