24/04/2012 08:09 GMT+7

Cứ thần tượng, nhưng đừng làm đau người thân

NGUYỄN NGỌC
NGUYỄN NGỌC

TTO - Góc nhìn Sùng bái thần tượng, lệch lạc nhân cách? đang nhận được nhiều trao đổi mở rộng từ bạn đọc. Câu hỏi: vì sao một bộ phận bạn trẻ sùng bái thần tượng? vẫn còn đó nhiều đáp án.

Bạn có đồng ý rằng si mê thần tượng cũng cần có giới hạn nhất định? Tránh vì thần tượng mà làm tổn thương những người thân yêu? Bạn nghĩ gì khi người lớn than phiền rằng thần tượng thế hệ trước '"đẹp", "nhân văn" hơn rất nhiều so với thế hệ trẻ bây giờ? Có đúng fan ngày nay thực chất chỉ a dua theo số đông?

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến và chia sẻ quan điểm riêng.

Đặt thần tượng đúng chỗSùng bái thần tượng, lệch lạc nhân cách?Dư luận không thừa nhận cộng đồng fan?

ZQJBvsXk.jpgPhóng to
Các bạn trẻ chen lấn, gào thét tên thần tượng trong đêm diễn của nhóm Big Bang ngày 14-4 tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Si mê cũng cần lúc tỉnh thức

Một lần nọ, xe của gia đình tôi vào bãi đậu, kề sau đó là xe của một danh hài nổi tiếng. Ông đi cùng các con như mọi ông bố bình thường. Chị lớn tôi rất háo hức khi gặp ông ấy nhưng mẹ tôi bảo: "Họ cũng là người bình thường, chúng ta đừng làm phiền sự riêng tư của người khác".

Sau này, trong nhà có chị gái tôi là mặn mòi với làng nghệ. Chị viết thư xin ảnh nghệ sĩ (và bao giờ cũng được hồi đáp bằng một bức ảnh, phía sau có dòng chữ viết tay: Kính tặng cô..., ký tên: nghệ sĩ...), chị lặn lội đi xem hát, thậm chí học thanh nhạc để làm ca sĩ...

Các con còn lại của ba mẹ tôi đều có niềm say mê âm nhạc, phim ảnh… nhưng chưa bao giờ cuồng tới mức thần tượng hóa nghệ sĩ. Dù cũng có vài lần, chúng tôi có dịp tiếp xúc vài nghệ sỹ ở cự ly gần. Nhưng bao giờ cũng là mỉm cười và chào theo phép lịch sự.

Riêng với gia đình chồng tôi thì không thế. Vì công việc, đôi khi chúng tôi có dịp tiếp cận nhiều nghệ sĩ. Bao giờ mẹ chồng, anh chị chồng và các cháu luôn thắc mắc hỏi chúng tôi về họ và khi chúng tôi mô tả đơn giản, họ lại khó chịu.

Cũng vì công việc, chúng tôi luôn gặp khá nhiều bạn trẻ, ôm hoa, gấu bông... lên sân khấu tặng nghệ sĩ. Không đơn giản là yêu thích, họ làm thế chỉ để chứng tỏ bản thân. Để có thể tự hào khoe với nhau. Để cho thấy mình hơn nhiều người!

Si mê thần tượng có gì sai?

Tôi cũng là fan K-pop. Tôi nghĩ si mê hay hâm mộ thần tượng là việc làm không hề sai tí nào, nhưng cái hướng đi của việc hâm mộ thần tượng mới là cái đáng nói. Đừng ''quơ đũa cả nắm''. Tôi rất đau lòng khi các fan bị người lớn phê phán như thế.

Vẫn có nhiều bạn là fan của nhóm nhạc thần tượng hay thần tượng nổi tiếng nhưng các bạn ấy vẫn học tập chăm chỉ, làm vui lòng bố mẹ,không có ai quên công ơn sinh thành của bố mẹ cả.

Thần tượng nước ngoài đến Việt Nam cũng cho thấy một phần nước ta càng ngày càng khẳng định tên tuổi trên thế giới.

Những đứa cháu lớn của tôi suốt ngày vào mạng xem tin giải trí rồi tự hào kể cho ba mẹ, bạn bè những tin tức mà chúng biết. Nhưng khi tôi hỏi chúng, thời gian ấy, công sức ấy, có thể làm nhiều việc hữu ích khác, chúng mở to mắt nhìn tôi - như một kẻ cổ lỗ.

Những đứa cháu nhỏ hơn, chúng không chỉ xem tin tức, mà còn vào những diễn đàn mạng, trút nỗi niềm về tình yêu thần tượng.

Với những cô bé, cậu bé, tôi luôn khuyến khích họ cháy cùng những đam mê. Nhưng thay vì rạch tay, đập đầu, vòi vĩnh cha mẹ cho tiền mua vé đi xem thần tượng, hãy tự kiếm tiền bằng sức của mình. Còn "từ cha, từ mẹ" để chọn thần tượng ư? Cứ tự nhiên ra đường mà sống!

Thần tượng sẽ thực tế, khi ta học ở họ điều hay nghĩa tốt. Chứ còn u u mê mê, mù quáng tụng ca, thì đó chỉ là vỏ rỗng.

Có thể vì lý tưởng sống này mà vợ chồng tôi luôn bị mẹ chồng, chị chồng cho là máu lạnh, không có niềm đam mê.

Những thần tượng như Big Bang, Bi Rain... theo tôi biết, họ được chọn từ những người trẻ và đẹp nhất, tài nhất, được huấn luyên để ca hát, nhảy múa và làm đam mê khán giả - những người sẵn lòng bỏ tiền ra và làm tất cả vì thần tượng. Một guồng quay trong công nghệ giải trí đầy mê hoặc. Mà phía sau là những ông bầu chuyên nghiệp.

Tôi không lên án các nghệ sĩ. Họ cũng chỉ là con người. Tôi cũng không chê trách người hâm mộ, nhưng nếu chỉ có mua vé vào xem trong trật tự thì xem ra cũng hơi buồn. Cái gì cũng phải có phấn khích, ồn ào mới vui. Nhưng cái gì cũng nên có giới hạn. Đam mê cũng cần tỉnh táo, những người trẻ dạo chơi trên mây, hòa mình theo số đông, có lúc cũng cần phải tỉnh thức.

Sinh ta ra là đấng sinh thành, nuôi ta chính là cha mẹ. Và nếu có cuồng si trong đam mê thần tượng thì cũng nên nhớ, đừng vì thần tượng mà làm tổn thương những người sống cạnh ta.

Thần tượng của thế hệ trước đẹp và nhân văn hơn nhiều

Những năm sau ngày giải phóng đất nước, lứa tuổi học trò chúng tôi cũng có thần tượng của mình, họ là những nhà khoa học như Edison, nhà thơ Exenhin, họa sĩ Levitan... hay ở Việt Nam người học giỏi toán có Lê Bá Khánh Trình... Đó là những thần tượng mà chúng tôi suy tôn, luôn tìm đọc, tìm xem những tác phẩm của họ để thấy cái đẹp, cái hay, cái tài của họ mà học hỏi, phấn đấu.

Fan ngày nay, thực chất là a dua theo số đông, không hề biết phân biệt hay dở, tốt xấu một cách thấu đáo. Họ cho rằng người lớn không hiểu nên phê phán họ, chả lẽ người lớn hiểu ít hơn họ sao? Người lớn bây giờ cùng từng đi qua tuổi trẻ như các bạn, sao thần tượng của họ đẹp và nhân văn đến thế.

Dùng năng lượng si mê thần tượng cho việc hữu ích

Tôi nghĩ các bạn trẻ sùng bái thần tượng một cách cuồng si như vậy là tự đánh mất giá trị của bản thân. Lẽ ra các bạn đó có được nhiệt huyết như vậy mà đóng góp vào các chương trình của Đoàn Thanh niên hay một tổ chức từ thiện thì sẽ có nhiều người yêu mến các bạn và tôn trọng các bạn nhiều hơn.

Tại sao các bạn không tự hỏi chính bản thân các bạn rằng nếu các bạn dám sống vì lý tưởng, sống vì lòng tự hào dân tộc thì các bạn có hãnh diện với mọi người hơn không! Tôi mong các bạn trẻ luôn có cái nhìn rộng và xa hơn trong cuộc sống cũng như dám sống vì quê hương, đất nước hay đơn giản hơn là cho gia đình và bản thân các bạn!

Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ?

Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Các bài viết liên quan đến chủ đề "fan cuồng":

Say mê thần tượng cũng cần tự trọng | Chúng tôi không cuồng! | Đáng lo, nhìn từ trường học | Chỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng | “Không phụ thuộc thần tượng quá mức” | Sốt vì Big Bang | Fan... cuồng | Hâm mộ sao để không cuồng? | Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế... | Vất vả giao lưu văn hóa | Chúng tôi không đến mức hóa điên | Đặt thần tượng đúng chỗ | Hâm mộ sao để không cuồng? | Sao cả nhà không cùng “say” thần tượng? | Sùng bái thần tượng, lệch lạc nhân cách? | “Fan... cuồng” nhìn từ Hàn Quốc (*) | Không thể để bạn trẻ thần tượng không phanh | Dư luận không thừa nhận cộng đồng fan? | Chỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng | Fan cuồng trên thế giới

NGUYỄN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên