02/12/2024 16:15 GMT+7

Nếu biết mình là ai, sẽ hạn chế chuyện 'ngáo' quyền lực

Chuyện 'ngáo' quyền lực hiện nay không phải hiếm. Sự ảo tưởng sức mạnh do 'ngáo' quyền lực sẽ để lại những hậu họa khôn lường.

Nếu biết mình là ai, sẽ hạn chế được chuyện 'ngáo' quyền lực - Ảnh 1.

Nhóm vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới ở trung tâm TP Thanh Hóa - Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Như đã thông tin, ngày 29-11, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh có đoàn xe đám cưới, được một nhóm người mặc trang phục vệ sĩ ra giữa đường điều tiết, hướng dẫn các xe cộ để đoàn xe đám cưới đi qua.

Một vệ sĩ ra đầu thú do liên quan vụ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa

Sau khi mạng xã hội lan truyền đoạn video, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra, tạm giữ hình sự 4 người để điều tra.

Rất nhiều ý kiến bạn đọc đã hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng và bày tỏ ý kiến ủng hộ việc xử lý nghiêm để góp phần răn đe những vụ việc tương tự.

Sau đây là chia sẻ của tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công gửi đến Tuổi Trẻ Online.

Khi tài xế, nhân viên giữ xe... "ra oai"

Tôi có một anh bạn làm trong một công ty kể: "Ở công ty này tôi là sếp của rất nhiều người nhưng thực tế lại phải nghe lời một người, là anh lái xe cho công ty. Nhiều khi cấp dưới của tôi còn nghe lời anh ta hơn cả tôi nữa".

Tôi thắc mắc thì bạn tôi tiếp tục trần tình: "Có gì đâu, cậu lái xe thuộc thành phần quen biết rộng, có qua lại với nhiều người. Đã vậy, lúc nào cũng tháp tùng với sếp, đi đâu cũng giới thiệu mình là thân tín của sếp nên mọi người có vẻ nể nang đôi chút".

Theo anh bạn của tôi, thậm chí có những chuyện thuộc về chuyên môn, nhân sự... của công ty anh ta cũng tham gia tư vấn và vẫn có người hỏi han, tin tưởng.

"Đôi khi cũng muốn nhắc nhở sự lạm quyền này của tài xế nhưng ngại, sợ mất đoàn kết. Thôi thì im lặng cho yên chuyện", anh bạn tôi chia sẻ.

Câu chuyện thứ hai là trường hợp một người giữ xe "ngáo" quyền lực mà tôi trực tiếp chứng kiến.

Đó là một lần đi viếng một vị nguyên là lãnh đạo công ty, khách đến viếng rất đông, các đoàn và cá nhân đến viếng phải đăng ký theo thứ tự. Đoàn của chúng tôi đến muộn nên nghĩ là phải chờ gần trưa mới vào viếng được.

Vì công việc gấp gáp nên một nhân viên trong đoàn chúng tôi lên trao đổi với ban tổ chức, tuy nhiên cũng không được chấp nhận.

Đang lúc chờ đợi thì một anh giữ xe chạy đến chỗ chúng tôi và nói: "Các anh ở xa đến viếng à, hôm nay mọi người đến đông nên các anh chắc phải chờ đến chiều mới viếng được. Nếu muốn viếng được sớm thì tôi giúp các anh, với tôi thì đơn giản lắm".

Một người trong đoàn trao đổi gì đó với anh giữ xe, đại khái là nhờ anh ta giúp đỡ để vào viếng rồi về cho kịp công việc buổi chiều.

Thế là chỉ khoảng 10 phút sau đoàn của chúng tôi đã được ban tổ chức đọc vào viếng.

Ai cũng ngạc nhiên. Thì ra nhân viên chúng tôi đã lót tay một khoản với anh giữ xe nên được sắp xếp vào trước. Không chỉ đoàn chúng tôi, mà một số đoàn khác cũng "làm luật" với anh giữ xe để được vào viếng trước.

Hóa ra người giữ xe này cũng đầy "quyền hành" có thể sắp xếp, bố trí ngang nhiên, chưa chắc gia chủ hay biết.

"Ngáo" quyền lực, làm sao nhận diện?

Thực tế tại một số cơ quan, công ty, hiện tượng nhân viên thâu tóm quyền lực mềm vẫn xảy ra. Đó là sự hình thành phe phái, thu phục người khác nghe và tin theo cá nhân đó, cho dù không biết đúng sai, phải trái…

Vụ việc vệ sĩ dẹp đường điều tiết xe cộ cho một đoàn xe đám cưới đi qua ở Thanh Hóa cũng vậy.

Thứ nhất, những người bị "ngáo" quyền lực vì có lẽ họ không biết mình là ai.

Thứ hai, nếu không có sự "tiếp tay" của một số người muốn "đi tắt đón đầu", chắc chắn những người này sẽ không có cơ hội "ra oai" như thế!

Hiện tượng "ngáo" quyền lực diễn ra trong xã hội không phải là chuyện hiếm. Chỉ là lúc ẩn, lúc hiện, nó xuất hiện trên nhiều phương diện, có lúc công khai, có lúc ngấm ngầm.

Đó được xem là uy tín giả, kiểu uy tín này ban đầu có thể lấy được lòng mọi người nhưng thực tế nó không phản ánh đúng bản chất.

Kiểu uy tín này chủ yếu không phải dựa trên năng lực thực sự và đạo đức của chính họ, mà đôi khi nó được xây dựng trên những yếu tố mang tính chất thủ đoạn, lừa bịp.

Họ nghĩ rằng mọi người cũng chẳng hiểu, sự giả hiệu này dẫn đến hiện tượng "cuồng ngôn", làm đánh mất chính mình, thậm chí là kiêu ngạo.

Khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc thì tìm mọi cách cho rằng thiếu hiểu biết về pháp luật, về các quy định...

"Ngáo" quyền lực để lại hậu quả khôn lường

Cần phải có sự chung tay của nhiều người để kịp thời nhận diện, xử lý nghiêm chuyện "ngáo" quyền lực. Đó là mỗi chúng ta không a dua, không "đi tắt đón đầu".

Các cơ quan chức năng thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm tình trạng lạm quyền, không thể du di cho các trường hợp đổ lỗi do hiểu biết về pháp luật.

Nếu không sẽ có những sai phạm lớn hơn, nguy hiểm hơn nữa. Sự ảo tưởng sức mạnh do "ngáo" quyền lực sẽ để lại những hậu họa khôn lường.

Nếu biết mình là ai, sẽ hạn chế được chuyện 'ngáo' quyền lực - Ảnh 3.Vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới: 'Ngáo' quyền lực, cần xử nghiêm

Liên quan chuyện nhóm vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến bạn đọc đề nghị phải xử lý nghiêm để răn đe việc 'ngáo' quyền lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên