Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày 24-2-2022, Chính phủ Mỹ luôn ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong cuộc chiến. Khoản viện trợ Mỹ cho Ukraine đã lên tới 113 tỉ USD. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của người Mỹ dành cho Ukraine đã suy yếu.
Nhà khoa học chính trị Jessica Trisko Darden, tác giả cuốn sách Aiding and Abetting: US Foreign Assistance and State Violence (Giúp đỡ và tiếp tay: Viện trợ nước ngoài của Mỹ và Bạo lực nhà nước), giải thích những nỗ lực gần đây của Hạ viện - do Đảng Cộng hòa kiểm soát - nhằm trì hoãn viện trợ cho Ukraine.
Ông lý giải 5 điểm quan trọng về viện trợ Mỹ cho Ukraine trên báo Asia Times.
Hai phái ủng hộ và phản bác nói gì?
Cho đến nay, Mỹ đã phê duyệt khoảng 113 tỉ USD viện trợ cho Ukraine thông qua 4 khoản phân bổ khẩn cấp bổ sung. Trong đó, khoản hỗ trợ quân sự chiếm 62,3 tỉ USD.
Những người ủng hộ viện trợ của Mỹ chỉ ra: phần lớn hỗ trợ quân sự cho Ukraine thực sự là hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Họ cũng cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đang tàn phá tài sản quân sự của Nga.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine làm cạn kiệt kho dự trữ quân sự và suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ.
Những người khác kêu gọi tăng cường giám sát viện trợ Ukraine, do chính phủ nước này có lịch sử tham nhũng.
Chính quyền Tổng thống Biden yêu cầu viện trợ gì cho Ukraine?
Yêu cầu hiện tại trước Hạ viện Mỹ bao gồm 105 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, Israel, Đài Loan và biên giới phía Nam nước Mỹ. Trong đó hơn 61 tỉ USD dành cho Ukraine, và các hoạt động biên giới của Mỹ chỉ được phân bổ 6,4 tỉ USD.
Gói viện trợ này tách biệt với dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng được Thượng viện và Hạ viện thông qua vào ngày 13-12 và ngày 14‐12, bao gồm 600 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và tài trợ cho việc thành lập cơ quan tổng thanh tra đặc biệt giám sát viện trợ Ukraine.
Lý do khiến Quốc hội Mỹ trì hoãn
Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã từ chối thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp của chính quyền Tổng thống Biden nếu không kèm theo cam kết bổ sung về việc tăng cường an ninh ở biên giới phía Nam nước Mỹ.
Một số nhà lập pháp vẫn phản đối dự luật chi tiêu khẩn cấp bổ sung và muốn thấy khoản viện trợ này của Ukraine được lồng ghép vào ngân sách thường xuyên của năm 2024.
Ukraine sẽ làm gì nếu không có viện trợ của Mỹ?
Lựa chọn khả dĩ đối với Ukraine là tìm kiếm sự đóng góp nhiều hơn từ các quốc gia ủng hộ ngoài Mỹ.
Cho đến nay, 46 quốc gia đã cung cấp một số hình thức viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhật Bản đã đóng góp hơn 7 tỉ USD viện trợ kinh tế. Liên minh châu Âu cung cấp phần hỗ trợ tài chính lớn nhất với gần 80 tỉ USD.
Nhưng không có quốc gia nào có nguồn lực quân sự sẵn có để thay thế viện trợ Mỹ.
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ đứng ở đâu trong vấn đề này?
Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa có nhiều quan điểm khác nhau về viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley là người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis lại phản đối.
Ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine có kết thúc vào năm 2024, các cuộc tranh luận tại Quốc hội về việc hỗ trợ Ukraine sẽ vẫn tiếp tục, bất kể ai được bầu làm tổng thống. Bởi Mỹ sẽ là một trong những nhà tài trợ chính giúp tái thiết Ukraine - quốc gia chịu thiệt hại ước tính khoảng 150 tỉ USD do chiến sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận