27/11/2016 20:41 GMT+7

Singapore mở chiến dịch buộc xếp hàng nổi tiếng năm 1970

THẢO NGUYÊN
THẢO NGUYÊN

TTO - Chính phủ Singapore đã thành công trong việc dùng kỷ luật tạo thành những thói quen văn minh cho người dân, trong đó có việc xếp hàng, đã được một số nước học theo.

Hơn 1.000 sinh viên xếp hàng trong chiến dịch xếp hàng ở trạm chờ xe buýt kéo dài hai tuần trong năm 1969 tại Singapore - Ảnh: NAS
Hơn 1.000 sinh viên xếp hàng trong chiến dịch xếp hàng ở trạm chờ xe buýt kéo dài hai tuần trong năm 1969 tại Singapore - Ảnh: NAS

Bài 1: Người Nhật luôn xếp hàng kể cả trong thảm họa, còn ta?

Bài 2: Thiên hạ giải mã bí ẩn người Nhật thích xếp hàng 

Bài 3: Người Anh xếp hàng tỉnh rụi, người Đức vô hàng và... càm ràm

Nếu xếp hàng là chuyện đương nhiên trong xã hội phương Tây, xếp hàng như một truyền thống tại Nhật thì ở Singapore, thói quen xếp hàng đến từ nỗ lực của chính phủ.

Sau khi giành độc lập, chính phủ non trẻ của Singapore thực hiện rất nhiều chiến dịch để cải tổ đất nước. Trong số này có chiến dịch nổi tiếng năm 1970 buộc người dân phải xếp hàng, mang tên “Xếp hàng để nhanh hơn và vì an toàn”.

Trước đó, trong năm 1969, chính phủ thực hiện chiến dịch kéo dài hai tuần lễ thực hiện việc xếp hàng tại các trạm xe buýt với tổng cộng hơn 1.000 sinh viên đứng xếp hàng.

Cùng với rất nhiều chiến dịch khác, như làm sạch thành phố, an toàn giao thông…, Chính phủ Singapore đã thiết lập được ở người dân những thói quen như ngày nay. Hiện với người Singapore, xếp hàng không chỉ là chuyện đương nhiên mà còn là một nhu cầu.

Carys Chan, nghiên cứu sinh ngành nghiên cứu quản lý giáo dục tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng thích xếp hàng là một văn hóa mà chỉ người Singapore mới hiểu được. Cô Chan cho biết không ngần ngại xếp hàng, bao lâu cũng được, để có được một bữa ăn ngon và trích dẫn câu nói thường ngày “điều tốt dành cho những người biết chờ đợi”.

Không chỉ vậy, Carys Chan còn cho biết xếp hàng giúp thắt chặt mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Cô nói cứ mỗi cuối tuần lại cùng gia đình, bạn bè đến xếp hàng để mua đồ ăn tại chợ Tiong Bahru, một trong những chợ thực phẩm nổi tiếng tại Singapore. Chính trong khoảng thời gian xếp hàng, Carys Chan có thể tán gẫu với gia đình, bạn bè về chuyện thường ngày.

Đúng như cô Carys Chan nói, việc "nghiện" xếp hàng là một nét văn hóa chỉ người Singapore mới có thể hiểu. Laura Scheffner, một người Đức đến Singapore làm việc, đã viết trên blog rằng không hiểu tại sao người Singapore lại mê xếp hàng đến như vậy.

Cô Scheffner nói rằng chưa thấy ở bất kỳ nơi đâu khác trên thế giới khi mà dòng người xếp hàng rất dài bên ngoài một cửa hàng hàng hiệu để mua chiếc túi trị giá 5.000 USD, trong khi ở cùng dãy phố, còn rất nhiều cửa hàng khác cùng thương hiệu.

Việc Chính phủ Singapore thành công trong việc dùng kỷ luật tạo thành những thói quen văn minh cho người dân, trong đó có việc xếp hàng, đã được một số nước học theo.

Ấn Độ đang bàn thảo việc thực hiện một số chính sách tương tự Singapore. Riêng Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các chiến dịch kêu gọi xếp hàng, tuy nhiên kết quả có vẻ chưa khả quan.

Ngày 11 hằng tháng tại Trung Quốc là ngày xếp hàng với khẩu hiệu “Xếp hàng là văn minh, lịch sự là vinh quang”. Sở dĩ người Trung Quốc chọn số 11 là vì biểu tượng con số 1 đứng sau con số 1 khác cho thấy sự nhẫn nại của việc xếp hàng. Đồng thời, ngày 22 hằng tháng là ngày nhường ghế tại các nơi công cộng với ý nghĩa số 2 nhìn giống người ngồi.

Tuy nhiên, chiến dịch của Trung Quốc chưa có hiệu quả bởi qua bài viết của phóng viên James Reynolds từ Hãng tin BBC, việc xếp hàng tại đây chỉ mới mang tính bề nổi.

James Reynolds kể rằng khi đến một trạm tàu điện, anh thấy nhiều người đứng xếp hàng khá nghiêm túc và thử thái độ của họ bằng cách chen ngang. Reynolds tỏ ra ngạc nhiên khi không ai đang xếp hàng phản ứng và Reynolds chỉ bị nhắc nhở phải xếp hàng đúng thứ tự bởi nhân viên an ninh.

Một lần khác, Reynolds thử bằng cách đứng vào cuối hàng và xin vượt lên trước, lần lượt từng người một với lý do rất đơn giản là “tôi thích chen lên trước”. Lần này, không ai cho Reynolds vượt lên và vẫn giữ chỗ của họ.

Điều làm Reynolds thất vọng nhất chính là lúc tàu xuất hiện. Khi cửa lên tàu mở ra, những hàng ngũ trật tự trước đó rã tan và mọi người chen lấn nhau để lên tàu.

_________

Tin liên quan:

Kỳ 1: Thiên hạ giải mã bí ẩn người Nhật thích xếp hàng

Kỳ 2: Người Anh xếp hàng tỉnh rụi, người Đức vô hàng… càm ràm

 

THẢO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên