05/09/2022 09:49 GMT+7

Nhà kính - 'vòng kim cô trắng' bóp nghẹt Đà Lạt

MAI VINH thực hiện
MAI VINH thực hiện

TTO - Những trận ngập lụt liên tục xảy ra trong bảy năm qua ở hạ lưu suối Cam Ly (nội ô Đà Lạt) là hậu quả dễ thấy nhất của việc lạm dụng nhà kính nông nghiệp.

Nhà kính - vòng kim cô trắng bóp nghẹt Đà Lạt - Ảnh 1.

Nhà kính làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt) lấn sát xâm hại cảnh quan của danh thắng hồ Than Thở - Ảnh: M.VINH

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở vùng cao nguyên Lâm Viên), cho rằng: "Nhà kính là vành đai trắng, là vòng "kim cô" bóp nghẹt Đà Lạt". 

Những cảnh báo của ông và nhiều nhà khoa học được đưa ra từ khi Đà Lạt chỉ mới khoảng 1.000ha, đến nay nơi này đã có khoảng 5.000ha nhà kính (chưa kể diện tích nhà kính xây dựng không báo cáo, lấn rừng). 

Huyện Lạc Dương cao hơn Đà Lạt, được mệnh danh là "máy lạnh" của Đà Lạt, cũng đang có xu hướng nối gót khi đã xuất hiện khoảng 1.000ha nhà kính. Vùng nhà kính gần như bao trọn chân núi thiêng Lang Biang.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia và người trong cuộc về vấn đề rất nóng của Đà Lạt hiện nay. Các chuyên gia đều có chung nhận định: nếu không khéo léo xử lý, Đà Lạt sẽ mắc kẹt trong nhà kính.

Chúng tôi đã ghi nhận được những số liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã tăng trung bình 1 - 1,5oC và biên độ nhiệt giãn thêm 3oC trong mười năm qua.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long (nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long (nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam):

Nhiều hệ quả chờ đợi từ "vòng kim cô trắng"

Vu Ngoc Long

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long

Hệ sinh thái Đà Lạt bị làm hại bởi chính những hoạt động nông nghiệp liên quan đến nhà kính bên trong nó và các vùng lân cận. 

Lũ lụt là chuyện rất nhỏ nhưng dễ thấy, còn những nguy cơ tiềm tàng khác lớn hơn nhiều, đã xảy ra nhưng chúng ta không thấy.

Tôi rất muốn nói giảm nhẹ đi để mọi người bớt lo lắng cho Đà Lạt nhưng tôi rất tiếc, sự lo lắng không cho phép tôi nói khác đi được về thực trạng nhà kính ở Đà Lạt. Quá ngột ngạt và đáng sợ. Bằng flycam, tôi nhận thấy rằng Đà Lạt như có một "vòng kim cô trắng" siết chặt. 

Đó là vùng biên đô thị, còn nội ô, nhà kính như một dạng tế bào chết màu trắng đang xâm lấn đô thị xanh Đà Lạt, cùng với nhà kính là những công trình bê tông với khối tích quá lớn phục vụ cho một hành trình hiện đại hóa thành phố (khái niệm này rất mơ hồ, không đồng nhất với phát triển).

Về mặt lý thuyết, nhà kính, nhà màng bọc, nhà lưới sinh ra để hạn chế những sự thay đổi bất thường về khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Một phần của ánh sáng đi vào nhà kính sẽ phản quang từ các bề mặt, với một phần bị giữ lại trong nhà kính và một phần khác bức xạ trở lại qua vật liệu kính, thép và ra vào không khí xung quanh.

Như vậy sẽ làm nóng bầu không khí xung quanh. Nhà kính trong nông nghiệp sẽ có ba tác động ảnh hưởng gây hại chính cho môi trường: làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước.

Nhìn vào cách thức bố trí nhà kính như ở Đà Lạt hiện nay, bạn sẽ thấy Đà Lạt "nóng". Nóng vì nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt.

Khi nhiệt độ môi trường bên ngoài nóng lên người ta phải làm mát bên trong. Hàng chục ngàn ha nhà kính có yêu cầu làm mát thì lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt, hâm nóng bầu khí quyển. Và như thế nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt, nơi nhiều nhà kính sẽ tăng lên.

Trong khoảng thời gian mười năm gần đây, những cây dầu nước (Dipterocarpus alatus) hay như cây sao đen (Hopea odorata) của thành phố Đà Lạt ra hoa hai lần trong một năm hoặc kéo dài thời gian ra hoa hơn bình thường từ tháng 1 đến tháng 5 vẫn lác đác ra hoa. 

Đây là điều bất bình thường và là hệ quả của môi trường bị thay đổi nhiệt độ nóng lên hơn và lượng mưa cũng nhiều hơn.

Đà Lạt đang bị ô nhiễm nguồn nước, đất bị thoái hóa, bệnh dịch phát triển. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc lạm dụng nhà kính và lối canh tác chuyên canh. Để khắc phục, nông dân buộc phải sử dụng thuốc hóa học. Vùng nông nghiệp Đà Lạt lâm vào vòng luẩn quẩn, hậu quả càng lúc càng nặng.

Đây không còn là kịch bản mà là câu chuyện đang xảy ra. Đất trong khu vực Đà Lạt và Lạc Dương dưới nhà kính đang có sự tích lũy kim loại nặng Cu, Zn, Cr, Mn, Pb, Hg nhiều hơn do sử dụng nước chưa qua xử lý để tưới. Một số nơi mới khai hoang làm nhà kính, asen đang tích lũy khá cao trong đất.

Một vùng tiểu khí hậu cực đoan đã hình thành trong và quanh Đà Lạt. Nhà kính đang vây bọc lấy vùng dân cư. Quy hoạch Đà Lạt xưa đến nay, vùng dân cư tập trung ở thung lũng, triền đồi thấp. 

Cấu trúc địa hình Đà Lạt từ khi có quy hoạch đến nay không thay đổi nhiều và dân cư vùng trung tâm ngoài thụ hưởng giá trị quy hoạch rừng trong thành phố - thành phố trong rừng thì còn được hưởng giá trị cộng hưởng từ vành đai xanh là vùng nông nghiệp, rừng nguyên sinh ở quanh thành phố.

Vùng vành đai có giá trị điều hòa khí hậu ở vùng trung tâm. Như hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng càng lúc càng lớn. Ở vùng trung tâm, mật độ xây dựng tăng nhanh.

Những hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính tôi nói ở trên như thay đổi nhiệt độ, ô nhiễm nước, không khí không chỉ khu trú trong phạm vi những khu nhà kính. Hậu quả đó đổ dồn vào khu trung tâm.

Những năm gần đây, những trận lũ liên tiếp xuất hiện ở hạ nguồn suối Cam Ly. Nhà kính đã bao phủ một diện tích lớn đất đai tạo nên một vùng lớn gần như không có khả năng thấm, thoát nước. Toàn bộ nước mưa đổ ra suối trong một thời gian ngắn đã gây ra lũ.

Đà Lạt, cao nguyên Lang Biang là đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai và Sêrêpôk nên ô nhiễm nông nghiệp, biến đổi khí hậu ở đây sẽ ảnh hưởng rất rộng.

Những người quản lý đã định nghĩa chưa đủ về nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo người dân cũng hiểu sai. Khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới) trong khi công nghệ cao còn những yếu tố như giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động...

Ở Tây Bắc, ruộng bậc thang của người Mông đã được công nhận là di sản văn hóa và được gìn giữ tạo nên sự đặc sản trong sản phẩm du lịch nơi đây. Ruộng bậc thang rau hoa của Đà Lạt cũng xứng đáng như thế, tiếc thay nó đã bị phủ nhà kính trước khi được thế giới công nhận.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồ (ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM):

Cần luật hóa hệ số thấm với nhà kính

Nguyen Ho

Kiến trúc sư Nguyễn Hồ

Các đô thị ở nước ta hiện nay nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng, đường sá bị ngập đột ngột khi mưa cho dù không lớn, đang là một vấn đề khá nghiêm trọng.

Với Đà Lạt, bên cạnh những nguyên nhân khác thì việc phát triển ồ ạt nhà kính để canh tác nông nghiệp, đặc biệt tại vị trí đầu nguồn nước như suối Cam Ly, chính là lý do gây ra ngập lụt cho thành phố khi có mưa. 

Nguyên nhân thì nhiều nhà khoa học đã nêu ra, liên quan đến hệ số thấm đã bị thay đổi.

Để giải quyết vấn đề trên, cần có giải pháp làm chậm lại dòng chảy bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, mà trong đó biện pháp tạm chứa, tăng cường thấm là khả quan và hữu hiệu tức thì. 

Cụ thể là tính toán xây dựng các bể chứa nước mưa cùng với hệ thống thoát chậm, để thu gom được toàn bộ hoặc phần lớn thể tích nước trong một cơn mưa trung bình điển hình.

Rất tiếc là trong bộ tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam hiện nay chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể cho vấn đề này, điều đó dẫn đến hệ quả là cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng của Nhà nước không có cơ sở áp dụng để yêu cầu các chủ đầu tư nhà kính phải thực hiện nghĩa vụ của họ với cộng đồng. 

Ở đây tôi muốn nói đến việc cấp thiết luật hóa vấn đề hệ số thấm trong xây dựng nhà kính.

Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần phải nhanh chóng cùng kết hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu và ban hành các quy định liên quan. Việc này sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết một cách căn cơ vấn nạn ngập lụt tại đường phố Đà Lạt mỗi khi mưa xuống.

Ông Nguyễn Văn Châu (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng):

Cần có quy định về tỉ lệ nhà kính

Nguyen Van Chau

Ông Nguyễn Văn Châu

Trước mắt cần khuyến cáo nông dân dần dần thay đổi công nghệ nhà kính, xa hơn sẽ quy hoạch những vùng sản xuất nhà kính phù hợp với cảnh quan chung, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của vùng sản xuất nhà kính lên đô thị Đà Lạt nói riêng và hệ sinh thái cao nguyên Lâm Viên nói chung.

Chúng tôi nhìn nhận nhà kính là một phương thức canh tác năng suất cao nhưng nhiều tác động tiêu cực, giải pháp trước mắt cần tính đến là giảm tỉ lệ nhà kính trên một diện tích canh tác nhằm tạo ra khoảng thở cho đất, tăng hệ số thấm, giảm thiểu phát thải nông nghiệp và thoái hóa đất.

Chuyện này cần phải hình thành quy định. Hiện Lâm Đồng đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, đây là kế hoạch dài hơi đã được phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng nông sản nhưng cũng gắn với việc giảm dần nhà kính, cải thiện môi trường nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, phù hợp với cảnh quan chung, gần gũi với hoạt động du lịch canh nông.

Tiến sĩ Lee Hyun Suk (Viện Tài nguyên sinh học quốc gia Hàn Quốc):

Nhiều giải pháp cần áp dụng ngay

Da Lat_Nha kinh_7

Đường Phan Đình Phùng (phường 2, Đà Lạt) ngập thành sông sau trận mưa chiều 1-9 - Ảnh: Đ.THỌ

Tôi đã sống ở Đà Lạt 10 năm liên tục để nghiên cứu về đa dạng sinh học. Sự xâm lấn của nhà kính lên cảnh quan với tôi là sự mất mát không hề nhỏ. Tôi biết có một kịch bản rất khắc nghiệt liên quan đến môi trường của Đà Lạt đã xảy ra trong và ngoài lớp nhà màng đó.

Lee Hyun Suk

Tiến sĩ Lee Hyun Suk

Có những biện pháp sau đây cần áp dụng ngay.

Thứ nhất, đưa ra nguyên tắc canh tác luân phiên đối với nhà kính. Có 10 cái thì canh tác trong 7 cái, còn 3 cái dành cho mùa sau. Sau vài mùa thì tháo trần nhà kính để canh tác mở.

Thứ hai, lựa chọn mật độ phù hợp. Hiện ở làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên mật độ nhà kính khoảng 50 - 70%. Ở Hàn Quốc mật độ chỉ có 30% dù có địa hình 70% là đồi núi.

Thứ ba, xóa bỏ nhà kính ngay là bất khả thi. Tôi đề nghị trong lúc đưa ra phương án quản lý nhà kính thì Lâm Đồng và cơ quan quản lý trung ương nên phát triển công nghệ sinh học, cây giống... và triển khai dần để người dân làm quen.

Thứ tư, siết chặt quản lý để người nông dân dần đi vào nề nếp sản xuất thân thiện với môi trường. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản vào những mùa có thời tiết tốt, thiên địch của sâu bọ được đưa vào môi trường hàng loạt để bảo vệ nông sản của người dân.

Không thể nói "hãy nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel mà xem". Sai lắm. Những quốc gia mà người làm nông Đà Lạt hay nhắc đến có khí hậu nóng hoặc lạnh đến mức quá ngưỡng chịu đựng của cây cối nên đành phải dùng nhà kính.

Nhưng đó là biện pháp cuối cùng. Thực tế, nhà kính không phải là công nghệ cao, đó chỉ là một phương án canh tác thôi.

M.V.

Mở rộng diện tích tự nhiên TP Đà Lạt lên hơn 335.900ha

Da Lat_Nha kinh_5

Cần giải tỏa áp lực cho khu trung tâm Đà Lạt đang dày đặc những công trình - Ảnh: M.V.

Dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến 16 bộ, ngành, hiệp hội trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Tăng dần khu chức năng đô thị

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận gồm: TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha.

Nội dung điều chỉnh, quy mô dân số đến năm 2030 là khoảng 1,1 - 1,15 triệu người. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 76%. Dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 850.000 - 900.000 người.

TS Ngô Trung Hải, tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cho biết diện tích nghiên cứu quy hoạch TP Đà Lạt theo đề xuất hiện nay rộng gần bằng diện tích lập quy hoạch thủ đô Hà Nội năm 2010 nhưng dân số chỉ bằng 10% thủ đô Hà Nội khi đó.

Với dự thảo quy hoạch đang được lập, TP Đà Lạt được định hướng phát triển trở thành TP thương hiệu toàn cầu, điểm đến nổi tiếng trên thế giới về du lịch, với loại hình du lịch độc đáo, các khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf đẳng cấp quốc tế, có công trình kiến trúc đặc biệt, và khu vui chơi có kèm sòng bạc kiểu "không ngủ".

Hạn chế tăng dân số khu trung tâm Đà Lạt

Việc điều chỉnh tăng quy mô dân số Đà Lạt cùng quá trình mở rộng đô thị là cần thiết nhưng theo góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần hạn chế tăng dân số đô thị trung tâm Đà Lạt, cần duy trì mật độ dân cư thấp ở khu vực trung tâm, hướng tới việc thành lập TP Đà Lạt trực thuộc trung ương với chùm, chuỗi đô thị quanh Đà Lạt hiện hữu.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị việc lập quy hoạch TP Đà Lạt những năm tới phải bảo đảm không tăng áp lực dân số khu vực trung tâm hiện hữu TP Đà Lạt, không tăng chiều cao công trình xây dựng, làm thay đổi cảnh quan hiện hữu của Đà Lạt hiện nay.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng kiến nghị phải giữ được một tỉ lệ đất nông nghiệp trong khu vực đô thị Đà Lạt để bảo đảm sự phát triển đô thị bền vững.

Tuy nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp với những nhà phủ ni lông bao vây TP Đà Lạt hiện nay đưa lại hình ảnh không đẹp, không thân thiện với cảnh quan TP. Vì thế, quy hoạch TP những năm tới cần nghiên cứu giải pháp phù hợp hơn, ưu tiên tạo cảnh quan sinh thái tự nhiên.

Trong bối cảnh hiện tại, quy hoạch Đà Lạt đang được định hướng thế nào?

Xây dựng trung tâm mới giải tỏa cho Đà Lạt

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần nghiên cứu xây dựng những trung tâm mới đủ sức thu nạp khách du lịch và dân cư như khu trung tâm nghiên cứu khoa học dịch vụ tổng hợp nhằm giải tỏa áp lực cho vùng trung tâm Đà Lạt hiện nay.

Quy hoạch TP Đà Lạt cần nghiên cứu phát triển các đô thị vệ tinh như Liên Nghĩa - Liên Khương, phát triển đa dạng đô thị sân bay để chia sẻ áp lực với vùng trung tâm TP.

B.NGỌC

Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa rồi...

Da Lat_Nha kinh_6

Nội ô Đà Lạt dày đặc những công trình bê tông - Ảnh: M.V.

Nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ bày tỏ sự xót xa tiếc nuối khi xứ ngàn thông thơ mộng nay vừa nóng, vừa ngập lụt khi mưa lớn, vừa xô bồ xấu xí... Nhiều giải pháp từ góc nhìn của người dân được đưa ra.

* Bạn đọc Trần Quang Thu đầy tiếc nuối: "Đà Lạt làm gì còn là TP cao nguyên thơ mộng! Từ trên cao nhìn xuống, nào là nhà kính trồng rẫy ken đặc, mọc trùng trùng điệp điệp, trắng xóa chói lóa mắt, không thấy đâu là núi, đâu là rừng thông. Từ trên cao nhìn xuống, nào là bê tông cốt thép mọc dày đặc, san phẳng đồi thông, đè bẹp thảm cỏ.

Dưới đất nhìn quanh, nào là biệt thự với lối kiến trúc lai căng hỗn tạp, Tây không ra Tây - Tàu không ra Tàu, nào là khu dân cư chen vai hỗn tạp cộng với nhựa đường bít lối các con dốc nhỏ với đám rẫy xanh tươi hai bên đường.

Những cuộc di dân tự phát, cộng với trình độ quản lý, trình độ chuyên môn quy hoạch, tầm nhìn hạn chế của cán bộ "chức năng" đang góp phần tàn phá dung nhan, hủy diệt bản sắc vốn có trước đây của một Đà Lạt "hiền hòa, mộng mơ" trong thơ ca và âm nhạc!".

* Bạn đọc tên Thúy chia sẻ: "Tôi rất yêu Đà Lạt mặc dù tôi không phải là dân Đà Lạt. Tôi lên Đà Lạt năm 1989. Ký ức rất đẹp với không khí trong lành, khí hậu lạnh buốt và sương mù. Một Đà Lạt lãng mạn. Còn bây giờ thì khí hậu nắng nóng, mưa ngập...".

* Bạn đọc Nang Nguyễn cũng ngao ngán: "Xưa kia, người Pháp muốn tìm địa điểm có khí hậu tương tự vùng ôn đới để làm nơi nghỉ dưỡng cho giới cấp cao của họ, họ tìm ra ba địa điểm: Đà Lạt ở miền Nam, Bà Nà ở miền Trung và Sa Pa ở miền Bắc. Trong ba nơi chỉ có Đà Lạt là nơi họ quy hoạch và xây dựng khá hoàn chỉnh.

Là nơi ở của giới thượng lưu nên quy hoạch cũ sẽ không phù hợp với hiện tại, do đó việc làm Đà Lạt hồi phục như xưa là không thể và bất khả thi (quy hoạch cũ không chỉ hạn chế số lượng công trình (biệt thự) mà cả dân cư sinh sống).

Dĩ nhiên hiện trạng Đà Lạt là cần phải chỉnh trang (để ít nhất du khách đến lần một còn muốn đến lần hai), theo tôi, việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian (có thể phải hàng chục năm)".

* Bạn đọc Sơn Nguyễn: "Vấn đề quy hoạch Đà Lạt tồn tại nhiều bất cập, tầm nhìn ngắn hạn và không có sự quản lý chặt chẽ. Đường Phan Đình Phùng sửa mất mấy năm trời, vừa xong cách đây hai tháng lại ngập nặng. Khu Ấp Ánh Sáng trung tâm Đà Lạt quy hoạch treo đã 20 năm làm nhếch nhác bộ mặt trung tâm TP...".

* Bạn đọc Nguyên Võ nói: "Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần lập một ban khảo sát đánh giá về thực trạng hạ tầng đô thị và giải pháp lâu dài cho quy hoạch chỉnh trang cảnh quan Đà Lạt.

Có thể mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn và đưa ra giải pháp chỉnh trang hạ tầng và phương cách quản lý căn cơ nhất tình trạng xây dựng bát nháo nhà cao tầng tràn lan hiện nay. Làm nhanh chứ không sẽ phá vỡ hết cảnh quan thiên nhiên TP xinh đẹp hiếm có của Việt Nam".

(CÁT KHUÊ tổng hợp)

Đà Lạt Đà Lạt 'bất ngờ ngập' vì rác, nhà kính, bê tông

TTO - Trận ngập "chấn động” Đà Lạt chiều 1-9 khiến nhiều chuyên gia quan tâm. Rác, nhà kính và bê tông lấy hết không gian thoát nước, khiến Đà Lạt cứ mưa to là ngập.

MAI VINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên