Lần thứ hai liên tiếp hứng lũ lớn, không lúc nào người dân vùng ngập Đà Nẵng mong mỏi giải pháp cấp bách của chính quyền đưa ra hơn lúc này.
Dân vùng ngập chờ một giải pháp
TS Lê Hùng - Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - cho biết những ngày qua nhiều cơ quan chuyên môn, đơn vị cấp thoát nước liên hệ với ông cùng các chuyên gia để tham khảo ý kiến.
"Tôi cảm nhận thấy chính quyền hiện đang rất sốt ruột, mong muốn có giải pháp sớm để dân không phải khốn khổ.
Thực sự ở Đà Nẵng sát biển mà hai năm ngập như vùng lũ là rất cần xem lại. Thiệt hại lớn, nhưng cái lớn hơn là tạo ra tâm lý bất an" - ông Hùng nói.
Trở lại vùng hứng chịu ngập lụt khiến cuộc sống bị đảo lộn, tài sản hư hại những ngày qua ở Đà Nẵng, đâu cũng thấy cảnh trĩu nặng âu lo.
Mất mát, mệt mỏi thì phải chấp nhận, nhưng hơn lúc nào người vùng ngập trông chờ một giải pháp từ các cấp chính quyền.
Ông Phan Văn Nam - ở kiệt bên đường Điện Biên Phủ - bày tỏ sự mệt mỏi với việc phải chạy ngập liên miên. Khu vực này nhiều năm qua là một trong những điểm ngập nặng. Hễ mưa lớn là các hộ dân lội bì bõm. Trong khi đó, người dân ở dọc kênh Đa Cô, quận Liên Chiểu nhiều ngày dầm trong nước lụt cũng tỏ sự lo âu.
Ông Lê Năm - tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Hòa Khánh Nam - nói rằng bằng mắt thường vẫn thấy nguyên nhân ngập toàn tuyến dân cư chạy từ khu vực Đà Sơn kéo dài khoảng 4 kilômet xuống Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Đó là việc dựng các cầu ngang với khẩu độ quá nhỏ, nước lũ tràn về bị thành cầu chắn lại khiến phía trên ngập nặng.
Ông Năm đề nghị chính quyền phải xử lý cấp bách để dân không phải bơi lội thêm mùa nào nữa.
Vẽ lại "bản đồ" ngập
Trong đợt mưa vừa qua, tại Đà Nẵng xuất hiện nhiều điểm ngập sâu hơn 1m, tập trung chủ yếu ở khu vực Thanh Khê, quận Liên Chiểu, Hải Châu.
Trong đó các điểm nóng ngập sâu suốt nhiều năm qua như tại kiệt 634, 640, 654 đường Trưng Nữ Vương (Hải Châu), khu vực Khe Cạn, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê).
Mấy năm qua những nơi này đã được đầu tư hệ thống thoát nước. Tuy nhiên do nằm trũng thấp hơn so với đường thoát nước chính nên tại các điểm này được lắp thêm máy bơm chống ngập và khuyến khích người dân nâng cao cốt nền.
Dù thế, nhiều thời điểm lượng mưa cực lớn nên máy bơm không phát huy được công dụng.
Ở nhiều nơi như Liên Chiểu, tình trạng nhà cửa chằng chịt, nhiều khu dân cư xây trái phép lấn kênh rạch cũng khiến bài toán chống ngập đã khó càng khó hơn.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng, đợt mưa vừa qua cho thấy các điểm ngập chủ yếu là ở các khu vực dân cư cũ vốn được làm từ lâu với nguồn lực hạn chế.
Theo ông Thắng, trong những năm gần đây hệ thống thoát nước nhiều khu dân cư đấu nối với nhau trong khi đường thoát nước ra sông ra biển cũng vẫn vậy.
"Các điểm ngập chủ yếu là ở các khu đô thị cũ, còn những vùng đô thị mới được quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ có tính toán thì hai năm qua mưa lớn đâu có ngập.
Cái này khó tránh được vì chúng ta đầu tư hạ tầng thoát nước trong điều kiện có hạn, đồng thời quá trình đô thị hóa quá nhanh", ông Thắng phân tích.
"Qua đợt mưa lớn này thành phố cần đánh giá hết lại các điểm ngập trên địa bàn. Tính toán lại đường thoát nước ra sông, ra biển của từng lưu vực. Trong đó ưu tiên tập trung mở hết công suất của các đường thoát nước chính ra sông, biển.
"Tại các điểm ngập nặng thì ưu tiên dành nguồn lực đầu tư. Đầu tư cuốn chiếu điểm nào ra điểm đó cho ra ngô, ra khoai và phải tính toán biên độ thoát nước lớn hơn mức hiện nay để cho tương lai", ông Thắng đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận