19/04/2012 17:15 GMT+7

Dư luận không thừa nhận cộng đồng fan?

Duy Khang
Duy Khang

TTO - Quan điểm Chỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng tiếp tục nhận được nhiều bình luận của bạn đọc. Có ý kiến cho rằng truyền thông không thể thờ ơ với câu chuyện đậm hơi thở cuộc sống này.

Người hâm mộ (fan) tiếp tục lên tiếng khi cho rằng truyền thông chưa công tâm khi phản ánh về fan, chưa hiểu rõ cụm từ "fan cuồng", chưa thông suốt sức hút của sao Hàn, chưa nhìn thấy những điểm cộng của fan... Chính vì vậy fan yêu cầu xã hội cần có cái nhìn khác về fan.

Sao cha mẹ không khai thác sức hút của thần tượng trong quá trình giáo dục con? Sao không đồng hành cùng những cảm xúc của con?

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tham gia chia sẻ quan điểm riêng.

Đáng lo, nhìn từ trường họcChỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng

R2l0wZr9.jpgPhóng to
Một fan nữ ngất xỉu trong chương trình SoundFest 14-4 có Big Bang biểu diễn, được lực lượng bảo vệ đưa ra ngoài. Trong đêm này có gần 100 người ngất xỉu - Ảnh: Thuận Thắng

Fan chúng tôi sống tốt hơn nhiều người vô cảm

Cứ sau mỗi lần có nghệ sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn là y rằng có rất nhiều chuyện được phương tiện truyền thông mang ra bàn tán, mổ xẻ, nhất là chuyện "fan cuồng".

Tại sao các nghệ sĩ thần tượng của Hàn ở bên các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á luôn được coi trọng, được dành tặng những bài viết hết sức khen ngợi và chào đón thì sang Việt Nam lại không thật sự được như vậy?

Dường như khái niệm đó làm người đọc liên tưởng ngay đến sự tiêu cực đối với một bộ phận fan của các thần tượng K-pop, nhưng không phải ai cũng thật sự hiểu được mặt tích cực còn lại của cái thứ giới truyền thông gọi là “fan cuồng”.

Nhắc đến “fan cuồng”, chắc các bạn đang nghĩ ngay đến một số câu chuyện bài báo đưa tin như kiểu: trốn học để đi đón thần tượng, nhịn ăn chống đối cha mẹ để được đi gặp thần tượng, quỳ khóc trước mặt thần tượng... Tôi không phủ nhận nhưng không phải tất cả “fan cuồng” đều như vậy.

Dường như người đọc đang vơ đũa cả nắm cả một thành phần giới trẻ mà chưa bao giờ nhìn thấy hết và hiểu hết về chúng. Đơn giản phương tiện truyền thông chỉ cần nhìn thấy và lên án, giật tít câu khách người đọc, thế là họ đạt được mục đích của họ, bỏ mặc người khác có cái nhìn sai về vấn đề mà họ đang nói.

Im lặng không giải quyết vấn đề

Các bạn trẻ có quyền không đọc báo, nhưng tôi tin những nhà báo Việt Nam nói chung và những ngòi bút báo Tuổi Trẻ nói riêng sẽ không bao giờ im lặng trước những hình ảnh điên cuồng, lố lăng như thế.

Thiên chức của nhà báo là dùng ngòi bút để vạch rõ lằn ranh đúng sai, trắng đen.

Trong diễn đàn này, Tuổi Trẻ đã rất khách quan, những hình ảnh, lời bình họ đưa ra là sự thật và sự thật luôn có sức mạnh, giá trị hơn bất cứ điều gì.

Có người khi đọc xong đã hỏi lại: “Không biết về sau chúng nó có khóc bố mẹ nó như thế không?”. Tôi chẳng thể hiểu được nhiều người nghĩ gì mà lại hỏi những câu dường như chẳng liên quan như vậy. Nếu chúng tôi có khóc hay không khóc người thân thì nhà báo biết sao?

Đã có ai từng thấy sức mạnh và những mặt tích cực của cộng đồng fan? Sao chưa có ai nhắc đến những điểm tốt như: một cộng đồng fan sau khi xem thần tượng biểu diễn thì đi xung quanh thu dọn rác gọn gàng, đứng chờ thần tượng ở sân bay khi thấy khách nước ngoài đến thăm Việt Nam đều thân thiện hô “Welcome Vietnam"; sau khi thần tượng rời Việt Nam, chúng tôi quay lại khách sạn nơi thần tượng ở để gửi quà cảm ơn các chú bảo vệ và nhân viên khách sạn đã làm việc vất vả và xin lỗi nếu có chúng tôi những hành động thái quá, thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức những sự kiện từ thiện...

Đó còn là một cộng đồng fan mà ngay thời điểm tôi đang viết, họ đang làm hết sức để giúp một cô bé 15 tuổi - thành viên trong cộng đồng fan - giành giật sự sống vì bị ung thư giai đoạn cuối. Dù chúng tôi không thật sự biết về nhau nhưng đơn giản vì chúng tôi cùng là “fan cuồng” . Chúng tôi tự thấy mình “sống tốt” hơn rất nhiều người vô cảm ngoài xã hội.

Tại sao không viết về những điều tích cực của chúng tôi?

Một số người đang tự hỏi thần tượng có cái gì mà lại có một lũ “fan cuồng” ủng hộ. Đa số người biết sơ sơ không tìm hiểu thường nghĩ: sao Hàn có cái gì đâu, được mỗi cái mã đẹp trai, xinh gái, hát cũng tạm được nhưng đa số phẫu thuật chứ có ai xinh tự nhiên đâu! Với nhiều người hiểu biết hơn, họ thấy được tài năng của những thần tượng, nhưng họ nghĩ rằng không cần phải “cuồng” đến như thế.

Đừng biện minh cho hành vi thiếu tự trọng

Bất kỳ hành động nào tác động đến xã hội, đến con người đều có thể (phải) chịu sự đánh giá rằng có tự trọng hay không.

Nếu hành động đó làm người xung quanh khó chịu và "một người bình thường, thăng bằng cảm xúc sẽ không làm như thế", thì đó là một hành vi không tự trọng.

Việc cuồng vì thần tượng, ngất xỉu, hôn ghế, gào thét.... hoàn toàn nằm trong định nghĩa. Xin đừng đặt ra biên giới cho sự đánh giá lòng tự trọng để cổ xúy, bảo vệ, biện minh cho những hành vi không tự trọng.

Thật ra họ không hiểu cũng đúng vì tất cả những cái họ nhìn thấy là phần nổi của hai chữ “thần tượng”: sự nổi tiếng, hào nhoáng, vinh quang... Và vô tình mọi người cho rằng cộng đồng “fan cuồng” chúng tôi thích thần tượng ở những điều đó. Thật ra cái mà chúng tôi thích lại là phần chìm của hai chữ “thần tượng” mà ít ai chịu tìm hiểu đến.

Các thần tượng gian khổ thi tuyển, được đào tạo khắc nghiệt, nỗ lực kiên cường để theo đuổi ước mơ, gặp phải rất nhiều tai nạn, phải làm việc thâu đêm, luôn quan tâm lẫn nhau khi thuộc về một nhóm, luôn được mời làm các đại sự thiện chí và từ thiện...

Vất vả như vậy nhưng đã bao giờ các bạn thấy họ lên tiếng than vãn về lịch làm việc của mình hay công ty quản lý của mình chưa?

Họ vẫn cúi chào 90 độ trong các chương trình, hết lời cảm ơn và khen ngợi công ty quản lý, mua nước và kem cho fan của mình cũng như fan của các nhóm khác, lo lắng khi fan về quá muộn, đưa tiền cho fan đi taxi về khi thời tiết lạnh, luôn quan tâm bảo fan học tập và giữ gìn sức khỏe, gửi lời động viên đến những fan mắc bệnh nan y, chia buồn đến những fan không may từ biệt cuộc sống...

Bạn đã bao giờ thấy một thần tượng trốn các bảo vệ chạy từ tầng 26 xuống để làm trái tim cho fan? Đã bao giờ thấy thần tượng khi sang nước khác lưu diễn vẫn nói rằng nhớ Việt Nam, đã bao giờ thấy idol gửi tin nhắn tới chúc fan của mình mau bình phục? Tôi dám chắc câu trả lời là chưa. Và chắc chắn rằng những cống hiến của họ và sự nổi tiếng của họ trên thế giới thì không ai có thể phủ nhận.

Vậy những người như họ có đáng được chúng tôi noi gương, xem là động lực để phấn đấu trong cuộc sống?

Với nhiều người, bài viết của chúng tôi có thể thiếu khách quan nhưng quyền đánh giá, cảm nhận là ở người đọc. Tôi chỉ muốn nói rằng một phần nào đó trong fan chúng tôi không hề quá sai lệch như mọi người nghĩ. Chúng tôi chưa bao quên rằng chúng tôi là người Việt Nam và luôn không ngừng tự hào vì điều đó. Xin có cái nhìn khác về những con người như chúng tôi .

oxRhFAOg.jpgPhóng to

Bạn trẻ TP.HCM bám theo xe chở Suju khi nhóm này đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào tháng 5-2011- Ảnh: T.T.D.

Hôm nay tôi gào thét, ngày mai tôi đi làm bình thường

Những người chỉ trích các bạn họ chẳng hiểu gì cả. Họ đang nhìn các bạn qua lăng kính "ích kỷ", chỉ muốn các bạn phải giống như họ.

Ngày nay fan chúng ta có quyền thể hiện, biểu lộ tình cảm của mình với thần tượng và chẳng ai trong chúng ta "tự đánh mất bản thân mình cả".

Hôm nay tôi gào thét, bật khóc, ngất xỉu nhưng ngày mai tôi vẫn tới công xưởng làm việc, tôi vẫn yêu quê hương đất nước và đồng bào. Chúng ta tự hào là fan của những nhóm nhạc chạm được vào trái tim chúng ta.

Không thể cho qua

Tôi không đồng ý vin vào lý do Chỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng để cho qua, để ngưng không nói về vấn đề này nữa. Đó là sự lảng tránh, là dấu hiệu của những người không chắc rằng mình đúng.

Có bất đồng, đặc biệt là bất đồng về quan điểm văn hóa thì cả xã hội phải cùng nhau giải quyết. Hôm nay ta không làm cho rõ đúng sai đen trắng, mai này ta sẽ lúng túng trước những hậu quả của sự do dự, yếu mềm ngày trước.

Không được phép yêu mến thần tượng, chúng tôi sẽ ra sao?

Tôi là một fan K-pop. Trước hết, tôi xin có ý kiến về một số bài báo và phản hồi. Các bạn đã bao giờ hâm mộ một ai chưa? Nếu có, chắc hẳn các bạn sẽ rất vui mừng khi gặp thần tượng của mình - đó là phản ứng rất đỗi bình thường. Tùy người mà cảm xúc đó được thể hiện ra sao thôi (có thể âm thầm, cũng có thể cuồng nhiệt).

Nếu chưa có thần tượng thì các bạn đừng nên nói vậy, bởi lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu cảm giác ấy. Việc bỏ tiền xem một đại nhạc hội tầm cỡ nước ngoài là điều rất bình thường (nếu không nói là tất nhiên!).

Chúng tôi được tận mắt nhìn thấy thần tượng của mình, đó là một sự vui mừng. La hét, reo hò là điều khó tránh khỏi. Các bạn nói đó là ồn ào? Vậy đã bao giờ các bạn thấy những người say mê bóng đá xem một trận đấu mà không reo hò không? Mỗi lần có sự kiện thể thao quốc tế, khu vực quanh nhà tôi rất ồn ào. Tôi không thích nhưng cũng chẳng nói gì vì đó là đam mê và cần tôn trọng. Vậy tại sao chúng tôi lại không có được quyền cơ bản đó?

Còn về việc chen lấn. Tại sao các bạn không nhìn vào số lượng người tham gia? Đông như thế thì chen lấn là không tránh khỏi!

Các bạn nói chúng tôi nghe nhạc mà không hiểu gì, cứ thấy lắc lư theo nhạc. Như vậy không thể gọi là một cách hưởng thụ văn hóa, đúng không? Thật thiển cận! Tôi nhớ đã từng xem qua một bộ phim, nữ nhân vật chính đã nói rằng: "Có ba thứ trên thế giới có thể giao tiếp mà không cần ngôn ngữ là: âm nhạc, hội họa và ẩm thực".

Những bức tranh lập thể của Picasso, mọi người nhìn vào có hiểu là gì không? Mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Vậy nhạc giao hưởng của Bethoven có cần lời không? Vậy mà có khối người mê đắm. Nói như các bạn vậy lời khuyên cho trẻ nhỏ nghe nhạc giao hưởng, không chứa tiếng mẹ đẻ là "đầu độc văn hóa" sao?

Chúng tôi yêu mến "họ" không chỉ vì họ đẹp, hát hay, nhảy giỏi. Chúng tôi yêu quá trình bước đến vinh quang của họ. Mồ hôi, máu và cả nước mắt đấy!!! Đâu phải chúng tôi không rút ra bài học gì từ họ.

Tôi không phải là fan Big Bang, tôi thích một nhóm nhạc khác. Tôi học từ họ nhiều điều: tuổi trẻ phải có nhiệt huyết, phải cho đi mới được nhận lại, phải nghiêm khắc với bản thân, vui vẻ với cuộc sống... Như thế có gọi là hủ bại?

Có lẽ chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi bốc đồng trong cảm xúc nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không bốc đồng về tư tưởng. Đa số fan K-pop nói riêng cũng như tất cả đều là những người có học thức, một số còn rất giỏi nữa!! Họ có mơ ước về tương lai không? Có chứ, nhiều là khác. Họ cũng mong có một việc làm ổn định, giúp ích cho xã hội.

Nếu chúng tôi có hơi "quá trớn" thì thành thật xin lỗi với những người thấy chướng mắt. Nhưng tự hỏi nếu cứ ngăn cấm, thậm chí đòi dẹp bỏ tình cảm này của chúng tôi thì chúng tôi sẽ ra sao? Cái gì trong vòng cấm cản cũng mãnh liệt và nguy hiểm. Trong bóng tối, liệu phụ huynh, thầy cô thậm chí nhà chức trách có kiểm soát nổi chúng tôi không? Để rồi khi xảy ra chuyện đáng tiếc lại thốt lên: "Phải chi...".

Các bạn có ở trong gia đình chúng tôi không mà nói chúng tôi không quan tâm đến ba mẹ, gia đình? Có sinh hoạt hằng ngày với chúng tôi không mà bảo chúng tôi vì quá "cuồng" mà bê tha? Đừng "quơ đũa" nữa...

dY3mohiF.jpgPhóng to
Các fan Suju bật khóc khi không được nhìn tận mặt thần tượng tại sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 5-2011 - Ảnh: T.T.D.

Cũng xin gửi các bậc phụ huynh! Chúng con biết ba mẹ luôn yêu thương, quan tâm con cái. Nhưng đừng biến sự quan tâm ấy thành sự tù túng. Nếu muốn hiểu chúng con, xin ba mẹ hãy ngồi xuống bình tâm nghe chúng con nói. Tại sao phải quy đổi mọi việc chúng con làm đều là non nớt?

Chúng con biết trong mắt ba mẹ chúng con mãi bé bỏng. Nhưng hãy để chúng con tự bước đi, có vấp ngã thì đích đến mới xứng đáng. Hãy tin chúng con... Riêng con, con đề xuất ý kiến: tại sao ba mẹ không dùng thần tượng làm mục tiêu phấn đấu cho chúng con.

Ví dụ như: Học bài xong sẽ được vào diễn đàn một giờ, thi tốt sẽ được để dành tiền mua album... Như vậy sẽ có sự gắn kết hơn. Con còn nhớ trước ngày phát sóng lại chương trình "Giao lưu văn hóa Việt - Hàn", mẹ con thấy được lịch phát sóng đã ghi lên bảng học bài và nói: "Biết con thích lắm, mẹ ghi lại, bữa đó ráng học bài nhanh rồi coi!"! Như thế thật là tuyệt! Cảm giác như mẹ tin tưởng mình thật sự rất vui.

Con nghĩ các bậc phụ huynh nên thử xem, sẽ có hiệu quả đấy! Còn bây giờ là suy nghĩ của mình về các bạn "Không có lửa, làm sao có khói?". Việc chúng ta hâm mộ thần tượng là chuyện bình thường nhưng thái độ mới là thứ đáng nói tới.

Tôi không chấp nhận việc các bạn quỳ xuống hôn... cái ghế thần tượng ngồi! Liệu thần tượng của các bạn biết được sẽ nghĩ thế nào? Cảm kích các bạn hay sợ hãi? Những điều như thế này đã khiến ba mẹ chúng ta không an tâm và dư luận lên án K-pop đấy!

Hãy chứng minh cho họ xem chúng ta là những người có văn hóa, chúng ta hâm mộ K-pop là đúng, chúng ta là những fan xứng đáng với thần tượng của mình, những đứa con xứng đáng của gia đình và xã hội.

Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ?

Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Các bài viết liên quan đến chủ đề "fan cuồng":

Say mê thần tượng cũng cần tự trọng | Chúng tôi không cuồng! | Đáng lo, nhìn từ trường học | Chỉ trích fan trẻ, bất đồng càng tăng | “Không phụ thuộc thần tượng quá mức” | Sốt vì Big Bang | Fan... cuồng | Hâm mộ sao để không cuồng? | Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế... | Vất vả giao lưu văn hóa | Chúng tôi không đến mức hóa điên

Duy Khang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên