
Chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) - Ảnh: Q.V.
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi về chính sách xây các khu nhà trọ giá rẻ, nhà ở xã hội được công nhân đặt ra cho người đứng đầu UBND TP Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành.
Thu nhập dưới 15 triệu mới được mua nhà ở xã hội là bất cập
Chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) cho rằng hiện quy định chỉ công nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội là bất cập.
Theo chị, lương công nhân ở Hà Nội hiện đã cao hơn mức tối thiểu, lại còn có thưởng. Tuy nhiên với chi phí sinh hoạt cao, chị Báu cho rằng thu nhập dù trên 15 triệu đồng thì vẫn rất khó khăn.
Trước thực tế trên, chị Báu đề xuất Hà Nội kiến nghị Trung ương điều chỉnh quy định cho phù hợp.
"Nên nâng ngưỡng thu nhập được mua nhà xã hội lên 20 hoặc 25 triệu đồng/tháng để sát với thực tế người lao động ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM" - chị Báu đề xuất.
Lãnh đạo Sở Xây dựng nhận trách nhiệm vì chậm trễ xây nhà ở xã hội cho công nhân

Ông Luyện Văn Phương - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Ảnh: Q.V.
Giải đáp, ông Luyện Văn Phương - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho rằng những vấn đề, kiến nghị công nhân đặt ra là rất thiết thực và cấp bách.
Ông cho biết thời gian qua, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân. Trong đó, chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 của Hà Nội đã nêu rõ chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
Về việc phát triển nhà ở xã hội chậm trễ so với kế hoạch, ông Phương thừa nhận "một phần có trách nhiệm của các đơn vị liên quan".
"Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cam kết sẽ khắc phục trong thời gian tới. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội một số đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục, giao chủ đầu tư… để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này" - lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Hà Nội có thể áp dụng đặc thù cho người mua nhà ở xã hội?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi với công nhân - Ảnh: Q.V.
Trao đổi với công nhân sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết quy định về mức lương tối thiểu để mua nhà ở xã hội hiện đã được nêu rõ trong luật.
Tuy nhiên để hỗ trợ nhu cầu của công nhân, ông Thanh đặt câu hỏi: "Liệu Hà Nội có thể áp dụng một cơ chế riêng không?".
Trước thực tế trên, người đứng đầu UBND TP Hà Nội đề nghị Liên đoàn Lao động Hà Nội phối hợp với các cơ quan của TP nghiên cứu, kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô.
Từ đó, có thể trình HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết riêng về nội dung này để hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội một cách dễ dàng hơn.
"Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, thậm chí thu nhập của công nhân có thể đạt 20 triệu đồng/tháng. Cần tính toán có hệ số K nào đó để họ vẫn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội" - ông Thanh nêu hướng giải quyết.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Hà Nội, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 1-2025 đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn được đánh giá là thấp, nhất là với công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang hoạt động, thu hút hơn 167.000 lao động, phần lớn là người ngoại tỉnh. Trong số này, khoảng 60% công nhân phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều nơi chật hẹp, thiếu an ninh và vệ sinh, giá thuê cao, chi phí điện nước đắt đỏ.
Ngoài ra, tình trạng thiếu trường học công lập cho con em công nhân cũng gây thêm áp lực chi tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận