Tiến tới 90% số hộ gia đình phân loại rác
Trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu có hơn 90% số tổ dân phố triển khai phân loại rác, và 90% số hộ gia đình phân loại rác hiệu quả tại địa bàn khu dân cư.
Đồng thời, đối với các cơ sở khác, thành phố đặt mục tiêu hơn 70% cơ sở trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hơn 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch và 100% trường học, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phân loại rác bảo đảm theo phương thức chung của thành phố, hơn 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng, điểm mới trong kế hoạch lần này ngoài việc mở rộng việc phân loại rác trên toàn địa bàn thì thành phố yêu cầu các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị đầy đủ về phương thức, nguồn lực để tiến tới "cột mốc" phân loại rác trên cả nước từ năm 2025.
Đặc biệt, trong kế hoạch lần này tùy theo tình hình từng xã, phường, Đà Nẵng cũng cho triển khai thực hiện thí điểm phân loại chất thải thực phẩm (gồm thực phẩm nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến; thực phẩm thừa, quá hạn sử dụng; dầu thải; rác vườn...), chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế, vật dụng, gốc cây, thân cây, cành cây...), chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân...
Xã, phường ở Đà Nẵng thí điểm phân loại rác cồng kềnh
Theo đó, có hai mô hình có thể áp dụng đối với hình thức phân loại chất thải cồng kềnh, chất thải xây dựng.
Phương án thứ nhất: UBND các xã, phường thông báo định kỳ về thời gian, địa điểm việc tổ chức thu gom, sau đó chủ nguồn thải tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị có chức năng vận chuyển đến điểm tập kết hoặc đến cơ sở xử lý do UBND các cấp quy định.
Phương án thứ hai: chủ nguồn thải liên hệ trực tiếp đơn vị dịch vụ có chức năng để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Đối với các mô hình này, UBND quận, huyện tổ chức kêu gọi, huy động các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất tái chế để triển khai; quy định, thông báo cụ thể về tổ chức hoạt động thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực tập kết.
Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, TP Đà Nẵng cho biết năm 2022 thu được hơn 1.717 tấn rác tài nguyên. Khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại khoảng 330 tấn, chủ yếu là pin, bóng đèn.
Ông Võ Nguyên Chương - phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng - cho biết số rác tài nguyên thu được là chưa tương xứng nếu như theo tổng hợp của các quận, huyện, khi năm 2022 có khoảng 89,4% số hộ gia đình, 88,9% số tổ dân phố đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ khâu phân loại - thu gom - xử lý rác thì Đà Nẵng tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, đặc biệt là chú trọng giáo dục cho học sinh sinh viên.
Kinh nghiệm hơn 50 năm thực hiện ở Nhật Bản cho thấy quá trình hình thành thói quen phân loại rác, khó nhất vẫn ở khâu ý thức người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận