Nhóm học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TP.HCM ôn tập trực tuyến môn văn sáng 13-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trước đó, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng và bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị công nhận việc dạy học từ xa, trong đó có dạy học trực tuyến.
Trao đổi về kiến nghị này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phổ thông tăng cường dạy học qua Internet và dạy học qua truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch COVID-19...
Ở tình huống hiện tại khi học sinh không thể đến trường, một số nhà trường có điều kiện chỉ có thể áp dụng duy nhất việc dạy trực tuyến hoặc tổ chức cho học sinh học qua truyền hình. Thành quả của việc dạy học theo hình thức này có thể được công nhận nhưng vẫn cần bù đắp phần còn thiếu về kiến thức, kỹ năng khi học sinh trở lại trường học".
* Theo ông, để việc dạy học từ xa, trong đó có dạy trực tuyến, được công nhận thì cần có cơ sở pháp lý thế nào? Các trường cần làm gì để "hợp thức hóa" việc này?
- Đối với bậc phổ thông, việc dạy học chính thức tại trường mang tính bắt buộc nên cơ sở pháp lý quy định cụ thể việc áp dụng dạy từ xa, dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp ở trường chưa có. Tuy nhiên, ở khía cạnh chuyên môn, những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT đủ để các trường có thể vận dụng để triển khai việc dạy từ xa trong bối cảnh hiện nay.
Muốn được công nhận việc dạy học từ xa, trong đó có dạy học trực tuyến, các nhà trường phải triển khai việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Việc này quy định trong hướng dẫn 791/HD-BGDĐT ban hành năm 2013, công văn 4612/BGDĐT ban hành năm 2017 và nội dung nhiệm vụ năm học.
Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch giáo dục phải rất bài bản, cụ thể. Trong đó có kế hoạch dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin (dạy online, giao nhiệm vụ học tập từ xa) có phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo quản lý, giám sát học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, có kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh khi trở lại trường.
Căn cứ vào nội dung dạy học trong giai đoạn nghỉ phòng dịch, các trường phải dự kiến kế hoạch dạy bù để bổ sung phần còn thiếu hụt cho học sinh sau khi các em trở lại trường.
Các trường có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về kế hoạch này và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục khi triển khai. Đồng thời thông tin công khai, minh bạch cho phụ huynh, học sinh toàn trường, cán bộ, giáo viên nhà trường để nắm tình hình, cùng phối hợp thực hiện.
“Với đặc thù của giáo dục phổ thông, nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức mà cần nhiều phẩm chất, năng lực. Vì thế, dứt khoát học sinh phải đến trường. Có rất nhiều phẩm chất, năng lực chỉ có thể được hình thành trong môi trường dạy học trực tiếp, trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành
* Hiện có một số địa phương dạy học qua truyền hình. Ưu điểm của hình thức này là học sinh cả nước có thể tiếp cận nhưng đây chỉ là hình thức dạy học một chiều nên khó kiểm soát chất lượng. Để việc dạy qua truyền hình có thể được công nhận cần điều kiện gì?
- Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn về việc dạy học qua Internet và truyền hình đối với học sinh phổ thông. Việc dạy học qua truyền hình được UBND các tỉnh thành giao cho Sở GD-ĐT kết hợp với các cơ quan liên quan và nhà đài thực hiện, tuy nhiên vẫn cần vai trò của mỗi nhà trường.
Các sở phải lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy học và khung giờ phát sóng trên truyền hình bảo đảm chất lượng, phù hợp với chương trình học của các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Các trường cần xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát học sinh. Ví dụ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có trách nhiệm thông tin cho học sinh, cho cha mẹ học sinh lịch của các tiết dạy qua truyền hình. Giáo viên bộ môn dựa theo nội dung bài giảng trên truyền hình để giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và nhận bài thu hoạch, bài tập học sinh làm qua email hoặc các group học tập.
* Việc đánh giá và thực hiện các bài kiểm tra bắt buộc đối với học sinh sẽ phải thực hiện như thế nào trong bối cảnh này?
- Quy định kiểm tra đánh giá vẫn theo các thông tư về đánh giá học sinh do Bộ GD-ĐT đã ban hành. Nhưng các trường có thể vận dụng linh hoạt theo công văn 4612 của Bộ GD-ĐT. Các trường cần cụ thể hóa kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng linh hoạt. Có thể thông qua bài kiểm tra trên lớp, hoặc qua các bài thuyết trình, thực hành, các dự án học tập mà học sinh tham gia có sản phẩm thu hoạch...
Tùy theo môn học, nội dung học tập, điều kiện của mỗi nhà trường có thể giao cho học sinh làm các bài tập, bài thực hành, các dự án học tập bằng hình thức từ xa như một số trường đã làm. Kết quả thực hiện của học sinh có thể gửi cho các thầy cô giáo để được đánh giá, nhận xét, sửa chữa. Nhưng việc kiểm tra đánh giá chính thức phải được thực hiện khi học sinh trở lại trường.
Chấp thuận phương án đào tạo từ xa của các trường ĐH
Ngày 13-3, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các trường ĐH, học viện, CĐ thống nhất về phương thức đào tạo từ xa. Cụ thể, Bộ GD-ĐT chấp thuận phương án đào tạo từ xa của các trường, với yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo. Các trường cần đảm bảo hệ thống kỹ thuật, học liệu, giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý... Ngoài ra, các đơn vị cần xây dựng tài liệu hướng dẫn về các kỹ năng cần thiết để học từ xa, quy trình và cách thức tổ chức dạy - học theo phương thức đào tạo từ xa, quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. (NGỌC DIỆP)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận