Ông Lý Huy, đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu và là cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga, cũng sẽ thăm Ba Lan, Pháp, Đức dịp này.
Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ mong muốn làm trung gian giữa Ukraine và Nga để kết thúc cuộc xung đột diễn ra hơn một năm qua.
Chuyến thăm đặc biệt
Ông Lý Huy, đặc phái viên Trung Quốc cho các vấn đề Á - Âu, đã bắt đầu chuyến công du châu Âu với điểm đến đầu tiên là Ukraine và cuối cùng là Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lý Huy sẽ còn thăm Ba Lan, Pháp và Đức trong chuyến đi kéo dài nhiều ngày, để "tiến hành giao tiếp sâu rộng với các bên liên quan nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine".
Ông Lý Huy, người nói tiếng Nga lưu loát, là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất đến thăm Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự quy mô lớn vào tháng 2-2022. Chuyến thăm của ông có thể trùng với việc Ukraine chuẩn bị phản công để giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Chuyến thăm diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng trước. Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vị trí của Trung Quốc là "thúc đẩy hòa bình thông qua đàm phán".
Kể từ cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình và ông Zelensky vào tháng trước, một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã tới Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiềm chế các hành động của Matxcơva.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết chuyến đi của ông Lý Huy "thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và đàm phán", đồng thời ngăn chặn "tình hình leo thang".
Dù vậy, theo Hãng tin AP, các nhà phân tích chính trị thấy rất ít hy vọng về một thỏa thuận hòa bình vì cả Ukraine và Nga đều không sẵn sàng ngừng giao tranh.
Có rào cản gì không?
Các nhà phân tích chính trị và những nhà quan sát Trung Quốc nhận định rằng Bắc Kinh không thực sự quan tâm ai là người "thắng" cuộc chiến, hay một thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra dưới hình thức nào.
Theo các chuyên gia này, điều quan trọng đối với Bắc Kinh là việc trở thành đối tác quốc tế đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán và hòa giải để chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng Trung Quốc không có sự trung lập cần thiết để đưa Ukraine và Nga đến bàn đàm phán. Họ cho rằng Trung Quốc có thể không có ảnh hưởng đủ lớn để thuyết phục Nga rút lui hoặc Ukraine nhượng bộ.
"Có một sự bất cân xứng giữa quan hệ Trung Quốc - Nga và Trung Quốc - Ukraine", bà Alicja Bachulska, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nói với Đài CNBC.
"Phải mất 14 tháng thì Chủ tịch Tập Cận Bình mới có cuộc điện đàm với ông Zelensky, trong khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo Nga".
"Bất kỳ hình thức 'giúp đỡ' có ý nghĩa nào từ phía Trung Quốc sẽ yêu cầu Bắc Kinh công nhận quan điểm của Ukraine về cuộc chiến này, và điều này rất khó xảy ra do lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến. Cụ thể là làm suy yếu hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo", bà Bachulska nói thêm.
Dù vậy, giáo sư Cheng Chen của Đại học Albany cho rằng mặc dù việc Trung Quốc nhận thức được sự thiếu trung lập có thể là một điểm yếu, nhưng nó thực sự có thể là con át chủ bài của họ.
"Trung Quốc được nhiều người cho là quá thân thiện với Nga để có thể thực sự 'trung lập' khi nói đến khả năng làm trung gian hòa giải xung đột. Tuy nhiên, chính vì Trung Quốc là một trong số ít các đối tác quốc tế còn lại của Nga và đã cung cấp cho Nga sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng kể từ đầu xung đột, nên họ có khả năng đưa Nga đến bàn đàm phán và ảnh hưởng đến lập trường của Nga trong việc chấm dứt xung đột", giáo sư Cheng Chen nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận