27/11/2016 09:42 GMT+7

Người Nhật xếp hàng do kỷ luật, giáo dục hay dân tộc tính?

VŨ VIẾT TUÂN ghi
VŨ VIẾT TUÂN ghi

TTO - Hình ảnh đoàn người Nhật xếp hàng đi ôtô trật tự sáng sớm 22-11 ở Fukushima khi có động đất báo động sóng thần đã tạo ra nhiều cảm kích. Tại sao người Nhật có văn hóa xếp hàng và tinh thần kỷ luật mọi nơi mọi lúc như vậy? Và bài học nào cho chúng ta?

Người dân Iwaki (Fukushima, Nhật) trật tự sơ tán đến nơi cao hơn để tránh sóng thần vào sáng sớm 22-11  - Ảnh: AP
Người dân Iwaki (Fukushima, Nhật) trật tự sơ tán đến nơi cao hơn để tránh sóng thần vào sáng sớm 22-11 - Ảnh: AP

Kỷ luật là dân tộc tính của người Nhật. Đợi lên xe, người ta xếp hàng. Đứng chờ nhận thức ăn hay đồ cứu trợ sau thiên tai, họ kiên nhẫn, không chen lấn, giành giật. Điều đó tự nhiên như ta hít và thở. Hít thở mà căng thẳng là đã mắc bệnh

Ông ĐINH VĂN PHƯỚC (nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Tsubaki Yamakyu Chain của Nhật)

Tuổi Trẻ mời một số chuyên gia, nhà văn hóa lý giải câu chuyện này. Và mong nhận được thêm nhiều ý kiến của các bạn.

*** Error ***
Ông Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Kỷ luật xã hội rất quan trọng

Tập quán của mỗi con người, rộng hơn là của cả cộng đồng, dân tộc, đều được xây dựng qua một quá trình. Người Nhật tuy rất cập nhật sự tân tiến nhưng vẫn giữ được những tính cách lâu bền.

Còn ở VN có lẽ là một xã hội còn phải phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố bên ngoài, yếu tố rủi ro rất nhiều khiến người ta không lựa chọn sự nền nếp và luôn luôn coi cơ hội là quan trọng.

Nếu ai đã trải qua thời kỳ thiếu thốn của bao cấp thì rất dễ hiểu điều đó. Nhưng hồi đó thì người ta còn xếp hàng - vì sức ép của cộng đồng. Và hồi đó thì không có thói ỷ mạnh để chiếm chỗ được.

Tôi nhớ thời bao cấp, xếp hàng mua bia, người ta lấy sợi dây thép rồi dùng đồng xèng xâu vào trong đó và khi xếp hàng phải cầm cái đồng xèng ấy đi dọc theo cái dây đó mới được mua hàng. Nên dần dần người ta thấy điều đó rất bình thường, tự nhiên và vui vẻ cầm đồng xèng ấy, không có cảm giác đó là sự phiền phức gì cả.

Hiện nay, nhiều người luôn cảm thấy không yên ổn, dẫn đến tâm lý không muốn tạo ra sự kỷ luật xã hội và luôn có tâm lý muốn tìm cho mình lợi thế. Điều đó thể hiện rõ nhất khi tham gia giao thông.

Cốt lõi của văn hóa giao thông là sự nhường nhịn. Nhưng ở VN lại có tâm lý nghĩ rằng nhường nhịn chỉ dẫn đến sự thiệt thòi. Tâm lý đó dẫn đến sự lộn xộn. Nhưng tâm lý đó không thể không khắc phục được.

Vậy nên kỷ luật xã hội rất quan trọng. Cần phải tổ chức xã hội ra sao để người ta thấy rằng xếp hàng sẽ nhanh hơn là lộn xộn thì tự nhiên việc xếp hàng sẽ thành nếp và sẽ diễn ra tự nhiên. Còn khi so sánh với Nhật cũng không nên đặt vấn đề họ văn minh hơn hay không, mà ở chỗ là tập quán, nếp sống và điều đó đòi hỏi rất quan trọng vai trò của nhà tổ chức xã hội và tính gương mẫu của mỗi người.

Ông Nguyễn An Chất
Ông Nguyễn An Chất

* Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất:

Bắt đầu từ nhà quản lý

Người Nhật cũng không phải dễ dàng mà hình thành nên tính kỷ luật ngay. Họ phải chân tình, giáo dục, cũng phải gần gũi và phải kiên quyết qua nhiều năm để hình thành thói quen tốt ấy.

Thói quen của họ lại được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hình thành một thói quen tự trọng rất cao của cả dân tộc. Muốn tạo thành thói quen tốt như người Nhật thì cần phải kết hợp hai yếu tố là giáo dục và sự quản lý.

Ý thức chấp hành luật lệ và nền nếp sống cũng như tinh thần trọng danh dự của người VN còn tốt lắm. Nhưng bên cạnh đó cần phải đặt câu hỏi về phía các nhà quản lý thì sao? Ý thức con người là do việc quản lý.

Quản lý chặt chẽ, đúng mong muốn của người dân thì con người sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Còn quản lý mà ngược với ý chí của dân thì tất nhiên họ sẽ chống đối và không bao giờ thực hiện được. Nên việc đầu tiên khi nói về câu chuyện kỷ luật, ý thức công cộng... phải bắt đầu từ nhà quản lý để hình thành nên những thói quen.

Ông Trần Hữu Sơn
Ông Trần Hữu Sơn

* TS Trần Hữu Sơn  (Hội Văn nghệ dân gian VN):

Phải dạy trẻ từ nhỏ

Theo tôi, để lý giải vì sao người Nhật có tính kỷ luật cộng đồng như vậy mà người VN chưa có được, cần phải chỉ ra những nguyên nhân sâu xa. Nhìn từ góc độ văn hóa, người VN quen sống ở xã hội tiểu nông, từ những làng quê ra thành phố, không có pháp chế chặt chẽ, nên quy tắc ứng xử ở nơi công cộng gần như không có.

Tâm lý tiểu nông cùng với tâm lý đám đông ở những nơi công cộng đông người chi phối rất mạnh đến hành động của mỗi người. Nên chỉ cần một vài người kích động thì sẽ dễ xảy ra hiện tượng nhốn nháo, giẫm đạp lên nhau hay cướp bia, cướp lộc...

Khả năng giáo dục về những quy tắc của con người, cái gì được làm, cái gì không được làm... để hình thành quy tắc ứng xử của con người ở nơi công cộng từ lâu nay đã không được coi trọng. Điều đó tạo ra những hành vi ứng xử không tốt ở nơi công cộng.

Muốn có được hành vi ứng xử văn minh như người Nhật thì trước tiên, mỗi gia đình cần giáo dục con cái từ nhỏ và trong cộng đồng xã hội cũng vậy. Cũng cần có quy định rõ ràng, nếu làm tốt thì được khen, nếu vi phạm thì xử phạt. Việc xử phạt phải nghiêm minh.

Đồng thời, trong mỗi gia đình phải dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất như ý thức nhặt rác, tôn trọng người già... Nếu không bắt đầu từ gia đình thì sẽ rất khó thay đổi. Trong nhà trường, cộng đồng cũng cần phải dạy người ta biết rằng những điều đó chính là giá trị của con người.

Ông Trịnh Hòa Bình - Ảnh: VD
Ông Trịnh Hòa Bình - Ảnh: VD

* TS Trịnh Hòa Bình (giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học):

Giải quyết từ mỗi gia đình

Người Nhật là một dân tộc có tính kỷ luật rất cao, không chỉ trong lúc hiểm nguy như xảy ra sóng thần, động đất mà trong nhiều hành vi trong đời sống cũng vậy. Tính kỷ luật đã trở thành văn hóa của người Nhật.

Nếu nhìn sâu vào lịch sử thì tính kỷ luật chưa phải là điểm mạnh của người VN, trừ khi xảy ra chiến tranh. Còn trong đời sống hằng ngày, tính kỷ luật hiệp đồng của người VN rất kém. Điều này bắt nguồn từ nền kinh tế tiểu nông lúa nước, đời sống sản xuất tùy thuộc vào thiên nhiên rất nhiều.

Chúng ta không có truyền thống về kỷ cương, ngăn nắp, trật tự mặc dù đang có quá nhiều khẩu hiệu đề cao điều này. Cách làm việc “ông có chân giò, bà thò chai rượu” của chúng ta đã triệt tiêu tính kỷ luật của mỗi người.

Xuyên suốt câu chuyện ý thức cộng đồng kém là thói vị kỷ được nuôi dưỡng, người ta vì bản thân người ta. Nếu biết trước có máy quay phim, có đông người xem thì chúng ta dễ thấy cách hành xử đẹp. Còn những hành xử đẹp lặng thầm, bây giờ hiếm lắm.

Câu chuyện này cần phải giải quyết từ mỗi gia đình, chứ không phải bằng những khẩu hiệu mệnh lệnh chung chung.

VŨ VIẾT TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên