23/08/2020 16:48 GMT+7

Đài Loan tưởng niệm 62 năm vụ Trung Quốc pháo kích Kim Môn

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Brent Christensen, giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, đã lần đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm cùng nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Pháo kích Kim Môn năm 1958 là trận chiến lớn cuối cùng giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Đài Loan tưởng niệm 62 năm vụ Trung Quốc pháo kích Kim Môn - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) trong lễ tưởng niệm sáng 23-8 - Ảnh: Facebook Thái Anh Văn

Hãng tin Reuters bình luận sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cùng nhiều quan chức ở Kim Môn ngày 23-8 có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Hòn đảo này chỉ nằm cách thành phố Hạ Môn của đại lục chưa đầy 5km và thuộc tỉnh Phúc Kiến theo phân cấp hành chính của Trung Quốc.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan. Theo truyền thông Đài Loan, có thời điểm hàng chục tiêm kích Trung Quốc vượt đường trung tuyến eo biển Đài Loan và tiến vào không phận vùng lãnh thổ này.

Ông Brent Christensen, người đứng đầu Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), dự lễ tưởng niệm cùng bà Thái Anh Văn và đặt vòng hoa, tưởng nhớ hai sĩ quan Mỹ thiệt mạng trong vụ pháo kích của Trung Quốc.

Trên mặt giấy tờ, AIT là một "tổ chức phi lợi nhuận" nhưng hoạt động như một đại sứ quán của Mỹ tại Đài Loan trên thực tế với sự hiện diện của các nhà ngoại giao.

Theo Hãng thông tấn AP, đây là lần đầu tiên một giám đốc AIT tham dự lễ tưởng niệm pháo kích Kim Môn. "Đây rõ ràng là một hành động mang tính biểu tượng, thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc", Reuters bình luận thêm.

Bà Thái Anh Văn và ông Christensen không phát biểu gì sau lễ tưởng niệm ở Kim Môn. Hòn đảo này hiện vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể bên cạnh các tàn tích vụ tấn công khi xưa.

Đài Loan tưởng niệm 62 năm vụ Trung Quốc pháo kích Kim Môn - Ảnh 2.

Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan Brent Christensen đặt hoa tưởng niệm những người Mỹ thiệt mạng trong trận pháo kích của Trung Quốc - Ảnh: AIT

Văn phòng của bà Thái Anh Văn đã ra thông cáo cảm ơn sự tham gia của ông Christensen và nhấn mạnh lễ tưởng niệm là dịp để người dân Đài Loan hiểu được "tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do, dân chủ".

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đại lục không đưa ra bình luận ngay lập tức khi được liên hệ. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo này.

Tháng 8-1958, Trung Quốc bắt đầu pháo kích quần đảo Kim Môn và Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát. Giới sử gia sau này gọi sự kiện này là "Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần hai".

Đài Loan đã chống trả vào thời điểm đó với sự hỗ trợ từ Mỹ, nước đã gởi cho Đài Bắc các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa phòng không Sidewinder. Washington cũng triển khai tàu sân bay tới đảo Đài Loan trong suốt cuộc khủng hoảng.

Khoảng 400 binh sĩ Đài Loan đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ quân sự lớn cuối cùng kéo dài hơn 4 tuần với đại lục. Một số giai thoại còn tồn tại đến ngày nay kể rằng số đạn pháo Trung Quốc bắn xuống Kim Môn nhiều đến nỗi trở thành nguồn kim loại tái chế khổng lồ cho dân địa phương.

Đài Loan công bố video tập trận tự vệ nếu bị Trung Quốc tấn công Đài Loan công bố video tập trận tự vệ nếu bị Trung Quốc tấn công

TTO - Đài truyền hình Đài Loan ngày 21-8 đã phát đoạn phim ghi lại cuộc tập trận được cho là mô phỏng trường hợp hòn đảo này bị Trung Quốc đại lục tấn công.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên