27/06/2024 14:19 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh

'Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero'.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: VIỆT HẢI

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: VIỆT HẢI

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết như vậy tại diễn đàn "Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường" lần thứ 8-2024 với chủ đề "Kinh tế xanh - trách nhiệm của nhà sản xuất", do báo Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức sáng 27-6, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lấy kinh doanh xanh là chiến lược, lợi thế cạnh tranh. "Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero", ông Thành nói.

Tuy nhiên, theo ông Thành, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng nên chưa có chuyển biến rõ nét.

Theo ông Thành, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của đại biểu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên, môi trường.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại diễn đàn - Ảnh: VIỆT HẢI

Các diễn giả tham gia thảo luận tại diễn đàn - Ảnh: VIỆT HẢI

Phát biểu tại diễn đàn, bà Chu Thị Kim Thanh - giám đốc vận hành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) - cho biết: "Bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất".

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững chính là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình. 

Kế hoạch năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì đã qua sử dụng cho các doanh nghiệp.

Bà Chu Thị Kim Thanh, giám đốc vận hành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam - Ảnh: VIỆT HẢI

Bà Chu Thị Kim Thanh, giám đốc vận hành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam - Ảnh: VIỆT HẢI

Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Trần Quang Dũng cho biết đơn vị này luôn khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và trách nhiệm trong quá trình hoạt động.

"Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia. Đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường, hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn…", ông Dũng cho biết thêm.

Đáng chú ý, tại diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh (thuộc Hội Nhà báo Việt Nam) do nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phó chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ - đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng báo chí phát triển xanh lần thứ nhất (năm 2023 - 2025).

Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, truyền cảm hứng đến những người làm báo - Ảnh: VIỆT HẢI

Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, truyền cảm hứng đến những người làm báo - Ảnh: VIỆT HẢI

Nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc.

Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15 - 20% và năm 2045 đạt khoảng 25 - 30% trong nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.

Tỉ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn năm 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh.

Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD. Năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 ha canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha) và có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Cần chính sách ổn định, minh bạch cho chuyển đổi xanh để phát triển bền vữngCần chính sách ổn định, minh bạch cho chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Để tăng cường sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào việc cải cách chính sách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên