Chủ tịch nước Trần Đại Quang lắng nghe những ý kiến đóng góp của cử tri Hà Hạnh (P.4, Q.3) - Ảnh: Tự Trung |
Bảo vệ quyền lợi ngư dân
Ở đơn vị bầu cử số 1, cử tri Q.3 có những yêu cầu cụ thể với các ứng viên liên quan vấn đề Biển Đông.
Cử tri Phạm Đình Long bức xúc: “Tôi thấy cơ quan chức năng hay nói ngư dân mình bị “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” tấn công, đâm chìm. Ai cũng biết đó là tàu Trung Quốc, sao không nói thẳng như vậy mà phải lảng tránh? Cử tri chúng tôi đề nghị cần nhìn thẳng, gọi đúng bản chất sự việc để có giải pháp ứng phó”.
Các ý kiến khác của cử tri cũng thống nhất việc Trung Quốc đang có những hành động ngày càng trắng trợn ở Biển Đông.
Chia sẻ bức xúc của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng để bảo vệ ngư dân bám biển thì phải tổ chức cho ngư dân đánh bắt theo tập đoàn nhằm hỗ trợ bảo vệ lẫn nhau.
Bên cạnh đó các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ có biện pháp xua đuổi tàu tấn công tàu thuyền ngư dân ta khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền; kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kịp thời thu thập chứng cứ để có tiếng nói với các bên, nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư dân” - chủ tịch nước khẳng định.
Liên quan đến băn khoăn của cử tri về chuyện đạo đức của một bộ phận giới trẻ xuống cấp nghiêm trọng, ứng viên Lâm Đình Thắng, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM, nhìn nhận một thực tế là ngày nay, thanh niên có nhiều sự lựa chọn, nhiều kênh thông tin để tiếp cận. Trong khi đó, phải thừa nhận là có nơi, có lúc tổ chức Đoàn chưa thật sự hấp dẫn và chưa thu hút được đông đảo thanh niên.
Ông Thắng cho rằng chính tổ chức Đoàn phải đổi mới mình, phương thức hoạt động phải hiện đại, mới mẻ hơn để đáp ứng sự quan tâm của xã hội. Ông Thắng cam kết bản thân sẽ nỗ lực trong việc góp phần xây dựng một nền giáo dục công bằng, mọi người dân đều có cơ hội được học hành.
“Không thể để tình trạng chỉ những người giàu, người có quen biết, người có chức tước thì con em họ mới được học trường tốt” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, Hội Sinh viên TP đã có lời hứa: không để cho bạn trẻ nào ở TP bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Trước mắt nếu có bạn nào muốn nâng cao trình độ mà khó khăn có thể liên hệ Thành đoàn sẽ được hỗ trợ.
Ứng cử viên Trần Vĩnh Tuyến trình bày chương trình hành động - Ảnh: Trần Kim Anh |
Phải xin lỗi nếu trễ hẹn với dân, doanh nghiệp
Đó là lời hứa của ứng cử viên Trần Vĩnh Tuyến - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP.HCM - trước cử tri Q.4 chiều 10-5-2016.
Ngoài ông Tuyến, hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại đơn vị bầu cử số 4 (Q.4) còn có ông Trần Hoàng Danh - bí thư Quận ủy Q.4, bà Tân Thị Thúy Hạnh - phó trưởng Phòng tư pháp Q.4, ông Nguyễn Bình Minh - ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên VN và ông Huỳnh Quang Tâm - thượng tá, trưởng Phòng tổ chức cán bộ Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Trước cử tri Q.4, ông Trần Vĩnh Tuyến cam kết trong chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ nỗ lực giảm bớt phiền hà cho người dân, đưa chính quyền đến gần dân, lắng nghe dân và thấu hiểu dân hơn.
“Tất cả hồ sơ trễ hẹn với dân và doanh nghiệp đều phải xin lỗi, nêu rõ lý do và phải hẹn chính xác lần thứ hai. Nếu cán bộ nào không thực hiện được sẽ luân chuyển công tác” - ông Tuyến cam kết.
Bên cạnh đó, ông Tuyến hứa sẽ cố gắng nghiên cứu xây dựng chính quyền điện tử phục vụ dân 24/24 giờ, từ phường đến quận và TP.
Cử tri Huỳnh Công Tấn (P.6, Q.4) hi vọng: “Các ứng cử viên hãy quan tâm hơn đến người nghèo. Một số nơi hộ nghèo tuy không còn nhưng cận nghèo còn nhiều lắm”.
“Mong các vị “cháy hết mình” với lời hứa của mình, đừng lướt qua chương trình hành động rồi để im đó. Hãy thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, còn chúng tôi sẽ giám sát và nhắc nhở các vị” - cử tri Huỳnh Văn Kinh (P.6, Q.4) nói.
Hỗ trợ học sinh sinh viên
Tại buổi tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu HĐND TP khóa IX - đơn vị số 23 (Q.Tân Bình), ứng cử viên: Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tư pháp, Nguyễn Mạnh Cường - bí thư Thành đoàn TP.HCM, Đoàn Văn Đủ - chủ tịch UBND P.10 (Q.Tân Bình), Phạm Thị Hồng Hà - giám đốc Quỹ phát triển đất TP.HCM, giám đốc Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và Lê Nguyễn Minh Quang - tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam.
Ứng cử viên Nguyễn Mạnh Cường cho biết ông quan tâm đến chính sách giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên lao động nghèo, thanh niên công nhân và các thanh niên chưa có công việc ổn định.
“Tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, phản ảnh kịp thời với các cấp chính quyền TP để quan tâm nhiều hơn đến các chính sách giáo dục - đào tạo, đặc biệt là chính sách hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ học nghề cho thanh niên, học sinh, quan tâm đến chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân làm kinh tế, hỗ trợ thành niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Chia sẻ câu chuyện của mình, là một sinh viên từng nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” để tiếp sức đến trường. Nhiều năm qua, ông Lê Nguyễn Minh Quang liên hệ với các bạn từng nhận học bổng lập Quỹ gia đình Vì ngày mai phát triển để hỗ trợ các sinh viên nghèo, hiếu học.
Trong chương trình hành động của mình, ông Lê Nguyễn Minh Quang viết: “Là ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tôi sẽ vận động, là cầu nối để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư, mở rộng sản xuất, thu nhận và đào tạo các học sinh sinh viên tốt nghiệp, tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội, có công việc ổn đình góp phần giúp đỡ gia đình và phát triển xã hội”.
Trong buổi tiếp xúc, các ứng viên giải đáp và tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản ảnh của cử tri, cố gắng hiểu được lòng dân. Như ứng viên Trần Văn Bảy nói: “Biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... thì tốt. Nhưng biết tiếng nói của người dân mới quan trọng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận