03/05/2024 14:03 GMT+7

Đà Lạt bây giờ thiếu mảng xanh và quá nóng

LÊ KHAI
và 1 tác giả khác

Đà Lạt dạo này từ 9h sáng trở đi là bắt đầu nóng, đến giữa trưa nắng gay gắt, rát mặt, không khí còn ngột ngạt nên không muốn ra khỏi khách sạn.

Dịp nghỉ lễ, nhiều du khách đến thành phố sương mù Đà Lạt nghỉ mát - Ảnh: M.V.

Dịp nghỉ lễ, nhiều du khách đến thành phố sương mù Đà Lạt nghỉ mát - Ảnh: M.V.

Nhằm góp thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của bạn đọc Lê Khai, sau khi bài "Đà Lạt có phải 'dạo này nóng lắm' không?" nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Đà Lạt nay khác xa 10 năm trước

Kỳ nghỉ lễ này tôi và gia đình đến Đà Lạt 5 ngày 4 đêm. Tôi phải khẳng định: Thực tế Đà Lạt bây giờ nóng quá.

Đà Lạt giờ quá ít cây xanh. Tôi mới đi Đà Lạt từ ngày 27 đến 29-4. Nhiệt độ giữa trưa là 34 độ, trong khi nhiệt độ mặt đường là 43 độ. Nếu đứng dưới tán cây thì gió thổi qua sẽ mát, những chỗ không có cây thì nắng rát. Mà giờ Đà Lạt quá ít cây xanh.

Bạn đọc Vinh

Nhiều ngày ở đây, tôi thích khí trời se lạnh về đêm và sáng sớm. Tuy nhiên, từ 9h sáng trở đi là bắt đầu cảm thấy nóng, đến giữa trưa cảm nhận nắng gắt, rát mặt, không khí ngột ngạt nên tôi và cả nhà không muốn ra khỏi khách sạn.

Sau 16h thì trời mới trở nên dịu mát, tầm 21h thì se lạnh hẳn, đi xe máy lúc này là phải có áo khoác, bịt khẩu trang, ban đêm ngủ đắp chăn thật dễ chịu.

Cá nhân tôi thấy khí hậu Đà Lạt bây giờ thay đổi lớn là có lý do của nó.

Tôi có nhiều cảm xúc tiếc nuối khi quan sát và so sánh Đà Lạt hôm nay với Đà Lạt hơn 10 năm về trước, khi đó tôi từng đặt chân đến đây du lịch.

Đà Lạt đã thay đổi quá lớn về nhiều mặt. Những đồi thông, khoảng xanh giữa đô thị và xung quanh thành phố đang ngày càng bị thu hẹp nếu không muốn nói là ít ỏi. Thay vào đó là vô số công trình khách sạn lớn nhỏ, nhà ở san sát.

Việc bê tông hóa quá nhanh và đặc biệt là nhà kính nông nghiệp bủa vây dày đặc từ trung tâm ra bên ngoài thành phố với bán kính cách xa cả chục cây số. Hiếm có khoảng trống nào mà không có nhà kính, nhà ở, trừ một vài địa điểm có không gian xanh như khu vực hồ Xuân Hương, công trình tôn giáo, trường đại học, cơ quan...

Bạt ngàn nhà kính nông nghiệp bủa vây

Tôi thực sự bị choáng ngợp với khung cảnh bạt ngàn nhà kính nông nghiệp bủa vây mọi nơi, mọi khu đất đều được tận dụng để làm nông nghiệp ồ ạt và thiếu kiểm soát.

Nhìn cảnh tượng này, nghĩ đến cảnh Đà Lạt xảy ra ngập lụt sau những trận mưa lớn tôi thấy không có gì lạ.

Nhà kính dày đặc như vậy, khi mưa sẽ dồn một lượng nước khổng lồ xuống mặt đất và việc bê tông hóa khắp nơi khiến nước không có lối thoát, hệ thống cống chắc chắn không đáp ứng kịp. Hồ điều hòa ít ỏi nên xảy ra ngập lụt cũng là điều không tránh khỏi.

Thêm nữa, với lượng nhà kính khổng lồ như vậy còn tạo ra hệ lụy khác như gia tăng nhiệt độ mùa hè, khiến Đà Lạt nóng lên và cảm thấy ngột ngạt vào buổi trưa.

Phải thừa nhận nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp nhưng lại đang làm Đà Lạt đánh mất bản sắc đặc trưng của "thành phố nghỉ dưỡng".

Khi nhìn khung cảnh Đà Lạt từ trên cao mới cảm thấy lo lắng cho sự phát triển bền vững của một đô thị từng được mệnh danh là "thành phố trong sương", "chốn thơ mộng bồng bềnh", "Đà Lạt, xứ thông reo"...

Thiết nghĩ, phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống phải đi đôi với nhau.

Nếu cứ bất chấp vì lợi ích trước mắt sẽ đến lúc nhận ra được ít nhưng mất rất nhiều. Đó là nhận lấy một môi trường sống ngày càng khắc nghiệt, đối mặt với nhiều hệ lụy lớn khác và điều này chắc chắn làm giảm đi giá trị của Đà Lạt, mất những thứ mà không bao giờ có thể phục hồi.

Đây thực sự là vấn đề nóng, nó không mới nhưng không bao giờ là cũ. Trước đây, các chuyên gia, nhà khoa học và báo chí đã phản ánh và cảnh báo rất nhiều. Và thực trạng này không riêng gì Đà Lạt mà là thách thức chung của các đô thị tại Việt Nam.

Nói vậy để thấy cần lắm những tầm nhìn quy hoạch đô thị mang tính bền lâu, tôn trọng môi trường sống và đó là cách để duy trì sự sống, giảm thiểu những rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việc nóng lạnh của Đà Lạt theo diễn tiến thời tiết chung của miền Nam

Ông Trần Xuân Hiền - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng - cho biết như vậy xung quanh chuyện "Đà Lạt nóng".

Ông Hiền nói: “Nhiệt độ Đà Lạt tăng giảm qua các năm, không có tăng dần đều. Có năm, so sánh cùng tháng 4 thì thấy mát hơn hoặc nóng hơn năm trước đó. Việc nóng lạnh, mưa gió của Đà Lạt không tách rời khỏi diễn tiến thời tiết chung của miền Nam, tăng giảm theo nền nhiệt chung của cả khu vực”.

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nền nhiệt Đà Lạt - Lâm Đồng đã thay đổi theo biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng nói Đà Lạt nóng đổ lửa như các vùng khác trên cả nước là không có căn cứ. Muốn khẳng định việc này thì phải có dữ liệu từng mùa qua các năm.

Theo ghi nhận, biên độ nhiệt của Đà Lạt vào mùa đông (khoảng tháng 12) từ 8 đến 28°C. Lúc này Đà Lạt rất đẹp nhưng không mát mẻ vì độ ẩm quá thấp. Biên độ nhiệt lớn khiến người cao tuổi suy giảm sức khỏe, hay bị ốm do cơ thể thích ứng chậm. Hiện nay, từ tháng 3 đến tháng 4, biên độ nhiệt khoảng 20 đến 31°C (hiếm khi 31°C).

Đây là giai đoạn Đà Lạt sắp chuyển vào mùa mưa, giữa trưa sẽ oi hơn nhưng không có nghĩa là rất nóng. Như vậy, nói Đà Lạt đang nóng cũng đúng, vì đang là mùa hè, nóng hơn tháng 12 (mùa đông).

M.V. ghi

Là người quan tâm, yêu mến thành phố sương mù Đà Lạt, bạn cảm nhận gì về sự đổi thay của Đà Lạt trong những năm gần đây? Mời bạn cùng chia sẻ, trao đổi... qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi Email hộp thư: bandoc@tuoitre.com.vn. Trân trọng!

Kỳ lạ Đà Lạt ở cao nguyên mà cứ mưa to là ngậpKỳ lạ Đà Lạt ở cao nguyên mà cứ mưa to là ngập

'Đà Lạt là xứ cao nguyên thuận lợi cho tiêu thoát nước nhưng vì sao cứ mưa to là ngập?'. 'Ngày xưa mưa rơi chẳng sao. Bây giờ mưa rơi lại ngập. Cả nước đều như vậy, nỗi niềm này ai thấu ai hay'…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên