Ông yêu cầu xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả thông qua tận dụng lợi thế của công nghệ số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Theo tôi, hướng tiếp cận đó là chính xác, bởi công nghệ số có tiềm lực lớn lao trong hiện đại hóa tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước, đặc biệt trong cách thức phục vụ người dân - vượt qua những giới hạn, rào cản của mô hình quản lý theo địa giới hành chính vốn là "xương sống" của nền hành chính kéo dài hàng nghìn năm nay của nhân loại.
Thay vì phải rồng rắn xếp hàng ở trụ sở cơ quan hành chính, nhiều người dân đã có thể ngồi ở nhà mình nộp hồ sơ và nhận lại hồ sơ, hoàn toàn trực tuyến.
Và việc người dân Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn... thay vì mất hàng giờ đi tàu trên biển để vào đất liền, khi hết hạn hoặc cần cấp đổi giấy phép lái xe đều có thể làm qua mạng và nhận lại giấy tờ tại nhà.
Công nghệ số, với tiềm năng lớn lao, có thể phá vỡ cách thức vận hành của nền hành chính truyền thống, mang lại cung cách phục vụ chủ động và tự động hoàn toàn mới cho người dân, doanh nghiệp.
Thực chất cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ số không phải là những gì to tát, xa xôi.
Người dân có điện thoại thông minh và chính quyền có các nền tảng, phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung..., tức là công cụ làm việc mới cho phép cung cấp từ xa các dịch vụ.
Trong 5 năm gần đây, Chính phủ đã tạo lập được các nền tảng tốt bước đầu cả về kỹ thuật, thông qua xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên ngành (dữ liệu dân cư, hộ tịch, dữ liệu doanh nghiệp, đất đai..) làm nền móng cho triển khai tác nghiệp hành chính.
Trên nền tảng đó, ngay trong ngắn hạn, 1 - 2 năm tới, tôi kỳ vọng các địa phương sẽ tạo được đột phá trên hai công việc cụ thể.
Thứ nhất, cung cấp tiện ích làm giấy tờ hành chính cho người dân thành phố (như giấy khai sinh, cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp...) ngay trên ứng dụng trong điện thoại mỗi người dân.
Và thứ hai, lãnh đạo mỗi địa phương hằng ngày mở điện thoại của mình sẽ có được báo cáo kết quả công việc chính cập nhật hằng giờ; hằng ngày công việc của công chức, của sở ngành (số lượng hồ sơ thủ tục trễ hạn, mức độ hài lòng của người dân/doanh nghiệp, tiến độ thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công)...
Đã đến lúc người dân, doanh nghiệp cần được thụ hưởng kết quả trực tiếp từ đầu tư cho chuyển đổi số, thông qua những tiện ích nhỏ nhưng trực tiếp trong đời sống, công việc hằng ngày.
Nhưng lợi ích lớn lao của công nghệ số không dừng lại ở hiện đại hóa nền hành chính. Cá nhân tôi cho rằng với mục tiêu năm 2045 đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao và là cường quốc tầm trung thì công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cần được biến thành động lực tăng trưởng mới.
Lợi ích lớn nhất là giải quyết bài toán năng suất cho nền kinh tế, trọng tâm trên hai khía cạnh chính: năng suất lao động và tính hiệu quả, hiệu suất của các ngành kinh tế hiện hữu.
Thêm vào đó nếu có chiến lược ứng dụng phù hợp, công nghệ số cũng là chìa khóa đóng góp vào việc giải quyết ba thách thức chiến lược lớn nhất của Việt Nam trong hai thập niên tới, đó là quản trị tiến trình đô thị hóa, vấn đề già hóa dân số và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỗi quốc gia đều cần có khát vọng để tạo cảm hứng và dẫn dắt dân tộc mình phát triển. Việt Nam - để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng vào năm 2045 - cần dựa vào công nghệ số như một động lực tăng trưởng mới.
Trong bối cảnh mới, hiểu cuộc chơi của toàn cầu và ưu tiên cho cải cách thể chế kinh tế thị trường trong nước là chìa khóa cho giai đoạn bước ngoặt hết sức quan trọng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận