10/07/2022 08:18 GMT+7

Cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát: Mất mát lớn với nước Nhật và thế giới

GS STEPHEN NAGY (khoa nghiên cứu chính trị và quốc tế, ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế tại Tokyo) - D.KIM THOA chuyển ngữ
GS STEPHEN NAGY (khoa nghiên cứu chính trị và quốc tế, ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế tại Tokyo) - D.KIM THOA chuyển ngữ

TTO - Trong những năm ông Abe Shinzo tại nhiệm, Nhật Bản được nhìn nhận là quốc gia có chính sách ngoại giao đa phương và đã đầu tư những nguồn lực rất đáng kể vào khu vực Đông Nam Á, Nam Á.

Cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát: Mất mát lớn với nước Nhật và thế giới - Ảnh 1.

Từ trái qua: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 4-11-2019 - Ảnh (tư liệu): Reuters

Là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử hiện đại Nhật Bản, di sản của ông Abe gắn chặt với chính sách ngoại giao chủ động đã đưa nước Nhật trở lại bản đồ địa chính trị giúp tạo dựng quan hệ gắn bó mật thiết với các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc, Việt Nam và Đông Nam Á, châu Âu... 

Điều này được xây dựng trên nền tảng tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, vốn mang dấu ấn đặc biệt của ông Abe.

Tầm nhìn "xoay trục"

Tầm nhìn này tập trung vào cách tiếp cận các vấn đề quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật lệ nhằm củng cố các quan hệ ngoại giao, phát triển hạ tầng, sự kết nối và xây dựng những thông lệ chung trong phương thức đàm phán và xây dựng một tầm nhìn chung cho khu vực.

Dù đó là ai - Thủ tướng Ấn Độ Modi Narendra, cựu thủ tướng Scott Morrison của Úc, các cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump hay đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Abe Shinzo cũng đã luôn được họ coi là một chính khách quan trọng, nếu không muốn nói là một chính khách có tầm nhìn "xoay trục" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mang lại sự ổn định và định hướng phát triển cho khu vực.

Riêng với Đông Nam Á, ông Abe Shinzo đã tới thăm từng nước ở khu vực này nhiều lần khi nắm quyền. Ông cũng đã rất ủng hộ cho việc thúc đẩy sự hợp nhất khu vực trên toàn ASEAN, để khối này có thể hành động với các quyết định tự chủ chiến lược hơn trong vấn đề Biển Đông và mở rộng thêm bên trong khu vực.

Giống như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm khác của Nhật, ông Abe cũng đã dành rất nhiều vốn liếng ngoại giao và chính trị to lớn của mình để giúp các nước Đông Nam Á như Việt Nam có thể xây dựng năng lực tự chủ của họ trong việc quản lý Bộ nhận thức về các vấn đề hàng hải (MDA), cũng như mời các nước này tham gia những hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP).

Thực sự ông Abe đã coi các nước như Việt Nam, Indonesia và Singapore như những đồng minh chủ chốt trong việc xây dựng một tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên những lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực.

Trong nước, ông nỗ lực vực dậy nền kinh tế Nhật thông qua các chính sách nới lỏng một số quy định trong khuôn khổ chiến lược kinh tế của ông (Abenomics) và đã thành công cho tới khi ông từ nhiệm vào tháng 8-2020 vì bệnh tật.

Biệt tài hành xử cân bằng

Dù có quan điểm bảo thủ và lập trường cứng rắn trước các động thái quả quyết của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng ông Abe cũng là người đã nỗ lực khai thông quan hệ Nhật - Trung vào năm 2019 sau những rạn nứt trước đó. 

Năm 2019, ông thăm Bắc Kinh và có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà kết quả sau đó là hơn 50 thỏa thuận về các dự án kết nối và phát triển hạ tầng ở các nước thứ ba trên toàn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Abe cũng là người đã thúc đẩy nhiều thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vì hiểu rõ tương lai kinh tế bền vững của Nhật Bản sẽ gắn liền với một quan hệ cân bằng, bền vững với Trung Quốc.

Nếu không phải vì dịch COVID-19 bùng lên từ tháng 1-2020, hẳn chúng ta sẽ chứng kiến một văn kiện chính trị thứ 5 được ký kết giữa hai nhà lãnh đạo Abe Shinzo và Tập Cận Bình. Đó sẽ là văn kiện về khuôn khổ hành động để hai nước xây dựng quan hệ song phương trong 10 năm tới.

Cố thủ tướng Abe được đánh giá là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và có biệt tài trong cách xử trí các mối quan hệ với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Nam Á. Việc ông thông báo từ nhiệm vào tháng 8-2020, cũng như thảm kịch bất ngờ xảy đến với ông vào ngày 8-7 vừa qua, đều đã mau chóng nhận được phản hồi chia sẻ và thương tiếc từ rất nhiều lãnh đạo các nước.

Ông Abe cũng được cho là một chính khách có tầm nhìn cho khu vực, một tầm nhìn hiểu rõ sự cân bằng Nhật Bản nên có trong hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời vạch rõ những lằn ranh đỏ trong một số vấn đề cụ thể khác.

Vào thời điểm này thực sự chưa thể xác quyết những hệ quả nào sẽ đến sau sự ra đi của ông Abe trong bối cảnh chính trị của nước Nhật. Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là di sản về chính sách đối ngoại của ông ấy được định hình thông qua sự ủng hộ chủ động với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, nhấn mạnh một trật tự dựa trên luật lệ, sự quản trị tốt, phát triển và hợp tác. Và quan trọng là sự ủng hộ không chỉ vì an ninh của nước Nhật trong khu vực, mà còn là sự hỗ trợ các mối quan ngại an ninh của những bên liên quan trong cùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Abe Shinzo… rất là Việt Nam

nguyen tan dung abe shinzo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong chuyến thăm Việt Nam của ông Abe vào tháng 1-2013 - Ảnh tư liệu: TTXVN

"Nhật Bản và Việt Nam bắt đầu gắn bó với nhau từ thế kỷ 16, 17. Hơn nữa, người dân hai nước còn có nhiều điểm tương đồng như văn hóa dùng đũa, gạo là lương thực chính và cùng theo đạo Phật. Sự hấp dẫn của Việt Nam đã làm mê hoặc rất nhiều du khách Nhật Bản…".

Đó là những lời ông Abe Shinzo trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 1-2013, chỉ một tháng sau khi ông đắc cử thủ tướng Nhật Bản. Những người Việt yêu mến cố thủ tướng Abe sẽ không hoài nghi tấm chân tình và vai trò lớn lao của ông trong việc vun đắp mối quan hệ "đối tác chiến lược sâu rộng" Việt Nam - Nhật Bản.

Cuối năm 2013, nhân dịp hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Nhật Bản và được đón tiếp nồng hậu.

Tại cuộc họp báo chung, thủ tướng Abe Shinzo nói: "Núi Phú Sĩ vừa được công nhận là di sản thế giới, hôm qua nhà tôi và phu nhân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm núi Phú Sĩ. Ngày hôm qua trời rất đẹp, đó là biểu hiện của một tương lai tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản".

Không chỉ có những lợi ích chung, Việt Nam - Nhật Bản có sự tương đồng và chia sẻ sâu sắc cùng nhau về đời sống, văn hóa. Cũng trong chuyến thăm này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể: "Trong cuộc chiêu đãi của thủ tướng Nhật vừa qua, tôi có ngồi cạnh một người từng là nghị sĩ Nhật Bản. Ông kể có lần ông sang Việt Nam du lịch về vùng nông thôn, đến tỉnh Lạng Sơn thì gặp một đám ma và nhìn hình ảnh ấy ông cảm thấy như mình đang ở Nhật".

Có lẽ vì mối tương đồng ấy, cố thủ tướng Abe Shinzo không những mong muốn "kết nối hai nền kinh tế Việt - Nhật" (lắng nghe ông nhiều lần, tôi thấy ông thường sử dụng từ "kết nối" thay vì dùng những từ khác như "hợp tác", "quan hệ"…), mà còn thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình "giao lưu nhân dân" giữa hai nước. Có lẽ ông muốn từ gốc rễ văn hóa để vun đắp mối lương duyên vững bền cho hai đất nước thâm tình.

Từ viễn kiến ấy, số người Việt sinh sống, học tập tại Nhật Bản đã tăng lên rất nhanh chỉ trong một thập niên qua, đến nay trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại đất nước mặt trời mọc.

Nếu như ông Abe dành cho Việt Nam tình cảm đặc biệt từ trái tim thì ông đã tận tụy vun đắp mối quan hệ Việt - Nhật bởi tầm nhìn cao rộng của một nhà lãnh đạo xuất chúng. Điều này cũng phù hợp với lý tưởng chính trị của Abe Shinzo là chấn hưng nước Nhật trong châu Á - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và phồn thịnh.

Ông còn được người Việt Nam yêu mến bởi hình tượng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng bình dị, mẫu mực. Hình ảnh ông dùng bữa cơm đạm bạc hay cúi gập người chào một cụ già giữa đường làng được rất nhiều người Việt chia sẻ, mến mộ. Sự mến mộ và đồng cảm ấy khiến nhiều người thấy Abe Shinzo… rất là Việt Nam và đau đớn tiễn đưa ông.

LÊ KIÊN

Cảnh sát Nhật thừa nhận có sơ sót an ninh khiến ông Abe bị ám sát Cảnh sát Nhật thừa nhận có sơ sót an ninh khiến ông Abe bị ám sát

TTO - Cảnh sát tỉnh Nara của Nhật Bản thừa nhận có "vấn đề" trong công tác đảm bảo an toàn cho cựu thủ tướng Abe Shinzo, dẫn tới cái chết của một trong những chính khách nổi tiếng nhất Nhật Bản.

GS STEPHEN NAGY (khoa nghiên cứu chính trị và quốc tế, ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế tại Tokyo) - D.KIM THOA chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên