Người dân đặt bao cát lên mái nhà để tránh gió thổi bay tôn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Từ chiều 29 đến sáng 30-10, nhiều hộ dân ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang tất bật lấy bao cát đè các mái tôn và chằng chống nhà cửa.
Ông Lưu Bá Ngọc cho biết do kinh tế khó khăn nên cả nhà không thể chuyển đi nơi khác. "Khi nào bão vô, nước trên núi đổ xuống thì tôi mới chuyển đi. Đồ đạc trong nhà nếu có mất cũng chịu thôi. Giờ ra ở trọ cũng tốn nhiều tiền mà nhà tôi lại đông", ông Ngọc nói.
Hai năm chuyển nhà tới xóm Núi là cả hai năm gia đình ông Ngọc mất nhà vì thiên tai. Lần đầu vào cuối năm 2017, ngôi nhà của gia đình ông bị gió cuốn toàn bộ mái tôn. Tháng 11-2018, căn nhà bị đánh sập do đất đá đổ xuống.
Người dân gia cố lại nhà trước bão số 5 - Video: ĐÌNH CƯƠNG
Tương tự, ông Trần Ngọc Vinh (39 tuổi) dự tính sẽ ở lại. "Năm ngoái vợ chồng với mấy đứa con cũng may thoát chết. Cả nhà chỉ chạy trước lúc sạt núi khoảng 15 phút. Năm nay biết là nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác. Giờ chỉ có cách gia cố nhà ở thôi", ông Vinh nói.
Cùng chịu thiệt hại trong đợt mưa lũ tháng 11-2018, khu vực xóm Mũi (thôn Thành Đạt) hiện vẫn còn rất đông hộ dân sinh sống.
Như năm trước, nhà tại xóm Mũi và phường Vĩnh Trường chỉ được xây dựng tạm bằng tôn mỏng. Những căn nhà này nằm vắt vẻo ngay lưng chừng núi. Hệ thống cống thoát nước đơn sơ nên nếu xảy ra mưa lớn, nguy cơ sạt lở là rất cao.
Ông Phùng Đỉnh Lý (68 tuổi, ở tổ 2, đường Trường Sơn, phường Vĩnh Trường) cho biết chính quyền địa phương cũng đã tổ chức vận động trước đó nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình ông dự định vẫn ở lại. Nếu mưa to quá thì mới chuyển đi.
Sẽ đưa toàn bộ dân xuống núi
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Sỹ Khánh, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết thành phố vừa có cuộc họp bàn phương án xử lý đối với các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở.
"Phương án theo báo cáo là sẽ đưa các hộ dân về nơi an toàn như nhà thi đấu, nhà văn hòa, trường học, đồn biên phòng… Toàn bộ 88 điểm xung yếu đã được xác định đều phải được đưa đi hết. Thành phố đã có chỉ đạo các xã, phường sẽ vận động toàn bộ người dân di chuyển xuống núi", ông Khánh nói.
Khoan thêm đinh để gia cố tôn thêm chắc chắn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Gia cố tôn thêm chắc chắn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Dùng bao cát đặt lên mái để giữ tôn khỏi bị thổi bay - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Đá được người dân dùng để gia cố tôn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Một gia đình khẩn trương xúc đất, đá vào bao để chuẩn bị đưa lên mái tôn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Hiện trường vụ sạt lở tháng 11-2018 vẫn còn ngổn ngang đất, đá và xác nhà cũ - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Bà Trần Thị Thanh (xóm Mũi, xã Phước Đồng) đứng trên nền nhà đổ nát do cơn bão tháng 11-2018 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận