24/10/2022 13:29 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Quy định chỉ loay hoay làm sao giá thuốc, vật tư y tế thấp nhất

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng quy định hiện nay chỉ loay hoay tập trung vào việc làm sao giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thấp nhất, bảo hiểm y tế thanh toán mức thấp nhất.

Đại biểu Quốc hội: Quy định chỉ loay hoay làm sao giá thuốc, vật tư y tế thấp nhất - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu trong một kỳ họp - Ảnh: QUOCHOI.VN

Sáng 24-10, phát biểu thảo luận về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng những phân tích, đánh giá và giải pháp đưa ra trong dự án luật này chưa thể giải quyết được các bất cập về việc xã hội hóa và cơ chế tự chủ của các bệnh viện công.

Bà Lan nói mục tiêu chính của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ loay hoay tập trung vào việc làm sao giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thấp nhất, bảo hiểm y tế thanh toán mức thấp nhất.

Sau hàng chục năm tiến hành xã hội hóa, tự chủ bệnh viện, tới giờ chưa hề có một hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức về mô hình này để có thể mổ xẻ yếu chỗ nào, từ đó đề ra được giải pháp. Thời gian qua đã ghi nhận những bệnh viện đầu ngành, với lượng chất xám, lượng cán bộ, cơ sở bệnh viện khang trang, đồ sộ cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ.

"Thực sự chúng ta chỉ chạy theo sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả hiện nay là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế thì sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động sáng tạo và xin nghỉ. 

Nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ. Xã hội hóa được hiểu một cách đơn giản và thấy trên thực tế là ở mức Nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức nhân sự, tài chính và mua sắm thì các bệnh viện đều không tự quyết được", bà Lan nói và cho rằng dự thảo cần tham khảo mô hình ở các nước.

Đại biểu TP.HCM cũng chỉ ra việc thiếu quy định về hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ hành nghề. Việc thanh tra để bảo đảm tất cả những người hành nghề được giám sát, kiểm tra, thanh tra, tránh tình trạng báo chí phản ánh hay có sự cố ý khoa xảy ra chết người mới ầm ĩ lên, cũng chưa đúng mức. 

"Có những phòng mạch, đơn vị khám chữa bệnh mấy chục năm chưa có lực lượng thanh tra nào đến hỏi vì số lượng chúng ta không có đủ. Ở nhiều quốc gia phát triển, các cơ sở hành nghề tư nhân, đặc biệt là các phòng mạch sẽ được kiểm tra, giám sát cấp giấy phép hành nghề lúc đầu bởi tổ chức y sĩ đoàn, mà hiện nay ta có Tổng hội Y học Việt Nam. 

Nếu phát huy được hội nghề nghiệp sẽ rất tốt vì quá trình hành nghề giám sát bởi những người chuyên nghiệp, tránh tình trạng lực lượng ở sở y tế, phòng y tế quận, huyện không có đủ nhân lực", bà Lan nêu ý kiến.

Trao đổi cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.

Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm gia đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.

Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tổ chức, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình hội đồng y khoa nên dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội: Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ, bác sĩ nghỉ việc là Đại biểu Quốc hội: Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ, bác sĩ nghỉ việc là 'thất bại của chính sách'

TTO - Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều y bác sĩ xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, hay việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng xin thôi tự chủ là 'một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập'.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên