26/03/2015 11:17 GMT+7

Dân cần biết vì sao chặt cây, lấn sông...

TS ĐẶNG NGỌC DINH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển  và hỗ trợ cộng đồng) V.V.THÀNH ghi
TS ĐẶNG NGỌC DINH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng) V.V.THÀNH ghi

TT - Bươn chải mưu sinh trên những nẻo đường đô thị hay dọc các dòng sông, hàng triệu người Việt Nam chỉ vừa bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp đã thấy môi trường sống của mình ô nhiễm ở mức cao.


Gỗ từ những cây xanh bị chặt hạ ở Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài

Không cần phải đi đâu xa, đứng ở ngã tư các thành phố lớn vào giờ cao điểm, ai cũng có thể cảm nhận rõ điều đó.

Chặt cây, lấn sông vì vậy không đơn giản là những việc làm dưới tên gọi quy hoạch hay dự án. Đó là những việc liên quan trực tiếp đến môi trường sống của người dân.

Cho dù khi thông tin chính thức về đề án cải tạo thay thế cây xanh ở Hà Nội cũng như dự án lấn sông Đồng Nai, đại diện chính quyền đều khẳng định đúng quy định, trình tự, thủ tục. Thế nhưng người dân dù là một nhà khoa học am hiểu chuyên ngành hay một bà nội trợ, qua dư luận và trong suy nghĩ của mỗi người, còn nhiều băn khoăn về tính công khai, minh bạch và sự đồng thuận.

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Ngô Phước Sáng (chủ quán cà phê Cây Bàng, người dân sinh sống gần dự án lấn sông Đồng Nai) cho biết:

“Nhiều tháng qua, dự án triển khai rầm rộ nhưng tôi chưa có thông tin rõ ràng về dự án. Chỉ biết đất đá đổ xuống và họ lấn ra sông hàng chục mét. Thành phố Biên Hòa đâu thiếu đất nhưng sao người ta cho lấn sông để làm trung tâm thương mại?”.

Nếu người dân không có thông tin rõ ràng thì làm sao đồng thuận? Cho đến nay diễn biến vụ chặt cây xanh ở Hà Nội rõ ràng là một bài học không riêng cho địa phương nào.

Như nhiều người nhận xét rằng phản ứng của người dân không chỉ là về chuyện cái cây, mà là cách thức ứng xử của cán bộ qua phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ cách đây không lâu, ông Vũ Ngọc Hoàng (phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) kể một câu chuyện mà ông là người trong cuộc.

Đó là có lần ông hỏi một ông thị trưởng ở Úc rằng: Nếu ông muốn xây dựng một công trình gì đó ở thành phố, rất tốt, rất có lợi, rất đúng về mặt khoa học và ông hoàn toàn vô tư, nhưng người dân lại phản đối thì ông sẽ làm thế nào?

Ông ta trả lời: Tôi ngưng lại, chưa làm. Tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin, khi nào người dân ủng hộ mới làm. Chưa thực hiện công trình đó, tôi cũng đâu đã hết việc.

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, như vậy chính là một biểu hiện chính quyền của dân.

Thế giới đã tổng kết một số yếu tố cần thiết để có một nền quản trị quốc gia và quản trị chính quyền địa phương tốt, trong đó không thể thiếu sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Quyết định số phận những hàng cây và những dòng sông, hay nói cách khác là quyết định môi trường sống của người dân, không thể thiếu sự tham gia thực chất của dân.

TS ĐẶNG NGỌC DINH (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng) V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên