Vài ngày qua, Đà Nẵng một lần nữa chìm trong mốc lũ tiệm cận năm trước. Chuyện gì đang xảy ra ở thành phố này?
Đầu chiều 15-10, mưa đã ngớt được tầm 6 giờ đồng hồ tại Đà Nẵng. Người dân đã xắn quần đem hành lý trở về nhà. Sự mệt mỏi, chán nản, bất lực hiện lên trên mặt nhiều người.
Sau 3 ngày dầm mình trong lũ, câu hỏi và những lời bàn tán nhiều nhất trên các nhóm Zalo người Đà Nẵng là vì sao việc tiệm cận mốc lũ lịch sử lặp lại quá chóng vánh chỉ sau một năm?
Mưa bình thường nhưng lũ bất thường
Một chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu nói với Tuổi Trẻ Online trưa 15-10 rằng lượng mưa tại Đà Nẵng vài ngày qua dù lớn nhưng không bất thường.
"Mưa như vài ngày qua mà nhiều bà con ở Đà Nẵng đã bơi trong biển nước, ngập diện rộng và có một số nơi tiệm cận với mốc của năm 2022 thì rất đáng quan tâm.
Cần kiểm tra, đối soát số liệu, sức chịu tải thoát nước từ các cơ quan gồm ngành xây dựng, cảnh quan, công trình công cộng...
Khi đường ống thoát yếu, công trình mọc lên lấn không gian thoát lũ, nhà cửa chằng chịt, quy hoạch phân lô không khớp với quy hoạch thoát lũ thì nước dồn ứ và ngập úng càng tồi tệ thêm mỗi năm là điều tất yếu" - chuyên gia khí tượng nói.
Đà Nẵng cần đánh giá toàn diện, đầy đủ để đầu tư xứng đáng cho việc chống ngập đô thị.
"Nếu nay bỏ ra khoản tiền rất lớn để làm thoát nước cho 10 năm thì nghe sẽ rất đắt đỏ. Nhưng nếu nghĩ rằng qua một mùa lũ bà con hư xe cộ, đồ đạc, rủi ro về xã hội, đời sống lâu dài… thì sẽ thấy chống ngập tính cho 10 năm là có thể xem xét cân nhắc được.
Đừng để bà con mỗi năm lại phải bì bõm và khốn khổ vì lũ mà không giải quyết được" - chuyên gia này nói.
Cần xử lý ngay các điểm thoát nước "thắt cổ chai"
TS Lê Hùng - Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lũ ở Đà Nẵng.
Thứ nhất là cửa xả thoát nước các trục chính bị "thắt cổ chai". Ví dụ tại các cửa xả ở trạm bơm Ông Ích Khiêm có số lượng bơm theo thiết kế là 7 bơm 25m3/s. Tuy nhiên hiện tại mới có 3 bơm 10m3/s, chưa kể các hố thu nước ra các trạm bơm chưa đảm bảo.
Đây là nguyên nhân làm ngập các tuyến chính như Hải Phòng, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Ông Ích Khiêm...
Nguyên nhân thứ hai và cơ bản nhất đó là trục tiêu thoát nước ở Đà Nẵng dẫn đi quá xa và nhiều nơi chưa hợp lý.
Ví dụ trục thoát nước khu vực lân cận tượng đài 2 Tháng 9, đường Núi Thành, đường 30 Tháng 4, Phan Đăng Lưu... lại không bố trí cửa xả ra sông Hàn (đoạn từ công viên Châu Á đến cầu Trần Thị Lý), mà lại dẫn ra đến cầu Trần Thị Lý để bơm chống ngập Đảo Xanh.
Lưu vực thoát nước trục Hà Huy Tập tập trung lượng nước lớn, trong đó có một phần lưu vực sân bay nhưng đường dẫn thoát nước lại dẫn đi một đoạn lòng vòng rồi ra sông Phú Lộc.
"Hoàn toàn có thể xem xét mở thêm cửa xả từ Hà Huy Tập - Hà Khê ra ngoài biển để tăng hiệu quả.
Một điểm ngập nặng nữa cũng có đường tiêu thoát không hợp lý đó là dọc kênh Đa Cô, quận Liên Chiểu. Nơi này đường dẫn nước đổ về hồ điều tiết rồi đi lòng vòng qua nhiều kênh khác thay vì đổ tuột thẳng ra biển.
Bình thường thì không sao, nhưng lúc mưa lượng nước về cục bộ tại đây bị ứ đọng, tắc nghẽn dòng chảy và thoát chậm là chuyện đương nhiên và chắc chắn ngập càng nặng hơn nếu không có giải pháp đúng" - TS Lê Hùng nói.
Thất thần, mệt mỏi và không thể lý giải
Nhiều người dân vùng ngập sâu ở Đà Nẵng bày tỏ sự mệt mỏi khi hứng chịu lũ ngày càng dày.
Ông Lê Năm - tổ trưởng tổ dân phố 29 Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu - nói rằng hàng chục năm nay không có ngập nặng như hai năm qua.
"Năm ngoái ngập lịch sử, chúng tôi nghe rằng đó là lũ 500 năm mới có một lần, nhưng năm nay mới 365 ngày mà đã gần lặp lại. Không biết rồi đây phải sống ra sao", ông Năm nói.
Còn ông Bùi Ngọc Tân, phường Hòa Khánh Nam, cũng nói rằng bà con rất chán nản, bất lực và âu lo vì mưa lũ dồn dập, có xu hướng ngập nặng và theo hằng năm.
"Phải tính toán quy hoạch, thoát nước như thế nào chứ năm nào cũng mưa ngập sâu như thế này thì dân khổ đã đành, mà hình ảnh Đà Nẵng cũng không được như người ta thường khen ngợi" - ông Tân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận