08/06/2024 08:54 GMT+7

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Sau giật mình, phải hành động

Tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc 'cần có tuyên ngôn rằng chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước và ngày càng khan hiếm'.

Khô hạn làm tất cả con sông vùng ngọt Cà Mau khô cạn nước, đường thủy tê liệt làm thiệt hại kinh tế người dân rất lớn (ảnh chụp tháng 4-2024) - Ảnh: THANH HUYỀN

Khô hạn làm tất cả con sông vùng ngọt Cà Mau khô cạn nước, đường thủy tê liệt làm thiệt hại kinh tế người dân rất lớn (ảnh chụp tháng 4-2024) - Ảnh: THANH HUYỀN

Từ thực tế hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, ngập úng, nhất là ô nhiễm nguồn nước cùng những con số cụ thể về nguồn tài nguyên này (xem đồ họa), rất nhiều người có cảm giác "giật mình" vì bất ngờ.

Đại biểu Quốc hội, chuyên gia còn chỉ thêm ra nhiều góc cạnh khác và cho rằng đã đến lúc phải có những hành động cụ thể, trong đó việc sử dụng nguồn nước thế nào cho hợp lý, tiết kiệm là việc cần đánh động, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đại biểu NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):

Phải đưa tài nguyên nước về đúng giá trị

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Sau giật mình, phải hành động- Ảnh 2.

Thực tế xung quanh chúng ta, kể cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều nước nhưng thời gian qua lại xảy ra câu chuyện thiếu nước. Ở đây phải hiểu rõ chúng ta thiếu nước là thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt.

Ngoài việc chúng ta đang là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng từ biến đổi khí hậu, nguồn nước phần lớn phụ thuộc từ bên ngoài lãnh thổ thì cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức sử dụng chưa được quan tâm đầy đủ.

Trong khi đó, tốc độ tăng dân số, nhu cầu trong sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn cũng gây áp lực về nguồn nước.

Do đó, giải pháp bền vững lâu dài vẫn là tính chủ động phải cao.

Trong đó, chính mỗi người dân khi sử dụng nước phải có ý thức tiết kiệm, hợp lý, dù là sinh hoạt hay sản xuất. Cùng với đó, Chính phủ, chính quyền địa phương cần có các chính sách để có thể khép kín hệ thống thủy lợi, từ đó tạo sự chủ động trong mùa hạn.

Ở mùa hạn, không phải tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải công bố hạn hán, thiếu nước vì các tỉnh này đã chủ động từ xa và ý thức tiết kiệm nước rất tốt là ví dụ. Tuy nhiên, để bền vững phải có các cơ chế, chính sách đồng bộ.

Thêm vào đó, hiện nay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nhiều nước nhất nên việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng rất lớn do đó cần tính đến việc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đồng thời phải xem nước là nguồn tài nguyên quan trọng, đưa về đúng giá trị, chuyển dần từ công cụ quản lý hành chính sang kinh tế để người sử dụng nước càng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền, từ đó sẽ tiết kiệm hơn.

Khả năng chúng ta bị sa mạc hóa ở một số khu vực được cảnh báo cũng cao nên việc học tập các nước như Israel trong việc chủ động quản lý, ý thức sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm cũng là việc nên làm.

Đại biểu NGUYỄN ĐẠI THẮNG (Hưng Yên):

Kiểm soát nguồn xả thải vào mỗi con sông

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Sau giật mình, phải hành động- Ảnh 3.

Bên cạnh các vấn đề thuộc về thời tiết nói chung thì vấn đề ô nhiễm các nguồn nước mặt, nước ngầm đang là vấn đề nóng, nhận được nhiều phản ánh của người dân.

Chẳng hạn với sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên chảy qua một số tỉnh khác thì việc ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, trong đó có từ nguồn xả thải sinh hoạt, các dự án, làng nghề...

Nguồn nước ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và hơn thế là từng bước sẽ gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm...

Đây là những vấn đề rất cần được quan tâm, có biện pháp đồng bộ để xử lý.

Thời gian qua, tỉnh cùng Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương nơi dòng sông đi qua để triển khai loạt giải pháp. Trong đó có việc bơm nước từ sông Hồng vào rồi lại bơm ra để tạo lưu thông.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài cần các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức thì việc kiểm soát nguồn xả thải vào con sông rất quan trọng.

Việc này phải có sự liên kết phối hợp giữa Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương. Đồng thời phải ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hệ thống trạm thu gom, xử lý nước thải, nhất là nước thải sinh hoạt, nước thải ở các làng nghề, doanh nghiệp để loại bỏ việc xả thải trực tiếp ra môi trường, ra sông...

Do vậy, nếu có một tuyên ngôn về nước cần nhấn rất mạnh đến việc nâng cao ý thức sử dụng, quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt cũng như nước ngầm trong mỗi người dân.

Cùng với đó phải nêu rõ vấn đề điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng và quản trị tài nguyên nước; phòng chống và khắc phục tác hại từ nước.

Cao điểm hạn mặn tháng 4-2024, cuộc sống của người dân ở xã Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đảo lộn vì thiếu nước sạch - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cao điểm hạn mặn tháng 4-2024, cuộc sống của người dân ở xã Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đảo lộn vì thiếu nước sạch - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Đại biểu NGUYỄN HUY THÁI (Bạc Liêu):

"Hạn" thiên nhiên dẫn đến "hạn" về kinh tế - xã hội

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Sau giật mình, phải hành động- Ảnh 5.

Nếu phải nói một câu gọn nhất về đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, câu ấy gói gọn trong một chữ: nước.

Thật nghịch lý khi một đồng bằng hình thành từ nước, sống trên nước, giờ lại phải đón những đoàn xe về giải cứu cơn khát cho vùng sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nghịch lý ấy do hạn, mặn và phèn gây ra.

Chỉ trong một thập niên qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã phải vật vã vượt qua ba mùa khô có độ hạn, mặn rất nghiêm trọng và dự báo còn có thể ngày càng khốc liệt.

Nếu dự báo về một tương lai hạn hán thành hiện thực thì một đồng bằng châu thổ được mệnh danh vựa lúa, vựa tôm cá, vựa cây trái sẽ phải đối diện với một thực trạng cũng là nước.

Nước sẽ là vấn đề sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long, nước sẽ tái định hình tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng đất vốn đã hình thành tâm thế "sống chung với lũ" giờ đang trong tư thế phải "sống chung với hạn, mặn" với đủ lý do mà chúng ta đã nhiều lần nhắc đến. Hệ quả từ "hạn" thiên nhiên dẫn đến "hạn" về kinh tế - xã hội.

Vì thế, tuyên ngôn về nước với bà con Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ là một tư duy mở, buộc bà con Đồng bằng sông Cửu Long phải nhìn thẳng vào thực tại để nhận ra rằng có cả yếu tố thiên tai và nhân tai.

Việc quản lý và khai thác nguồn nước ngầm chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng; tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến hạ thấp đáy sông, áp lực của nước ngọt không đủ sức ngăn nước mặn từ biển tràn vào, xâm nhập sâu trong nội đồng...

Bên các bờ sông trước đây có những bãi sình, đầm lầy tự nhiên có tác dụng giữ nước mùa lũ, "nhả" nước từ từ vào mùa khô, nay đã được/bị chuyển đổi thành những vùng canh tác lúa, không đủ khả năng trữ nước lại nữa.

Một đồng bằng trẻ khi không còn được vận hành theo quy luật vốn có của nó thì chỉ cần sự thay đổi ít thôi cũng đã là thay đổi cả một đồng bằng.

Bà con Đồng bằng sông Cửu Long là dân miệt sông nước, bao đời quen nhìn các con sông, kênh, rạch, xẻo như một nguồn cung cấp nước vô tận không bao giờ cạn.

Cách nhìn này cần được cảnh báo bằng một "tuyên ngôn" đủ để "giật mình", nhìn vào thực tại, hướng đến tương lai, để thấy rằng thuận thiên là câu chuyện ngàn đời nay không thể xem nhẹ.

Đến lúc này chúng ta có thể thấy rõ nước không là vô hạn phải trở thành lời cảnh báo từ những vật vã khốc liệt những tháng hạn hiện giờ. Giữ gìn nguồn nước phải như cách ứng xử với lu nước mưa gia đình mình tháng hạn.

Dẫn nước tưới vào ruộng phải như xúc lúa trong bồ nhà mình... Không bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, sẽ càng khô khát trên miền đất được hình thành từ nước.

Đại biểu DƯƠNG VĂN AN (bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc):

Có thể tính phương án thu thủy lợi phí

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Sau giật mình, phải hành động- Ảnh 6.

Khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta đã có những cảnh báo nước là nguồn tài nguyên có giới hạn chứ không phải vô tận.

Tuy nhiên, trong sản xuất, sinh hoạt vẫn có cảm giác còn ít người ý thức về việc ấy. Ý thức tiết kiệm nước chưa được tạo ra trong tiềm thức mỗi người dân.

Nếu không có chiến lược bảo vệ, làm cho nguồn tài nguyên nước ngày một dồi dào sẽ mất an ninh về nguồn nước.

Muốn đảm bảo an ninh nguồn nước trước hết phải xây dựng các hồ, đập.

Mặt khác, chuyển đổi các loại hình cây trồng thích ứng trong điều kiện các nguồn nước ngày càng suy giảm. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn việc tiết kiệm nước nhiều hơn, không phải có bao nhiêu là "xả" bấy nhiêu.

Quan trọng hơn, đã đến lúc chúng ta phải tính đến giải pháp tính thủy lợi phí đối với một số khu vực sản xuất nông nghiệp. Từ việc thu phí đó tạo cho người dân có ý thức tiết kiệm. Cái gì rẻ, cái gì cho không người ta lại phung phí, không tiết kiệm.

Việc sử dụng nước đánh thẳng vào GDP

Ông Châu Trần Vĩnh

Ông Châu Trần Vĩnh

Ngày 7-6, trả lời Tuổi Trẻ về thực trạng bảo đảm an ninh nguồn nước, ông Châu Trần Vĩnh, cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm.

Nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%. Sử dụng nước lãng phí, hiệu quả thấp chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, chỉ bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu (19,42 USD).

Bên cạnh các yếu tố thời tiết thì hiện có mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng liên quan đến lợi ích kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu các lưu vực sông, giữa thủy điện, thủy lợi và nhu cầu cho công nghiệp, sinh hoạt, sản xuất...

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước gia tăng, nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước.

Dữ liệu: QUANG THẾ tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu: QUANG THẾ tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH

Mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 quy định tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhưng thực tế, tài sản không được đánh giá hoặc định giá về mặt kinh tế vì vẫn được xem là "của trời cho", dẫn đến việc sử dụng nước lãng phí và ý thức bảo vệ tài nguyên nước chưa cao.

Ví dụ, tỉ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), cá biệt như hệ thống cấp nước thành phố Pleiku (Gia Lai) mức thất thoát lên tới 38,5%.

Hiện nay còn có việc điều hòa phân phối nước chưa đồng bộ, hợp lý, nhất là phạm vi ngoài sự điều tiết của các hồ chứa lớn trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa.

Cũng vậy, hiện chưa đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, chưa có hệ thống hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực.

Ngoài ra còn có vấn đề đáng lưu ý là việc suy giảm rừng đầu nguồn, chất lượng rừng suy thoái... sẽ giảm khả năng giữ nước của đất, tăng xói mòn đất, sạt lở, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, kết cấu hạ tầng ở hạ du các lưu vực sông.

Cần huy động tư nhân, xã hội hóa tham gia cải thiện tình hình

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho hay chúng ta đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng để có chương trình tổng thể để nghiên cứu mang tính vĩ mô toàn quốc, ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn là vấn đề rất được quan tâm. Quốc hội lần này cũng đưa việc này giám sát tối cao, tìm giải pháp chống xâm nhập mặn.

Năm 2009, tôi đã đọc một tài liệu của Ngân hàng Thế giới cảnh báo về việc nếu Việt Nam không chủ động trong ứng phó biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm thì 20 - 30 năm sau thế hệ con cháu chúng ta thiếu nước sạch để dùng và hiện tại đây là nguy cơ hiện hữu, thậm chí có lúc đã phải đối mặt.

Các văn bản luật pháp liên quan đến việc đảm bảo nguồn nước có nhiều nhưng thực tế áp dụng và quản lý hằng ngày đâu đó cũng chưa tốt.

Ví dụ kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước, được thể chế hóa một phần trong Luật Tài nguyên nước nhưng đến nay ô nhiễm không được ngăn chặn. Ô nhiễm từ nhiều nguồn, trong đó có nước thải sinh hoạt, nhưng chỉ 17% xử lý còn 83% chưa xử lý.

Chúng ta nói ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ta xử lý được nước thải tới 92%, nghe phấn khởi nhưng thực tế đi giám sát có công trình chưa hoạt động.

Đánh giá về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, báo cáo Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá một vài địa phương và cơ quan làm việc chưa hết, với trách nhiệm từng bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương. Đây là yêu cầu đặt ra để phải thực hiện giám sát tối cao về môi trường, trong đó có an ninh nguồn nước.

Vì thế, tôi cho rằng cần nghiên cứu thiết chế, có cần thành lập một cục quản lý về nước hay không khi hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường thì quản lý đầu nguồn, Bộ Xây dựng quản lý nước sạch đô thị, Bộ NN&PTNT quản lý về nước tưới tiêu, Bộ Công Thương quản lý thủy điện..., nếu không có cơ chế phối hợp liên ngành nhuần nhuyễn thì sinh ra khó khăn. Điển hình là việc nông nghiệp kêu thiếu nước còn các nhà máy thủy điện kêu là vận hành khó.

Ngoài ra để bắt tay hành động thì phải tư nhân hóa, xã hội hóa, có sự tham gia tư nhân trong xử lý nước thải, hoặc với vận hành hồ chứa có thể cho tư nhân bảo dưỡng và vận hành...

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những nỗ lực về vấn đề này, như trong xây dựng Luật Tài nguyên nước.

Song để đảm bảo an ninh nguồn nước không chỉ một bộ ngành, người dân và cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và làng nghề cùng chung tay mới bảo vệ nguồn nước. Địa phương không thể nghĩ đây là câu chuyện của trung ương, nên tiến tới phân cấp phân quyền mạnh hơn, tìm nguồn lực và xã hội hóa...

Độ mặn tại các nhánh sông Mekong giảm, người dân hạ nguồn tranh thủ lấy nước ngọtĐộ mặn tại các nhánh sông Mekong giảm, người dân hạ nguồn tranh thủ lấy nước ngọt

Sau một thời gian hạn mặn gay gắt, hiện nay độ mặn trên các nhánh sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên… đã giảm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên