Sức ép chuyển đổi sang logistics xanh đang rất lớn
Cuộc đua chuyển đổi xanh tại thị trường vận tải, logistics Việt Nam ngày càng sôi động khi doanh nghiệp "ngoại" đang ồ ạt đầu tư, vẫn lo doanh nghiệp nội loay hoay trước xu hướng này.
Nhiều tập đoàn logistics lớn của thế giới đã đi trước thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia cam kết.
Để có giải pháp cụ thể cho logistics xanh là câu hỏi được đặt ra, bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải carbon, áp dụng mô hình sản xuất xanh, logistics xanh.
Tại hội thảo logistics xanh - nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đồng bằng sông Cửu Long do Sở Công Thương TP Cần Thơ, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) và JGL Vietnam tổ chức mới đây, ông Đỗ Xuân Quang - phó tổng giám đốc Vietjet, nói về logistics xanh là cả một chuỗi mắt xích, khó cũng thúc làm vì đây là xu hướng.
Trong đó, cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích vận tải xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận...
Thậm chí, ông Quang chỉ ra cần áp dụng logistics ngược là tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu; tái sản xuất và tân trang…
Khi các mắt xích đó đều "xanh" thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp ngoại đua chuyển đổi logistics xanh tại Việt Nam. Hồi tháng 6-2024, hãng tàu Maersk xin nhập khẩu 12 xe tải điện hạng nặng, hạng nhẹ, có thể mở rộng tới hơn 100 phương tiện vào năm 2030 cùng hệ thống các trạm sạc đồng bộ được lắp đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM để tập trung vào nhóm vận tải chặng đầu và chặng giữa cho các khách hàng chủ chốt của Maersk.
Dù chi phí đầu tư trong giai đoạn thí điểm chỉ khoảng 3 triệu USD nhưng đây là bước đi đường dài, mang tính chiến lược của Maersk. Mục tiêu Maersk tiếp cận các chân hàng lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vốn đang rất coi trọng việc giảm phát thải.
Các chuyên gia, doanh nghiệp Hàn Quốc và Singapore quan tâm đến việc chuyển đổi phương thức vận chuyển thân thiện môi trường tại Việt Nam.
Ông Sang Hoon Lee, chủ tịch Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA), khuyến nghị chuyển đổi xe điện và xe hybrid để giảm lượng khí thải carbon và logistics xanh là yếu tố then chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Logistics xanh nâng cao năng lực hàng xuất khẩu
Ông Hà Vũ Sơn, giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho hay chi phí cho hoạt động logistics các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 16,8%, đóng góp 5-6% GDP. Nhận thức đúng vai trò của logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn tới quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Sơn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long là 68 tỉ USD, trong đó Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hằng năm Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỉ USD, trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo.
Sắp tới Cần Thơ sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu áp dụng các giải pháp về logistics xanh sẽ góp phần tận dụng tối đa, hiệu quả để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng thách thức của việc áp dụng hoạt động logistics xanh tại Việt Nam khi hạ tầng và nguồn lực tài chính, trong đó năng lực tài chính của doanh nghiệp là yếu tố bên trong có tác động lớn nhất tới quá trình phát triển logistics xanh.
Nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp logistics, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vận tải, kho bãi đối với việc xanh hóa ngành logistics còn chưa đúng và đủ.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, trong cuộc đua chuyển đổi xanh Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín chỉ carbon...
Vận tải xanh như thế nào?
Theo các chuyên gia logistics, vận tải xanh được thực hiện thông qua 2 cách thức phổ biến gồm: thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid và sử dụng nhiên liệu sinh học và các loại nhiên liệu bền vững.
Vận tải xanh còn bao gồm các hoạt động tối ưu hóa khả năng chuyên chở, lộ trình vận chuyển nhờ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong giao hàng chặng cuối.
Thậm chí, việc thay đổi phương thức vận chuyển từ đường bộ sang đường thủy, đường sắt được một số doanh nghiệp áp dụng đã khả thi về mặt kinh tế và môi trường.
Ví dụ như Công ty Sapporo Vietnam Ltd chuyển đổi phương thức vận chuyển sản phẩm đồ uống từ nhà máy ở Long An đến người tiêu dùng phía Bắc từ đường bộ sang đường thủy từ năm 2020. Ước tính lượng phát thải khí nhà kính hằng năm giảm 450 tấn CO₂.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận