05/04/2015 09:46 GMT+7

​Dân ta uống bia nhiều hơn ăn cơm?

TRẦN HỮU HIỆP
TRẦN HỮU HIỆP

TT - VN đứng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng 3 tỉ USD/năm (khoảng 63.000 tỉ đồng) chi cho bia và khoảng 16.000 tỉ đồng/năm cho rượu.

Đó là thông tin do bà Vũ Thị Minh Hạnh, phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, cho biết tại hội thảo cập nhật thông tin về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ở VN diễn ra ngày 2-4.

Đó không phải là thông tin bất ngờ. Đầu năm 2012, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, cho biết VN chỉ sau Mỹ và Pháp trong danh sách 170 thị trường tiêu thụ nhãn hiệu bia nổi tiếng này trên toàn thế giới năm 2010.

Công ty Nhật Kirin Holdings cũng từng cho rằng VN nằm trong tốp đầu các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Euromonitor International cũng xếp hạng VN đứng đầu các nước Đông Nam Á về tiêu thụ bia với gần 2,6 tỉ lít bia, chưa kể rượu trong năm 2011.

Mặc dù đại diện các cơ quan chức năng đã bác bỏ thông tin VN đạt “quán quân thế giới” về uống bia, còn xếp hàng “chiếu dưới” các nước Đức, Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech..., nhưng lượng rượu bia tiêu thụ thực tế “năm sau cao hơn năm trước” thì đã rõ.

Nếu không quán quân thế giới thì dân Việt cũng đã “được” xếp vào hàng ăn nhậu có số má! “Thành tích bia rượu” của người Việt chắc sẽ còn cao hơn nếu “tính đúng, tính đủ” một lượng lớn các loại rượu tự chế biến, không đăng ký và thống kê được.

Trong khi đó, theo Statistisches Bundesamt (Cơ quan thống kê Đức) thì người Đức vốn đứng đầu thế giới về uống bia đang ngày càng dùng bia ít hơn, xuất khẩu bia nhiều hơn.

Các hãng bia của nước này chỉ tiêu thụ được khoảng 98,2 tỉ lít trong năm 2011, giảm 0,1% so với năm 2010; trong đó thị trường nội địa giảm 0,8%, xuất khẩu tăng 4%.

Tệ hại của “nhậu nhẹt” đã rõ. Tai nạn giao thông do tài xế, người điều khiển phương tiện lạm dụng bia rượu xảy ra ngày càng nhiều. Theo thống kê, có 60% vụ bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu bia chiếm gần 22% các loại ngộ độc, 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu bia.

Tình trạng cán bộ công chức đi nhậu trong giờ làm việc hoặc buổi trưa, ảnh hưởng đến công việc đã đến mức báo động, nhiều nơi cấm, pháp luật cũng quy định tăng mức xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn quá quy định. Nhưng quán nhậu cứ mọc lên, ăn nhậu cứ đều đều.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới, tiêu dùng gạo trên đầu người Việt đang giảm. Chi tiêu cho gạo trong chi tiêu trung bình của hộ gia đình đã giảm gần một nửa, từ 14,8% năm 2000 xuống 7,7% năm 2010. Đời sống dân Việt vốn gắn liền với lúa gạo, tạo ra nền “văn minh lúa nước”.

Lúa gạo theo suốt cuộc đời mỗi người, có mặt hằng ngày qua mỗi bữa cơm, cả người giàu lẫn người nghèo. Phụ nữ sinh con thường dùng “cơm rượu” cho ấm tì. Lễ thôi nôi luôn có nắm xôi (cơm nếp). Mời tiệc nhau, người ta gọi “dùng cơm thân mật”.

Ở nhiều nơi còn có phong tục chào nhau bằng câu cửa miệng “ăn cơm chưa?”... Người Việt trân trọng lúa gạo, gọi đó là những hạt ngọc. So với cơm, bia rượu chỉ là thứ “nhâm nhi”.

Rõ ràng ngày nay, người Việt đang giảm ăn cơm - tăng uống bia rượu. Chắc chắn đó không phải là chuyện hay ho của một nước vừa thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập thấp, đang cần nỗ lực rất nhiều để gia nhập nhóm có thu nhập trung bình.

 

TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên