Thông tin phát đi từ công ty này đã chia sẻ được rất nhiều đối với những người dân mắc bệnh hiểm nghèo đến Sài Gòn chữa bệnh.
Qua sông coi Mèo đi hiaNhững bữa cơm nghĩa tình
Phóng to |
Xe trung chuyển Phương Trang chở khách miễn phí đến Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh chụp lúc 3g ngày 10-9) - Ảnh: Quang Định |
Xe chất lượng cao... miễn phí
6g, các xe chở khách từ các tỉnh miền Tây đều đặn đổ khách trước trạm trung chuyển của nhà xe Phương Trang trong bến xe miền Tây. Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, người điều hành xe trung chuyển, tíu tít sắp xếp những chiếc xe bảy chỗ đưa khách đến 15 địa điểm là các BV trên địa bàn TP.
“Thường người dân đi từ rất sớm để xếp hàng khám chữa bệnh, có khi lên tới bến xe chỉ mới 2g sáng. Nếu để họ ngồi vạ vật ở đâu đó rất tội nên công ty đã sắp xếp xe trung chuyển đưa họ vào địa điểm mà họ cần đến”.
Một xe khách từ TP Cần Thơ vừa tới, ba người mệt mỏi xuống xe ngồi tạm chiếc ghế trong nhà chờ và chìa những chiếc vé có đính kèm vé phụ đưa cho anh Thịnh: “Tôi đến BV Chợ Rẫy, nhưng ông xã nhà tôi mệt quá nên nghỉ một lát đã”. Đó là hai vợ chồng ông Lê Chí Hòa (Q.Bình Thủy, Cần Thơ) đến BV Chợ Rẫy để tái khám sau đợt xạ trị một tháng.
Đi cùng cha mẹ, chị Lê Thị Hoa (24 tuổi) cho biết: “Khi lên xe thì đăng ký với nhà xe để được nhận vé trung chuyển, có xe trung chuyển thế này cũng đỡ lắm, vừa đỡ lạc đường lại vừa đỡ tốn tiền thuê xe ôm hoặc taxi”.
Chị Hoa cũng cho biết lần đầu tiên lên TP cũng là đưa cha đi chữa bệnh, đường sá không biết, BV ở đâu cũng không rõ. Vậy nên được nhà xe đưa đến tận BV thế này thì thật tốt quá. “Giảm được rất nhiều chi phí đi lại và bớt lóng ngóng cho những người ở quê ra”, chị nói.
Ngoài hãng xe Phương Trang miễn phí chở khách đến 15 BV tại Sài Gòn từ bến xe miền Tây như BV Hùng Vương, BV Chợ Rẫy, BV An Bình, BV Nguyễn Trãi, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Đồng 1, BV Nhân dân 115, Viện Tim, BV Bình Dân, BV Từ Dũ... hãng xe khách Thành Bưởi cũng chở khách miễn phí đến một số BV trong TP như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y dược, Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch...
Theo anh Thịnh, hằng ngày nhà xe Phương Trang bố trí đưa khách đến BV từ 2-9 g với 23 xe trung chuyển lớn và nhỏ: “Trung bình mỗi chuyến xe có khoảng 30% số khách sẽ đi xe trung chuyển đến BV.
Tuy nhiên không phải tất cả những người này đều đến BV để khám chữa bệnh, nhiều người có nhà ở khu vực gần đó họ cũng đăng ký đi xe cho tiện”.
Phóng to |
Làm việc thiện ngủ ngon hơn
Rẽ vào bến xe miền Đông, tìm cổng số 1, đi về cuối bến sẽ thấy một quán nước nho nhỏ có tên: quán giải khát Sinh viên. Đó là quán nước của hai vợ chồng chạy xe ôm, cũng là nơi nhiều bác tài xe ôm trong bến ngồi uống ly cà phê chờ xếp tài.
Đây là địa điểm mà mỗi mùa thi ĐH, CĐ, hễ có cô cậu học trò nhà nghèo nào từ tỉnh mới lên Sài Gòn, đến kêu xe vào trung tâm TP sẽ được chở miễn phí.
Vợ chồng chủ quán khá “nổi tiếng” vì: “Tui được lên báo từ năm 1988, hồi đó cũng chạy xe ôm không lấy tiền của người nghèo mà”- ông Thạch Ngọc Khanh nói. Chỉ tay qua bà xã - bà Võ Thị Nguyệt - ông khoe: “Còn bả thì được lên truyền hình, lên phim luôn rồi. Phim đem chiếu ở nước ngoài hẳn hoi. Phim về người phụ nữ chạy xe ôm”. Hai vợ chồng ông Khanh ngày ngày vẫn mặc đồng phục xe ôm, dậy từ 4g chạy từ Hóc Môn lên bến xe miền Đông mưu sinh.
Vừa châm xong bình trà đá cho khách, bà Nguyệt rơm rớm nước mắt, nhớ lại: “Nhắc tới cha con ông già đó tới bây giờ tui còn muốn khóc. Bữa đó tui nhận cuốc xe chở hai cha con ổng về đường Điện Biên Phủ tìm nhà trọ. Ông già quê ở Bình Phước, nhìn kham khổ lắm. Ổng mới mổ ruột, chuyện bài tiết còn phải treo thêm cái bịch bên hông mà phải lặn lội vô Sài Gòn đưa con đi thi ĐH. Tới nơi, ổng nhét vô tay tui 30.000 đồng. Tui không lấy tiền. Mình nghèo thiệt nhưng còn sức khỏe, không chạy cuốc này thì còn cuốc khác. Ông già nhận lại tiền, cảm ơn tui rồi đứng khóc”.
Mùa thi, nhóm sinh viên tình nguyện cứ hay chạy tới kêu: “Má Nguyệt ơi, trường hợp này khó khăn nghen má!”. Bà chỉ cười, khoát tay: “Thì khó khăn má chở theo kiểu khó khăn, không sao hết”! Nhiều năm làm xe ôm tình nguyện tiếp sức mùa thi, bà Nguyệt đúc kết: “Cứ mùa thi là mình phải chạy cho lẹ để còn đưa rước tụi nhỏ được nhiều chuyến. Ngày cao điểm một mình tui vòng lên vòng xuống từ bến xe miền Đông ra quận 3, quận 5, quận 6... cả mấy chục chuyến là chuyện thường”.
Gần 30 năm chạy xe ôm, ông Thạch Ngọc Khanh không nhớ hết những lần mình chạy xe chở khách mà không lấy tiền. Ông nhớ nhất là cuốc xe chở hai cha con từ bến xe về nhà thờ Chính Lộ, Q.Bình Thạnh. “Thấy họ là người dân tộc, lại có vẻ nghèo cực nên tui ngã giá có 10.000 đồng/cuốc xe chở cả hai người. Trên đường đi, ông già kể là để có tiền dắt con vô Sài Gòn thi chuyến này, ổng phải bán cặp chó với bầy gà ở quê. Nghe mà tội, nỡ lòng nào lấy 10.000 đồng từ tiền bán gà, bán chó của ổng” - ông Khanh kể.
Làm quần quật nhiều năm mà hai vợ chồng ông Khanh chỉ đủ tiền thuê nhà trọ ở. Mới rồi, nữ diễn viên Hồng Ánh và ban quản lý bến xe có giúp đỡ hai vợ chồng ông mở được quán nước ở cuối bến xe. “Quán nằm mé trong cùng, vợ chồng tui lại không quen chèo kéo nên cũng ít có khách vô. Khách của quán chủ yếu là đồng nghiệp chạy xe ôm, mấy đứa sinh viên tình nguyện, học trò nghèo...
Cánh xe ôm đồng nghiệp thì bán giá hữu nghị, tụi nhỏ là học trò bán giảm giá. Tới mùa tiếp sức mùa thi, tui hay mua xương heo, củ cải về nấu nước lèo cho mấy đứa sinh viên qua đổ mì gói, mua thêm hành ngò, giá sống bỏ thêm cho tụi nhỏ ăn ngon miệng” - bà Nguyệt bộc bạch.
“Tui học hết lớp 8, bả thì hết lớp 9. Mấy đứa con tui cũng chỉ được học tới lớp 10 là hết cỡ. Cả nhà chỉ có thằng cháu ngoại học cao nhất, năm nay lên lớp 11. Ngày xưa nhà nghèo đâu có điều kiện học hành tới nơi. Không có học thì cả đời khổ, bây giờ thấy tụi nhỏ ham học, mình dù còn nghèo nhưng giúp được tụi nó bao nhiêu thì giúp hết mình”- ông Khanh tâm huyết. Ngồi kế bên chồng, bà Nguyệt thêm vào: “Tui đã tự hứa với lòng là chừng nào còn sức, còn chạy xe ôm được là tui còn chở miễn phí cho học trò nghèo, còn giúp người lỡ đường, lỡ vận”.
Ông Đỗ Ngọc Huệ, tài xế xe ôm ở bến xe miền Đông, cũng là một bác tài giàu lòng hào hiệp, sẵn sàng chạy miễn phí, chạy giá hữu nghị cho học sinh và người nghèo, cơ nhỡ. Ông Huệ còn nổi tiếng vì những cuốc xe từ thiện nhiều khi đi tới tận Phước Long (Bình Phước), Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Ông tâm sự: “Mỗi ngày trung bình tui kiếm được chừng 150.000 đồng, trang trải hết cho cuộc sống chứ không để dành được gì. Nhưng kiếm được đủ ăn là tốt rồi, có sức thì làm việc thiện giúp người khổ hơn mình. Hổng biết sao chớ từ ngày tui làm việc thiện tối về ngủ ngon. Chứng gai cột sống của tui tự nhiên cũng hết...”. |
____________________
Kỳ tới: Sẻ chia... chỗ ở
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận