17/12/2024 15:16 GMT+7

Cứ va chạm là cự cãi, đánh nhau, vì sao nhiều người dễ nổi nóng?

Từ một số vụ va chạm dẫn đến xung đột mà nguyên nhân chỉ là những lý do 'lãng xẹt', nhiều ý kiến đặt ra: có phải nhiều người Việt đang dễ nổi nóng?

Cứ va chạm là cự cãi, đánh nhau, vì sao nhiều người dễ nổi nóng? - Ảnh 1.

Một số thanh niên hung hãn lao vào đánh nhau ngay giữa đường sau va chạm - Ảnh: NG.HIỂN

Nhiều thông tin trên báo chí gần đây cho thấy khi ra đường, có những việc tưởng chừng nhỏ lại trở thành chuyện lớn.

Gần đây mạng xã hội rộ cảnh một thanh niên liên tục tát, đấm, thậm chí đạp cô gái sau va chạm trên đường ở quận 4 (TP.HCM).

Hay trước đó đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên đi xe máy ở quận Bình Tân, TP.HCM giơ chân đạp mạnh vào tay lái một người đàn ông chạy cùng chiều.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công gửi đến Tuổi Trẻ Online những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Muốn người khác nhường mình, còn mình lại không nhường người khác

Từ góc nhìn chuyên môn tâm lý cho thấy chúng ta khi sinh ra không hẳn đã mang sẵn hung tính cũng như thiện lành, tử tế… Những hành vi này là hệ quả bởi nhiều yếu tố tác động.

Trong đó từ ngoại cảnh, môi trường giáo dục nhà trường, gia đình, cùng với đó là hành vi bản năng kiểu tự vệ bị chi phối bởi từng kiểu khí chất.

Trước hết về yếu tố ngoại cảnh. Đó là tình trạng kẹt xe trên các đô thị, điều này dễ tạo ra cho người đi đường tâm lý căng thẳng, dễ làm con người ức chế, dồn nén, "giận cá chém thớt".

Chỉ cần một tác động nhỏ có thể bộc lộ xung năng mạnh mẽ (chửi bới, bắt người khác bồi thường, động thủ, thậm chí gây ra án mạng), không ai chịu nhường ai.

Điều kiện kinh tế - xã hội cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi hung tính của một số người.

Một bộ phận do áp lực về kinh tế, nhất là khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bất ổn về kinh tế gia đình, các khoản thu nhập của cá nhân đã làm cho họ luôn trong tâm trạng muốn nổi đóa, khó có thể kiểm soát được cảm xúc, hành vi bản thân khi gặp điều không vừa ý.

Không ít người có tâm lý ăn thua, ghen tỵ, cá nhân, hiếu thắng luôn cho mình là đúng…

Khi va chạm, cái tôi cá nhân quá mức làm ai cũng khẳng định mình là đúng, tâm lý "quyền lực" cá nhân làm cho họ thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc và dễ động thủ để bảo vệ mình.

Một số người thích được người khác nhường đường, nhưng không chịu nhường cho người khác đã dẫn đến tranh giành, va chạm và xung đột.

Ngoài ra, sự nóng nảy do trạng thái hưng phấn mạnh của hệ thần kinh cũng làm con người ta có những phản ứng thái quá...

Dạy trẻ cách chia sẻ, bao dung

Để ngăn ngừa sự hung hãn, coi thường pháp luật là trách nhiệm chủ yếu của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhất thiết phải bắt nguồn từ gia đình bằng sự yêu thương, chia sẻ, bằng cách giáo dục lấy hướng thiện và tử tế làm nền tảng, được đặt lên hàng đầu.

Mỗi gia đình, cha mẹ biết kiềm chế bản thân, không nên có hành vi bạo lực trước mặt con trẻ.

Cha mẹ hãy giúp trẻ học những bài học hướng thiện ngay từ khi con trẻ còn nhỏ, và hướng dẫn con giải quyết xung đột một cách mềm mỏng, khéo léo…

Nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Giới trẻ nói chung nên được tạo điều kiện tham gia các hoạt động tình nguyện tại các địa phương như: chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo…

Từ sự trải nghiệm đó sẽ giúp các bạn trẻ không chỉ nâng cao hiểu biết, mà còn thể hiện được lòng nhân từ, bao dung, chia sẻ với người khác.

Bên cạnh đó, cần lên án và xử lý thói hung hãn ở các học sinh ngay trong nhà trường. Điều đó vừa là bài học cho tập thể vừa sửa chữa, uốn nắn hành vi xấu của mỗi cá nhân.

Đặc biệt, các khóa đào tạo lái xe cần chú ý đến việc hướng dẫn, giúp đỡ học viên kiểm soát được cảm xúc bản thân, biết đồng cảm chia sẻ, không cố chấp.

Khi va chạm giao thông, hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác, giảm nguy cơ đối đầu và hãy luôn cho rằng người khác chỉ vì một sự cố cấp bách nào đó mà họ dẫn đến va chạm.

Luôn đặt phương châm mà các cụ thường hay nói: "Một điều nhịn chín điều lành", "Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng".

Xử phạt là phần ngọn, gốc vấn đề là văn hóa giao thông

Suy cho cùng xử phạt nặng đến mức nào đối với hành vi bạo lực, gây hấn khi thực hiện giao thông chỉ là giải quyết phần ngọn.

Giải pháp cần tập trung vào gốc rễ là việc nâng cao hành vi văn hóa giao thông, tăng cường ứng dụng công nghệ giám sát, phân luồng giao thông hiệu quả, chủ động giáo dục tuyên truyền.

Giáo dục có thể làm thay đổi hung tính, bản tính côn đồ nếu hướng đến các giải pháp mang tính gốc rễ.

Va chạm trên đường dẫn đến đánh nhau, không phải bản chất mà là... 'giận cá chém thớt'? - Ảnh 2.Khi giấy phép lái xe đặt trên bàn thờ

Sau những vụ tai nạn giao thông liên quan đến 'ma men', nếu như có tiếng 'giá như' chắc tất cả lái xe đều muốn nói: Giá như đã uống rượu bia thì đừng lái xe!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên