01/09/2021 06:03 GMT+7

Đan Mạch không còn xem COVID-19 là 'căn bệnh xã hội nguy hiểm'

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Là một trong những nước châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới phòng COVID-19 vào tháng 3-2020, lại là nước có dân số ít (khoảng 5,8 triệu dân), nhưng cũng mãi tới gần đây Đan Mạch mới bắt đầu thận trọng tính toán lộ trình bình thường mới.

Đan Mạch không còn xem COVID-19 là căn bệnh xã hội nguy hiểm - Ảnh 1.

Người dân tham dự Ngày hội họp nhân dân của tỉnh Odsherred vào ngày 28-8 - Ảnh: Q.V.

Sau một năm gián đoạn vì dịch, rốt cuộc Folkemødet (Ngày hội họp nhân dân) của tỉnh Odsherred nơi tôi ở cũng được tổ chức vào thứ Bảy 28-8. 

Được tổ chức lần đầu vào tháng 6-2011, Folkemødet nhanh chóng trở thành một sinh hoạt chính trị hằng năm tại Đan Mạch, nơi mọi người có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, tham gia thảo luận, thậm chí tranh luận với chính quyền địa phương và các nhà hoạt động chính trị trong tỉnh về những vấn đề họ quan tâm, từ công ăn việc làm, hạ tầng cơ sở, y tế và sức khỏe... đến bảo vệ môi trường.

Nhịp sống hồi sinh

Trong công tác chuẩn bị, ban tổ chức (trong đó có tôi) đã bàn tới phương án B - dự phòng tình huống tới cuối tháng 8 các quy định về giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ. 

Gần sát ngày họp, chúng tôi khá lo lắng vì cho rằng sau một thời gian dài bị hạn chế, có lẽ người ta sẽ thích vui chơi, giải trí vào cuối tuần hơn là tham dự những giờ thảo luận chính trị khô khan.

Nhưng rồi tôi ngạc nhiên khi thấy dù thời tiết xấu, có mưa và gió lạnh, Ngày hội họp nhân dân 2021 của tỉnh vẫn thu hút khoảng 3.000 người tham dự (trên 16 tuổi phải có chứng nhận tiêm chủng vắc xin). 

Một bà dắt theo hai chắt nội (4 tuổi và 1 tuổi rưỡi) nói với tôi tuy bà không hào hứng lắm với thảo luận chính trị, nhưng bà thích hưởng cảm giác cuộc sống đã trở lại bình thường.

Ngày 27-8, Chính phủ Đan Mạch thông báo kể từ 10-9, dịch bệnh COVID-19 sẽ không còn bị xem là "căn bệnh xã hội nguy hiểm" nữa. 

Nguyên do một phần vì tiêm chủng đã được thực hiện trên diện rộng, phần nữa vì sự kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ của chính quyền. Điều này có nghĩa tất cả các hạn chế sẽ được bãi bỏ từ 10-9.

Trên thực tế, cuộc sống đã dần trở lại bình thường từ 14-6, khi lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi vào siêu thị, cửa hàng... được bãi bỏ. 

Tới 14-8, hành khách không còn phải mang khẩu trang khi đi trên phương tiện giao thông công cộng, mọi người gặp nhau đã có thể bắt tay và ôm hôn nếu muốn.

Tới nay, khoảng 75,34% dân số Đan Mạch đã tiêm chủng đầy đủ. Trẻ em trong độ tuổi 12 - 15 cũng đang được chích ngừa.

Từ giữa tháng 8, Hiệp hội Các điều dưỡng viên đã tổ chức biểu tình trở lại, nhưng không phải để phản đối những chuyện liên quan dịch bệnh mà để đòi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Trong bối cảnh này, đó là một tín hiệu nữa cho thấy nhịp sống đã bình thường hơn.

Nhưng nói thế không có nghĩa Đan Mạch đã hết dịch hoàn toàn. Ngày thứ Bảy 28-8, cả nước ghi nhận 877 ca nhiễm mới, hôm sau giảm còn 737 ca. Nhưng tỉ lệ dương tính trong số những người xét nghiệm ở mức thấp là 1,1%.

Chuẩn bị để bình thường

So với nhiều nước châu Âu, tình hình dịch bệnh tại Đan Mạch được xem là rất tốt. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Anh vẫn ở mức trên 30.000, ở Pháp là trên 13.000. 

Thụy Điển có 10,1 triệu dân nhưng số ca nhiễm cao gần gấp 4 lần Đan Mạch với 5,8 triệu dân. Số ca tử vong của hai nước còn chênh lệch hơn nữa, 14.640 so với 2.580.

Điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên. Đan Mạch là nước đầu tiên tại châu Âu đóng cửa biên giới để phòng dịch (từ 13-3-2020) chứ không chủ quan như Ý hay đợi đạt miễn dịch cộng đồng như Anh và Thụy Điển. Đan Mạch cũng mau chóng ban hành các quy định về giãn cách xã hội.

Người Đan Mạch, cũng như người dân các nước Tây và Bắc Âu khác, ban đầu rất dị ứng với việc mang khẩu trang. Một số chính trị gia đối lập cũng lên tiếng chỉ trích, cáo buộc việc Thủ tướng Frederiksen đóng cửa biên giới ngăn dịch là hành vi lạm quyền.

Phải đến giữa năm 2020, khi tình hình châu Âu trở nên căng thẳng, họ mới nhận ra dịch bệnh nguy hiểm hơn người ta tưởng. 

Do đó, tuy cảnh sát không áp dụng phạt nặng những trường hợp vi phạm giãn cách xã hội nhưng đa số, nhất là những người trung niên, chấp hành rất nghiêm túc, tự giác và còn thẳng thắn nhắc nhở những người không tuân thủ.

Cho dù so với nhiều nước khác, Đan Mạch có môi trường tốt hơn, an sinh xã hội tốt, chênh lệch giàu - nghèo không nhiều, nhưng đại dịch này vẫn gây áp lực tâm lý cho nhiều người, từ lo âu về sức khỏe, sự an toàn, việc làm, tình hình tài chính... cho tới cảm giác cô đơn khi bị hạn chế tiếp xúc trong nhiều tháng.

Việc Chính phủ Đan Mạch dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch sẽ giải tỏa được phần lớn những áp lực đó. 

Giờ thì người Đan Mạch có thể bắt đầu chuẩn bị tinh thần để "sống chung với dịch", trong cuộc sống dần trở lại bình thường. Có lẽ chưa bao giờ mà một cuộc sống bình thường lại cần thiết và quý báu như lúc này!

Thống kê theo thời gian thực trên trang Worldometers lúc 16h ngày 31-8 (giờ Việt Nam) cho thấy tính tới thời điểm đó, Đan Mạch có tổng cộng 344.850 ca COVID-19 (đứng thứ 69/220 quốc gia, vùng lãnh thổ về tổng số ca bệnh).

Trong đó 2.580 ca tử vong, tổng số ca đã khỏi bệnh là 329.368, số ca bệnh đang điều trị là 12.902. Dân số của Đan Mạch, theo Worldometers, là khoảng 5,8 triệu người.

WHO châu Âu đảo ngược đánh giá về mũi tiêm vắc xin COVID-19 thứ 3 WHO châu Âu đảo ngược đánh giá về mũi tiêm vắc xin COVID-19 thứ 3

TTO - "Mũi tiêm vắc xin thứ 3 không phải là mũi tăng cường xa xỉ tước đi khỏi người đang chờ đợi được tiêm mũi đầu tiên" - giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ở khu vực châu Âu, tiến sĩ Hans Kluge, cho biết trong tuyên bố ngày 30-8.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên