Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu Phó Thông (phải) - Ảnh: Twitter
"Chúng tôi tự thấy đây là thiệt hại ngoài dự kiến của cuộc khủng hoảng này. Cả Nga và Ukraine đều là bạn tốt, vì vậy chúng tôi không muốn phải lựa chọn giữa những người bạn. Đó là điểm xuất phát trong lập trường của chúng tôi", ông Phó Thông, người mới được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại EU, trả lời tờ South China Morning Post trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 23-12.
Khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay, sự kiện này cũng trở thành điểm nóng gây chia rẽ dư luận.
Phương Tây, bao gồm EU, nhận định đây là cuộc chiến do Nga phát động và lên án Matxcơva, đồng thời ủng hộ Ukraine cả về lời nói lẫn các khoản viện trợ thực tế.
Trung Quốc trong khi đó duy trì mối quan hệ với Nga lẫn Ukraine và EU, và thường được kỳ vọng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Các bên cũng muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của họ để tác động lên Nga.
Nhưng theo lời Đại sứ Phó, cuộc xung đột Ukraine đã đặt Trung Quốc vào "một vị trí rất khó khăn" khi Bắc Kinh không muốn lựa chọn ai trong số "những người bạn". Ông thừa nhận "cuộc khủng hoảng Ukraine đang trở thành vấn đề cho mối quan hệ song phương với Trung Quốc".
Ông Phó khẳng định một trong những ưu tiên của ông trong vai trò đại sứ Trung Quốc tại EU là "phi chính trị hóa" mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Ông nhắc lại rằng Trung Quốc đã kêu gọi giải pháp hòa bình từ ngày 25-2, một ngày sau khi xung đột nổ ra.
"Trong ngày thứ hai sau khi chiến dịch trên khởi động, đã có một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống (Nga) Putin. Trong trao đổi ấy, Chủ tịch Tập đã nói rõ về việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Nhưng người ta có xu hướng lãng quên chi tiết đó", nhà ngoại giao này nói.
Trong khi khẳng định Trung Quốc không gặt hái lợi ích gì và cũng không mong muốn cuộc xung đột Ukraine kéo dài, ông Phó cũng nói Mỹ đang là bên hưởng lợi thông qua việc bán vũ khí và kiếm tiền từ cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.
Theo đó, vị đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh điều quan trọng là chấm dứt giao tranh, đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm tránh thiệt hại con người, tuy nhiên "chúng tôi biết rằng một số nước hoặc một số người tại vài quốc gia nhất định không muốn thấy chấm dứt thù địch".
Khi được hỏi về việc liệu ông có nghĩ Mỹ muốn chấm dứt xung đột hay không, ông Phó nói thêm: "Đó là đánh giá của chúng tôi. Chúng tôi biết một số người đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này. Họ đang bán số lượng vũ khí lớn. Và thực tế, liên quan đến tác động lan tỏa của khủng hoảng đó, chúng tôi biết ai đang thu lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng mà các nước châu Âu đã trải qua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận