16/06/2019 14:29 GMT+7

Con đường trắc trở của lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Được đánh giá tài năng, tham vọng, khôn khéo và cả… tuân lệnh tuyệt đối, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), dù vậy lại là lãnh đạo đang chịu áp lực lớn nhất tại Hong Kong kể từ lúc đặc khu này được chuyển về đại lục.

Con đường trắc trở của lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Ảnh 1.

Trưởng đặc khu kinh tế Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) - Ảnh: REUTERS

Hãng tin AP của Mỹ đưa ra lời nhận xét trên về bà Lâm ngày 16-5, một ngày sau khi Hong Kong tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật dẫn độ với Trung Quốc.

Sai "điểm rơi phong độ"

Ngày 15-6, nhà lãnh đạo này dường như đang tranh đấu cho cuộc đời chính trị của mình, khi cố gắng giải thích lí do đằng sau sự ủng hộ đối với dự luật dẫn độ từ Hong Kong về Trung Quốc đại lục.

Con đường trắc trở của lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Ảnh 2.

Người Hong Kong lắng nghe phần phát biểu ngày 15-6 của bà Lâm trên sóng truyền hình - Ảnh: REUTERS

Bà Lâm, 62 tuổi, là nữ lãnh đạo đầu tiên và là nhà lãnh đạo thứ tư của Hong Kong kể từ khi Anh trao trả thành phố này về cho Trung Quốc năm 1997.

Khác với nhiều lãnh đạo cấp cao tại đây, bà Lâm có xuất thân khá khiêm tốn. Bà lớn lên tại quận Wanchai (Hong Kong), trong gia đình có 5 người con. Ngày bé, bà theo học một trường dòng cho nữ sinh, rồi theo học ĐH Hong Kong và ĐH Cambridge (Anh).

Bà cưới một nhà toán học và sinh hai con. Cả chồng và con bà đều có quốc tịch Anh, nhưng bà thì không.

Năm 2014, phong trào phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn tại Hong Kong nổ ra, sau khi Trung Quốc chỉ cho phép bầu cử trưởng đặc khu theo danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp thuận.

Vì vậy có thể nói, khi sự nghiệp chính trị của bà Lâm được biết đến nhiều nhất, thử thách nhất cũng là lúc những mâu thuẫn giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục lên cao trào.

Quyền lực không được thừa nhận

Một trong những thứ đe dọa vị thế của bà Lâm lúc này là việc bà không được người dân địa phương trực tiếp bầu. Bà lên nắm quyền vào năm 2017 nhờ phiếu bầu tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong, dù kém xa về danh tiếng so với đối thủ.

Con đường trắc trở của lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Ảnh 3.

Người Hong Kong cầm ảnh bà Lâm, biểu tình phản đối thông qua dự luật dẫn độ - Ảnh: REUTERS

Khởi điểm gây tranh cãi đang khiến bà Lâm mắc kẹt giữa một bên là đám đông dư luận chưa từng ủng hộ bà, một bên các lãnh đạo Bắc Kinh nóng lòng muốn thông qua luật dẫn độ.

Tuy nổi tiếng là một nhà quản trị hiệu quả và thực dụng, bà không chiếm được nhiều thiện cảm từ người Hong Kong. Lí do được cho là bà quá thân cận với Bắc Kinh.

Ngày 15-6, bà Lâm buộc phải đưa ra lời giải thích, rằng dự luật dẫn độ sẽ giúp ngăn ngừa các bất ổn xã hội, sau khi người Hong Kong đổ ra khắp các tuyến đường để biểu tình phản đối từ ngày 9-6.

Việc bà Lâm đoán chắc rằng mình có sự hậu thuẫn chắc chắn của Bắc Kinh càng khiến phía phản đối chỉ trích bà nhiều hơn. "Họ hiểu, họ tin tưởng vào khả năng phán xét của tôi và ủng hộ tôi", bà Lâm nói tại buổi họp báo về thái độ của Bắc Kinh đối với mình.

Chỉ vài giờ sau, nhiều nhà hoạt động đã kêu gọi người Hong Kong xuống đường vào ngày 16-6 để yêu cầu chính quyền phải rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ. Ngoài ra, họ cũng đòi hỏi cảnh sát phải lên tiếng xin lỗi, vì đã dùng vũ lực đối với người biểu tình, cũng như bà Lâm phải từ chức.

Sau cùng, giới quan sát cho rằng bà Lâm cũng sẽ buộc phải ra đi vì mất đi sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc đại lục. Bắc Kinh sẽ tận dụng điều này nhằm có thêm thời gian để tìm kiếm người thay thế bà Lâm.

Giáo sư Willy Lam của Đại học Hong Kong, một nhà quan sát chính trị, nhận định: "Họ (Bắc Kinh) sẽ không sa thải bà ấy ngay, nhưng cơ hội để có nhiệm kỳ thứ hai của bà đã hoàn toàn biến mất".

Ông Lam cho rằng có thể sẽ tìm lí do cho sự ra đi của vị nữ lãnh đạo này, mà không phải mất mặt. Lợi thế cho Bắc Kinh hiện nay là bà Lâm "vốn bị tất cả người dân Hong Kong ghét, và chính quyền do bà lãnh đạo đã vượt ngoài tầm kiểm soát", theo vị giáo sư trên.

Bắc Kinh nói Bắc Kinh nói 'đã hiểu' quyết định của lãnh đạo Hong Kong

TTO - Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra "thấu hiểu" với quyết định của lãnh đạo Hong Kong nhưng cũng cảnh báo vấn đề Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và không quốc gia, cá nhân nào có quyền can thiệp vào chuyện này.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên