18/08/2023 09:29 GMT+7

Công ty hủy mua đu đủ, viện lý do bất khả kháng là... chiến sự Ukraine

Nhiều nông dân ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đang như 'ngồi trên đống lửa' khi hàng chục héc ta đu đủ đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp lại từ chối thu mua. Đu đủ chín rụng đầy gốc vì nông dân sợ vi phạm hợp đồng.

Đến kỳ thu hoạch, đu đủ chín rụng cây nhưng doanh nghiệp không đến thu mua khiến người dân lo lắng - Ảnh: QUANG HUY

Đến kỳ thu hoạch, đu đủ chín rụng cây nhưng doanh nghiệp không đến thu mua khiến người dân lo lắng - Ảnh: QUANG HUY

Những ngày này, ông Nguyễn Quang Trung - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An - sốt ruột ra vườn đu đủ đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thấy người của Công ty cổ phần chanh leo Nafoods đến thu mua như cam kết.

Đu đủ chín rụng, vẫn phải để tại vườn vì lo vi phạm hợp đồng

Nhìn hàng ngàn quả đu đủ lần lượt chín rụng đỏ dưới gốc, ông Trung không khỏi xót xa.

"Từ giữa tháng 7 đến nay, đu đủ bắt đầu chín rộ, quả chín rụng thối rữa nhưng chúng tôi vẫn phải để lại tại vườn vì sợ vi phạm hợp đồng. Theo hợp đồng, nếu bên nào hủy bán hoặc hủy thu mua thì sẽ bị phạt gấp hai lần", ông Trung lo lắng.

Vụ hủy mua đu đủ vì chiến sự Ukraine được giải quyết ra sao?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vào tháng 11-2022, Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu và Công ty cổ phần chanh leo Nafoods (đóng ở phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) ký hợp đồng cung cấp cây giống đu đủ hồng phi Đài Loan và bao tiêu sản phẩm quả.

Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu mua giống trồng và phát triển, còn Công ty cổ phần chanh leo Nafoods thu mua quả tươi chín, tương đương 80 tấn/ha, từ tháng 7-2023 đến tháng 12-2024.

Sau đó, 16 gia đình trong và ngoài hợp tác xã tham gia trồng đu đủ trên diện tích gần 14ha. Trung bình mỗi hộ bỏ hơn 300 triệu đồng, làm từ 5 sào đến 2ha. Đến nay, cây đu đủ phát triển cao gần 2m, mỗi cây đạt khoảng 1 tạ quả.

Người dân trồng đu đủ phải hái bỏ những quả chín - Ảnh: QUANG HUY

Người dân trồng đu đủ phải hái bỏ những quả chín - Ảnh: QUANG HUY

Gia đình ông Nguyễn Hồng Lĩnh là một trong 16 thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu tham gia dự án trồng cây đu đủ.

Theo ông Lĩnh, trên diện tích 1 héc ta, gia đình đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và mua khoảng 2.000 cây giống đu đủ Đài Loan của dự án về trồng.

Nhờ chăm sóc bài bản, đúng quy trình kỹ thuật nên cây đu đủ của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Ước tính sản lượng đạt khoảng 160 tấn đu đủ quả để nhập cho công ty.

"Gần một năm chăm sóc, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào vườn cây, giờ nhìn thấy cảnh quả đu đủ rụng đầy gốc không bán được, xót xa lắm", ông Lĩnh buồn bã.

Chấm dứt hợp đồng vì bất khả kháng?

Ngày 19-7, đúng thời điểm thu hoạch, ông Phạm Duy Thái - giám đốc Công ty cổ phần chanh leo Nafoods - đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế "vì lý do bất khả kháng, ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine" không thể xuất khẩu.

Theo điều 7 hợp đồng kinh tế giữa hai bên có nêu "nếu trường hợp bất khả kháng xảy ra như chiến tranh thì bên bị ảnh hưởng sẽ chấm dứt việc thực hiện hợp đồng...".

Trước thông báo này, theo ông Trung, chiến sự Nga - Ukraine diễn ra từ tháng 2-2022, trong khi tháng 11 cùng năm hai bên mới ký hợp đồng. Vì vậy, lý do mà Công ty cổ phần chanh leo Nafoods đưa ra không hợp lý, gây thiệt hại lớn cho hợp tác xã.

Đu đủ chín rụng la liệt, thối rữa dưới gốc - Ảnh: QUANG HUY

Đu đủ chín rụng la liệt, thối rữa dưới gốc - Ảnh: QUANG HUY

Hợp tác xã Tây Hiếu tính toán, 1ha đu đủ trung bình cho sản lượng 200 tấn quả. Với cam kết thu mua 3.500 đồng/kg, nếu thuận lợi, người dân thu về hơn 500 triệu đồng/ha.

Hiện nay, 16 thành viên có nguy cơ mất hơn 7 tỉ đồng nếu đối tác đơn phương hủy hợp đồng mà không đền bù thiệt hại.

"Chúng tôi mong muốn công ty nếu không thu mua thì phải hỗ trợ mỗi hộ hơn 300 triệu đồng tiền vốn đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi", ông Trung kiến nghị.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần chanh leo Nafoods cho hay doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm không thu mua quả đu đủ chín từ Hợp tác xã Tây Hiếu do thời điểm này kinh tế khó khăn và thị trường xuất khẩu quốc tế gặp nhiều biến động.

Ông Nguyễn Thứ Trung - trưởng Phòng Kinh tế thị xã Thái Hòa - cho biết Hợp tác xã Tây Hiếu và Nafoods ký hợp đồng nhưng không thông báo để chính quyền chứng kiến, hỗ trợ.

Dự kiến, hôm nay (18-8) hai bên sẽ có cuộc làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Thương lái bỏ chạy, dân đắng cay đào hố chôn ớtThương lái bỏ chạy, dân đắng cay đào hố chôn ớt

TTO - Ớt chín đỏ rực cả cây nhưng doanh nghiệp từ chối thu mua đang khiến hàng trăm hộ nông dân ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An điêu đứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên