17/04/2012 11:34 GMT+7

Say mê thần tượng cũng cần tự trọng

Võ Duy Phong
Võ Duy Phong

TTO - Nhiều ý kiến ngay lập tức phản đối lập luận "khóc, xỉu vì thần tượng là lành mạnh", cho rằng sự say mê thái quá nào cũng có vấn đề về tâm lý, thậm chí thiếu hiểu biết và tự trọng.

Trong khi đó các fan vẫn cho rằng khi cảm xúc đến thì tại sao phải cấm và những người "chụp mũ" fan cuồng có đang áp đặt thị hiếu của mình lên người khác không.

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tham gia chia sẻ quan điểm riêng.

Sốt vì Big Bang“Không phụ thuộc thần tượng quá mức”Chúng tôi không đến mức hóa điên

Q5ed6RYP.jpgPhóng to
Không khí nóng hừng hực khi thần tượng Big Bang xuất hiện - Ảnh: Thuận Thắng

Ngất xỉu có được thần tượng chăm sóc?

Thật quá buồn cười khi những fan cuồng đến mức quên cả bản thân, quên cả mình đang đứng ở một quốc gia nào. Để gặp những thần tượng mà phải bỏ ra và đánh đổi nhiều thứ thế. Fan có nghĩ rằng khi thần tượng đúng nghĩa thì dù không gặp được thần tượng, mình vẫn hạnh phúc không.

Bỏ ra một số tiền 2,2 triệu đồng, đừng chờ dưới trời nắng với nhiệt độ 38 độ C, liệu fan cuồng có nghĩ rằng khi họ đau ốm vì thần tượng, ai sẽ là người chăm sóc họ? Hay lại chỉ có người thân chăm lo cho bạn?

Tôi nghĩ phần lớn fan cuồng là con nhà giàu, có nhiều tiền và cả thời gian rảnh. Còn việc học giỏi hay không khi vẫn là fan cuồng thì hai điều này không liên quan gì với nhau. Điều đáng nói ở đây là cuồng đến mức có những hành động không hay như gào thét, ngất xỉu, hạ thấp bản thân mình...

Thần tượng có "sướng" khi bạn phát cuồng?

Các bạn có nghĩ là khi các bạn ái mộ thần tượng một cách điên cuồng như vậy, các thần tượng có chấp nhận cách cuồng của các bạn không hay là họ ái ngại vì cái cách cuồng của các bạn? Bạn thật sự muốn thần tượng của mình phải ái ngại vì sự ái mộ đến điên dại của mình ư?

Bạn còn nhớ câu chuyện về fan hâm mộ cuồng dại của Lưu Đức Hoa? Cô gái vì hâm mộ Lưu Đức Hoa mà người cha của cô gái ấy phải tự tử, nhưng Lưu Đức Hoa vẫn không gặp cô gái ấy vì anh quá sợ những fan cuồng như vậy.

Bạn muốn thần tượng tôn trọng, yêu mến bạn, hay ái ngại và tránh né bạn? Điều đó phụ thuộc nhiều vào cái cách ái mộ của bạn.

Sfumcujw.jpgPhóng to

Một bạn trẻ ngồi chờ nhóm BigBang trước cổng khách sạn Intercontinal, Q.1, TP.HCM từ sáng đến chiều vẫn chưa thấy bóng dáng thần tượng đâu - Ảnh: Thuận Thắng

Cuồng: không sai nhưng đáng buồn!

Tôn trọng quyền được yêu mến thần tượng, thậm chí phát cuồng - đó đúng là chuyện riêng tư, là yêu cầu chính đáng nhưng khi nó đã bày ra trước bàn dân thiên hạ thì đâu là sự riêng tư nữa?

Ở đây còn cho thấy sự a dua, thiếu hiểu biết về văn hóa và truyền thống dân tộc. Hãy tôn trọng chính mình và tôn trọng văn hóa ngàn đời của đất Việt.

Biểu hiện của tâm hồn trống rỗng, thiếu thốn

Tôi không thể hiểu nổi giới trẻ ngày nay nghĩ gì. Họ cho rằng việc gào thét vì thần tượng là bình thường, việc khóc, hay ngất xỉu vì thần tượng là hợp lý. Họ quên mất bài học về lòng tự trọng. Ở những nơi xem biểu diễn nghệ thuật, tạo ra tiếng ồn là hành vi rất kém văn hóa. Nó hợp lý, bình thường ở điểm nào đây?

Tôi thật sự mong các bạn hiểu một điều: một cảm xúc, tình cảm càng được biểu hiện mạnh mẽ thành lời nói, hành động đến mức điên cuồng thì đôi khi là vỏ bọc cho một tâm hồn rỗng, thiếu thốn, nhỏ bé.

nJomZN0N.jpgPhóng to
Bạn trẻ đứng chờ dưới nắng gắt để chờ đón thần tượng Big Bang - Ảnh: Thuận Thắng

Chuyện xã hội chứ không chỉ cá nhân

Bạn có thể thần tượng một người nào đó trong công việc của bạn, để từ đó bạn có thể phấn đấu hơn trong công việc. Bạn có thể thần tượng một ai đó với lối sống của họ, để từ đó bạn có thể sống tốt hơn.

Bạn thần tượng một ca sĩ, nhóm nhạc nào đó thì cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa. Nhưng nếu bạn phát cuồng vì thần tượng thì xã hội có quyền lên tiếng, đây không chỉ là vấn đề của riêng bạn mà là của cả xã hội rồi.

Fan cuồng: ai được lợi?

Người ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về phản ứng của con người trong đám đông quần chúng khi có những yếu tố kích động. Bình thường họ là những người... bình thường. Nhưng khi có yếu tố tác động của đám đông cuồng nhiệt, họ có thể làm theo mà không ý thức hay kiểm soát được bản thân. Vì vậy, trong một số chương trình, có thể nhà tổ chức đã khôn khéo "trà trộn" nhân viên cổ vũ của mình vào đám đông để "kích cầu" các đợt cao trào tình cảm cuồng nhiệt của fan.

Đôi khi có những hành vi rất phản cảm mà chắc lúc bình tĩnh lại người thực hiện hành vi đó có thể tự cảm thấy xấu hổ mà không cần ai lên án hay phê phán. Chẳng hạn như hành vi hôn ghế thần tượng ngồi, kêu la gào khóc quấy đạp như "lên đồng", ngất xỉu... Chẳng cần ai phê phán, vài năm nữa, khi các fan lớn hơn, tự nhìn lại mình và đánh giá bản thân hẳn cũng sẽ suy nghĩ. Nếu là một fan lành mạnh, có biết bao nhiêu cách có văn hóa và tự trọng để bày tỏ tình cảm của mình, đâu nhất thiết phải gào khóc, la hét, rũ rượi như những hình ảnh được đăng trên báo thời gian qua.

Không thể nói thần tượng người khác là hạ thấp mình

Ai cũng lên án tại sao chúng tôi thần tượng những ca sĩ Hàn, thần tượng vậy thì được gì? Các ca sĩ Kpop đều làm việc trong môi trường đào thải rất cao, những cố gắng phấn đấu của họ trước debut không nói làm gì, nhưng sau debut, nếu họ có sơ sẩy một sai sót gì đó dù nhỏ nhất cũng sẽ bị đào thải. Vì vậy mà mỗi khi có bất cứ một lỗi lầm nhỏ nhặt nào đó, họ đều cúi mình xin lỗi báo chí và fan hâm mộ. Chúng tôi học tập điều đó thì không đúng sao?

Còn ở Việt Nam, ca sĩ tối ngày đem nhau ra chửi, tiết lộ thông tin của nhau. Chúng tôi học được cái gì? Học được là có chuyện gì thì đêm lên Facebook mắng nhau hoặc đem lên báo vạch mặt nhau à?

Mọi người nói chúng tôi thần tượng Kpop thì không có ước mơ và lý tưởng và cũng không thể làm ca sĩ. Chúng tôi đâu có ước mơ làm ca sĩ. Chúng tôi chỉ tự hỏi là thần tượng mình đã cố gắng như vậy để thực hiện ước mơ thì tại sao mình không thể?

Tôi cứ thắc mắc là tại sao người lớn cứ thích đánh đồng. Ví dụ như việc hôn ghế Rain ngồi, đó là một người hay một tập thể? Một người thì sao lại có thể đánh đồng tập thể được?

Báo chí Việt Nam cực kỳ không tôn trọng khán giả. Báo chí nước ngoài mỗi khi chụp hình những người không nổi tiếng họ đều bôi mờ ảnh vì họ không muốn phá hỏng cuộc sống bình thường của những người đó. Còn Việt Nam thì mọi thứ đều được bày lên mặt báo, không một câu xin phép, không một lời xin lỗi.

Mọi người trách chúng tôi bỏ số tiền lớn để đi xem các ca sĩ ngoại. Chắc người đó không làm trong ngành truyền thông và giải trí, kinh doanh. Thật ra, nếu ít người làm điều đó thì còn cho là không bình thường, nhưng đây là hàng ngàn người. Chẳng lẽ họ không biết suy nghĩ sao? Một show tầm cỡ quốc tế, ngay tấm vé còn được thiết kế riêng, âm thanh ánh sáng đạt đến độ thực tối đa cho khán giả... Bỏ tiền ra để thưởng thức những văn minh tiến bộ của nhân loại thì có gì sai?

Đừng tự biến mình thành người tầm thường

Các bạn hâm mộ một tài năng xuất sắc của nghệ sĩ là quyền của các bạn. Nhưng nếu cuồng si quá mức thì chính bạn đã tự hạ thấp mình, làm cho mình trong con mắt của mọi người trở thành người quá tầm thường, thấp kém.

Những fan cuồng có thể là kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, sinh viên, công chức... Trong suy nghĩ của cha mẹ, người thân, các bạn đã là thần tượng của họ rồi vì các bạn là người xuất sắc nhất trong gia đình, dòng họ. Thế mà các bạn lại hạ thấp mình quá mức trước những người như Big Bang!

Nếu gia đình, người thân của bạn nhìn thấy hình dạng bạn trên báo ảnh, phương tiện truyền thông (như bị ngất xỉu, nằm trên nền đất dưới trời nóng, quần áo, đầu tóc rối bù...) chắc chắn họ sẽ buồn và thất vọng về thần tượng của họ - chính là bạn đấy!

Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ?

Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Võ Duy Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên