21/07/2023 12:47 GMT+7

Cựu cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị đề nghị 9-10 năm tù

Ông Trần Hùng bị đề nghị 9-10 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để giúp một chủ sách lậu không bị xử lý hình sự.

Bị cáo Trần Hùng tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Trần Hùng tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 21-7, sau hai ngày xét xử, Viện KSND TP Hà Nội nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Trần Hùng và 33 bị cáo trong vụ án sản xuất 27.000 quyển sách giáo khoa giả.

Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt ông Trần Hùng 9-10 năm tù về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội môi giới hối lộ. Mức án này trùng với thời gian đã tạm giam Hải nên viện kiểm sát đề nghị trả tự do cho bị cáo tại tòa.

Ba bị cáo khác tại Đội quản lý thị trường số 17 bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị đề nghị các mức án thấp nhất từ 18-24 tháng tù cho hưởng án treo đến cao nhất là 30-36 tháng tù.

Trong nhóm bị cáo sản xuất, buôn bán hàng giả, Cao Thị Minh Thuận bị đề nghị 11-12 năm tù. 

31 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24-30 tháng tù cho hưởng án treo đến 7-8 năm tù.

Viện kiểm sát cho rằng vụ án là điển hình cho sai phạm về sản xuất hàng giả. Để xảy ra sai phạm còn có trách nhiệm của cán bộ tuyến đầu phòng chống gian lận thương mại và trực tiếp là Đội quản lý thị trường số 17 cùng tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường.

Duy nhất ông Trần Hùng kêu oan

Tại tòa, 35/36 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội. Duy nhất bị cáo Trần Hùng kêu oan.

Tuy nhiên căn cứ các lời khai, kết quả thực nghiệm, sơ đồ do người đưa tiền vẽ và các chứng cứ thu thập được, viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ xác định ông Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Viện kiểm sát xác định tháng 7-2020, Đội quản lý thị trường số 17 phối hợp tổ 304 - nơi ông Trần Hùng làm tổ trưởng - kiểm tra công ty của bà Thuận, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.

Bà Thuận thấy ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo vụ việc nên đã nhắn tin, điện thoại nhờ giúp đỡ "chỉ đạo để xử lý nhẹ vụ việc". Ông Trần Hùng đồng ý "tha" với yêu cầu bà Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.

Vì lo sợ vẫn bị xử lý hình sự nên bà Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đặt vấn đề chi 400 triệu đồng đưa cho ông Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.

Hải đã gặp ông Hùng đặt vấn đề chi 400 triệu và xin bỏ qua vụ việc buôn sách lậu.

Ngày 15-7-2020, Hải cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Trần Hùng. Tại đây Hải đã gọi điện để ông Hùng nói chuyện với bà Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.

Theo viện kiểm sát, sau đó ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện giúp đỡ bà Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.

Cũng theo cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2021, Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cùng nhóm đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo Dục, với tổng trị giá theo giá in trên bìa sách là hơn 260 tỉ đồng.

Nhóm của bà Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cảnh sát thu giữ.

Vì sao cựu cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị bắt?Vì sao cựu cục phó quản lý thị trường Trần Hùng bị bắt?

TTO - Đường dây sản xuất tiêu thụ sách giả từng bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, bắt giữ số lượng lớn nhưng lại “xử lý nhẹ”, không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, từ đó tạo điều kiện cho đường dây này tiếp tục hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên