15/12/2024 10:56 GMT+7

Trộm cắp nắp cống, dây cáp ngầm đèn đường, cần xử lý nghiêm những hành vi phá hoại này

Cần phải xử lý nghiêm hành vi trộm cắp nắp cống, dây cáp ngầm... không thể coi đó là trộm cắp vặt.

Nhận diện mức độ nghiêm trọng hơn đối với hành vi trộm cắp vặt các công trình hạ tầng - Ảnh 1.

Hiện trường trụ đèn đường cao tốc bị kẻ gian cắt trộm dây cáp - Ảnh: VĨNH PHÚ

Vào cuối tháng 11 vừa qua, gần 1.300m dây cáp ngầm dùng cho hệ thống chiếu sáng trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, đã bị cắt trộm.

Nắp cống - "miếng mồi ngon"

Kẻ gian đã lợi dụng khu vực cống hộp để tiếp cận và thực hiện hành vi, sau đó che giấu dấu vết. Thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu đồng.

Từng có nhiều vụ trộm cắp vặt đối với các công trình hạ tầng. Nắp cống dọc các tuyến đường, nhất là ở các khu đô thị mới, luôn là "miếng mồi ngon" mà các đối tượng trộm cắp nhắm tới.

Hồi tháng 7-2024, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã phát hiện Đỗ Văn Đoàn đang dùng ô tô chở 14 nắp cống thoát nước ăn trộm được.

Người này thừa nhận đã thực hiện ba vụ trộm nắp cống ở các khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự. Tổng giá trị tài sản đánh cắp khoảng 80 triệu đồng.

Tháng 8-2024, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) bắt giữ nhóm trộm cắp hàng loạt nắp cống trên nhiều tuyến đường để bán sắt vụn.

Ngày 24-5-2023, qua tuần tra tuyến xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đơn vị quản lý BOT xa lộ Hà Nội nhiều lần phát hiện các tấm đan bê tông cốt thép đậy các rãnh thoát nước thường xuyên bị kẻ xấu đập phá gây hư hỏng với số lượng lớn.

Đơn vị chức năng cho biết trộm đập phá các tấm đan để lấy thép bên trong bán phế liệu. Có khoảng 300 tấm bị đập phá.

Năm 2022, tại cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM) xuất hiện tình trạng hàng loạt nắp chắn rác thoát nước bị các đối tượng lấy trộm. Theo đơn vị thi công, trên cầu ban đầu có 108 nắp chắn rác, và chỉ còn lại 64 cái.

Các điểm mua phế liệu không ngoài cuộc

Hết nắp cống, nắp chắn rác đến dây cáp chiếu sáng công cộng bị trộm cắp vặt hoành hành. Dư luận hết sức bất bình mỗi khi xuất hiện hành vi đáng lên án này.

Bởi ngoài mất mát giá trị vật chất, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng kinh tế thì việc lấy trộm các tài sản phục vụ cho sự vận hành của các công trình hạ tầng công cộng tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Đặc biệt là nguy cơ gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường khi nắp cống, nắp chắn rác, dây cáp hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường bị lấy cắp.

Đã có không ít trường hợp bị xử phạt vì tội trộm cắp nhưng trên thực tế vẫn diễn ra.

Các hành vi trên là đặc biệt nghiêm trọng khi trực tiếp đe dọa tính mạng con người. 

Thế nhưng một số ý kiến vẫn cho rằng tội trộm cắp tài sản này là trộm cắp vặt.

Thiết nghĩ cần phải điều tra tận gốc rễ của những vụ việc này, lần ra cả người mua tải sản trộm cắp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Cần thiết sửa đổi quy định và nâng mức xử lý nặng hơn để đảm bảo tính răn đe, bao gồm tăng cường mức độ xử lý theo pháp luật hình sự, cũng như triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ.

Hãy xem đó vừa là trộm cắp, vừa mang tính phá hoại tài sản công để cần thiết phải có quy định rõ đối với việc lấy trộm các tài sản này.

Hành vi trộm cắp tài sản thuộc cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm cáp điện, nắp cống và các vật liệu kim loại, cần được nhận diện mức độ nghiêm trọng hơn bởi những hậu quả kinh tế, xã hội và an ninh, an toàn cho người đi đường mà nó gây ra.

Nhất là đối với hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng như điện, nước và viễn thông cần có các bản án nghiêm khắc để răn đe nhằm bảo vệ tài sản công.

Hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi cố ý phá hoại hoặc trộm cắp liên quan công trình hạ tầng không chỉ để ngăn ngừa kẻ có ý định thực hiện, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản công cộng. 

Các tài sản chung như nắp cống, nắp chắn rác, dây cáp… thường được làm bằng các vật liệu tái chế tốt hoặc bằng các kim loại có giá trị như gang, sắt hoặc đồng thau nên rất dễ bị trộm để bán phế liệu.

Vì thế cũng nên xử lý nghiêm các điểm phế liệu chuyên thu mua các loại hàng này là hành vi đồng lõa, nhằm triệt tiêu thị trường tiêu thụ tài sản bị đánh cắp.

Liệu có nên yêu cầu điểm kinh doanh lưu giữ hồ sơ chi tiết về tất cả các giao dịch mua bán phế liệu, như thông tin về người bán, loại phế liệu, trọng lượng, giá cả… để lực lượng chức năng dễ dàng truy xét các giao dịch nghi vấn, tìm ra thủ phạm trộm cắp vặt liên quan công trình hạ tầng?

Ngoài ra cần có các biện pháp phòng ngừa còn bao gồm cả việc sử dụng công nghệ đánh dấu và giám sát để dễ dàng truy tìm nguồn gốc của vật liệu bị đánh cắp.

Thiết nghĩ nếu áp dụng những biện pháp này nghiêm túc, đặc biệt kết hợp giữa pháp luật nghiêm minh và giám sát chặt chẽ, vấn nạn trộm cắp tài sản các công trình công cộng, hạ tầng có thể được kiểm soát hiệu quả hơn.

Trộm cắp nắp cống, dây cáp ngầm đèn đường có phải là trộm cắp vặt? - Ảnh 3.Trộm cắp tài sản nơi công cộng: Làm sao trị tận gốc?

TTO - Theo bạn đọc Phạm Văn Chung, người dân tuyệt đối không nên xem nhẹ và coi đó là trách nhiệm riêng của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan chức năng, mà phải xem đó là trách nhiệm của toàn xã hội mới hy vọng trị dứt điểm vấn nạn này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên